Mỹ: Tin tình báo về Bắc Triều Tiên mỗi nguồn nói một kiểu

19/04/2013 13:00
Nguyễn Hường (nguồn Yonhap)
(GDVN) - Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper đã thừa nhận rằng có sự không thống nhất trong các thông tin tình báo thu thập về Bắc Triều Tiên của các cơ quan tình báo Mỹ.
Trong lời phát biểu thẳng thắn khá bất thường đối với công chúng Mỹ về khả năng có thể biết về những gì đang xảy ra ở Triều Tiên, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper đã thừa nhận rằng có sự không thống nhất trong các thông tin tình báo thu thập về Bắc Triều Tiên của các cơ quan tình báo Mỹ.

Tranh cãi về việc liệu Bình Nhưỡng đã có đầu đạn hạt nhân lắp vào tên lửa hay không trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ, ông Clapper cho biết vẫn còn quá sớm để khẳng định rằng Triều Tiên đã làm chủ được công nghệ này vì "thiếu sự đồng nhất trong đánh giá về nhiều thứ ở Triều Tiên và khả năng hạt nhân này của Bình Nhưỡng cũng không phải là một ngoại lệ".

James Clapper
James Clapper

Ông Clapper cũng thừa nhận rằng việc thu thập thông tin tình báo chính xác về khả năng vũ khí hủy diệt hàng loạt của một quốc gia không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, mà nó đòi hỏi sự phân tích tinh vi và hỗ trợ kỹ thuật cao.
Những lo ngại về khả năng Triều Tiên đã sở hữu tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đã tăng cao trong thời gian gần đây sau khi Bình Nhưỡng đã tiến hành thử tên lửa và hạt nhân, đưa ra các lời đe dọa tiến hành tấn công hạt nhân phủ đầu chống lại Mỹ và các đồng minh châu Á.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng việc phóng tên lửa mang vệ tinh thành công một lần không đồng nghĩa với việc có thể phát triển được tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân.
Trung tướng Michael Flynn, Giám đốc cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) cho biết trong bức thư gửi lên Ủy ban Thượng viện trước phiên điều trần, ông tin rằng Triều Tiên vẫn còn thấy lợi ích trong việc đàm phán với Mỹ nhưng sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của mình để đổi lấy đàm phán. 
Ông cho biết, chính phủ Triều Tiên có thể dùng khả năng hạt nhân để buộc Mỹ đàm phán nhằm đạt được hiệp ước hòa bình, loại bỏ các trừng phạt kinh tế và đòi được công nhận là một nhà nước hạt nhân.
Nhưng ông loại trừ khả năng Bình Nhưỡng sẽ tiến hành một cuộc chiến tranh toàn diện với Hàn Quốc vì thiếu hỗ trợ hậu cần, thiết bị quân sự đã lỗi thời.
Nguyễn Hường (nguồn Yonhap)