Mỹ, Nhật mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa chung ở Đông Á

17/09/2012 18:50
Bảo Thành (Nguồn: Washington Post)
(GDVN) - Động thái nâng cấp này càng làm Bắc Kinh tăng thêm nghi ngờ rằng mục tiêu thứ hai của chương trình này là nhằm kiềm chế sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong khu vực.
Có thể bạn quan tâm
> Tìm hiểu đất nước Ireland, cơ hội nhận quà cực lớn
> Cả xã hội quan tâm: Tình hình biển Đông 
> Mục mới: Nóng trên mạng

Tờ Washington Post ngày hôm nay đưa tin, Mỹ và Nhật thông báo sẽ mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa chung ở Đông Á thông qua việc lắp đặt một trạm ra-đa công suất lớn mới ở miền nam Nhật Bản.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto nói rằng một nhóm liên hợp Mỹ-Nhật sẽ ngay lập tức bắt đầu khảo sát địa điểm xây dựng trạm ra-đa mới, góp phần tăng cường sức mạnh cho trạm ra-đa đã được xây dựng trên đảo Hongshu miền bắc Nhật Bản.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto trong buổi họp báo chung tại Tokyo
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto trong buổi họp báo chung tại Tokyo

Các nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật nói rằng lá chắn tên lửa này nhằm chống lại mối đe dọa từ Triều Tiên vốn đã phát triển một kho vũ khí hạt nhân nhỏ và đang tìm cách kéo dài tầm bắn tên lửa đến lãnh thổ Mỹ.

Tuy cả Washington và Tokyo đều liên tục phủ nhận rằng hệ thống phòng thủ tên lửa này được xây dựng để chống lại Trung Quốc, tuy nhiên động thái nâng cấp này càng làm Bắc Kinh tăng thêm nghi ngờ rằng mục tiêu thứ hai của chương trình này là nhằm kiềm chế sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong khu vực.

Trả lời các phóng viên, ông Panetta nói không có lý do gì để Trung Quốc tin rằng trạm ra-đa này sẽ nhắm vào họ. Ông nói: “Chúng tôi không hề giấu giếm rằng một trong những mối lo ngại của chúng tôi tại khu vực này là mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên. Chúng tôi đã nói rõ quan ngại đó với Trung Quốc. Chúng tôi cũng nói rõ rằng chúng tôi tiến hành các biện pháp để bảo vệ Mỹ và đồng minh khỏi nguy cơ đó.”

Hệ thống phòng thủ tên lửa PAC3 của Nhật Bản
Hệ thống phòng thủ tên lửa PAC3 của Nhật Bản

Ngoài các trạm ra-đa mặt đất này, Hải quân Mỹ và Nhật cũng vận hành các ra-đa tương tự trên các tàu tuần dương và tàu khu trục thường xuyên tuần tra trên các vùng biển Đông Á. Bên cạnh khả năng phát hiện tên lửa, các ra-đa này còn giúp Mỹ và đồng minh thu thập thông tin chi tiết về tàu bè đi lại trong khu vực. Khả năng này đặc biệt hữu ích cho đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Philippines trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên các hòn đảo và ngư trường.

Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng sẽ tăng cường sử dụng máy bay do thám không người lái trên Thái Bình Dương dựa trên hệ thống máy bay Global Hawk bay ở tầm cao. Nhật Bản đã thể hiện sự quan tâm đối với hệ thống Global Hawk này. Trong buổi họp báo chung tổ chức tại Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Morimoto nói rằng Mỹ và Nhật đang “tăng cường hợp tác trong các hoạt động trinh sát và giám sát”.

Máy bay do thám không người lái Global Hawk
Máy bay do thám không người lái Global Hawk

Thỏa thuận triển khai trạm ra-đa thứ hai ở Nhật Bản được đưa ra chỉ vài giờ trước khi ông Panetta lên đường tới thăm Bắc Kinh, trong bối cảnh căng thẳng tranh chấp lãnh thổ trên nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc ngày càng leo thang

Lầu Năm Góc hiện đang tìm cách cải thiện quan hệ quân sự với quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại rất thận trọng trước đề nghị này và nhiều chỉ huy quân sự Trung Quốc đã cáo buộc Washington tìm cách kiềm chế ảnh hưởng quân sự và kinh tế của Trung Quốc tại Châu Á và Thái Bình Dương.

Bảo Thành (Nguồn: Washington Post)