Mỹ bất an khi Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa đạn đạo tàu ngầm KN-11

06/05/2015 07:37
Nguyễn Hường
(GDVN) - Theo tình báo Mỹ, các cuộc thử nghiệm dường như đã thành công và chương trình phát triển tên lửa là một ưu tiên cao của chính quyền Kim Jong-un.

Tờ Washington Free Beacon dẫn nguồn tin trong giới chức Mỹ ngày 5/5 cho biết, Triều Tiên gần đây đã tiến hành 3 cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo dành cho tàu ngầm (SLBM) trong năm nay như một phần của nỗ lực mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình.

Tàu Triều Tiên phóng tên lửa trong một cuộc tập trận.
Tàu Triều Tiên phóng tên lửa trong một cuộc tập trận. 

Cuộc thử nghiệm gần nhất diễn ra vào ngày 22/4, trong đó tàu ngầm Triều Tiên đã phóng thử các tên lửa KN-11 ở vùng biển gần thành phố Sinpo nằm trên bờ biển phía đông nam của nước này, cách khu phi quân sự ngăn cách nước này với Hàn Quốc khoảng 100 dặm. Tàu ngầm tên lửa mới được Bình Nhưỡng chế tạo tại nhà máy đóng tàu Sinpo Nam.

Theo tình báo Mỹ, các cuộc thử nghiệm dường như đã thành công và chương trình phát triển tên lửa là một ưu tiên cao của chính quyền Kim Jong-un. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Trung tá Jeffrey Pool, từ chối bình luận về chi tiết của các vụ thử nghiệm tàu ngầm mới của Triều Tiên.

Tuy nhiên, các quan chức an ninh quốc gia Mỹ đương nhiệm và đã về hưu chỉ trích chính quyền Tổng thống Barack Obama đã không có hành động tích cực đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên đối với nước Mỹ. 

"Tên lửa này cùng với KN-08 đã được chế tạo khi ông Obama cầm quyền và ông không có hành động nào để ngăn chặn chúng", một quan chức tình báo Mỹ chỉ trích chính quyền Obama cho biết.

"Với việc hoàn toàn bỏ qua mối đe dọa tên lửa ngày càng tăng của Triều Tiên, Tổng thống Obama đã cho phép các mối đe dọa phổ biến vũ khí của quốc gia này ra khỏi trung tâm của các cuộc tranh luận chính trị quốc gia," John Bolton, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc cho biết. "Đây là một bi kịch tiềm ẩn đối với đất nước."

Tàu ngầm Triều Tiên.
Tàu ngầm Triều Tiên.

Cựu chỉ huy không quân Mỹ, Trung tướng Thomas McInerney cho rằng sự phát triển KN-08 và SLBM khiến Triều Tiên nổi lên như một mối đe dọa tới lục địa Mỹ và mối đe dọa này phát triển dưới sự lãnh đạo của chính quyền Obama.

Hiện tình báo Mỹ vẫn chưa xác định được loại tàu ngầm sẽ được Triều Tiên trang bị KN-11, nhưng theo các nhà phân tích, nó có thể là chiếc tàu ngầm lớp Golf II từ thời Liên Xô đã được nước này tân trang hoặc một tàu ngầm tự chế sao chép thiết kế của Nga hoặc Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích tình báo Mỹ, ba cuộc thử nghiệm tàu ngầm hạt nhân của Triều Tiên trong năm nay là bằng chứng cho thấy Bình Nhưỡng đang ưu tiên phát triển khả năng tấn công ngầm. 

Theo Joseph DeTrani, cựu Giám đốc của Trung tâm Counterproliferation Quốc gia, một cơ quan tình báo Mỹ cho biết, việc Triều Tiên tiếp tục nâng cấp khả năng hạt nhân và tên lửa của mình là hành vi vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Cựu quan chức tình báo Bộ Quốc phòng Mỹ Bruce Bechtol nói rằng Triều Tiên đang phát triển một SLBM như là một phần của một kế hoạch có tên lửa có khả năng tấn công Mỹ và có tên lửa đó sẽ khiến hệ thống cảnh báo của Mỹ rất khó xác định. 

Những quan ngại trên đến trong bối cảnh Trung Quốc gần đây ước tính Bình Nhưỡng có một kho vũ khí lên tới 20 đầu đạn hạt nhân. Người Trung Quốc cũng tin rằng Bình Nhưỡng có khả năng sản xuất số lượng uranium cấp độ vũ khí cho phép họ có thể tăng gấp đôi kho vũ khí trên vào năm tới. 

Trong khi đó, Bình Nhưỡng hôm 30/4 ra tuyên bố cảnh báo sẽ tăng cường cơ sở hạ tầng điện hạt nhân nếu Mỹ và Hàn Quốc đạt được một hiệp định năng lượng hạt nhân. 

Đây được xem là một động thái tội phạm nguy hiểm có thể làm tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở Đông Bắc Á, hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên chỉ trích kế hoạch của Washington và Seoul.

Alexandre Mansourov từ Viện Nghiên cứu quốc tế thuộc trường John Hopkins cho rằng, Triều Tiên có thể phóng vệ tinh lên quỹ đạo vào tháng 9 hoặc tháng 10 tới.  Hoạt động này không chỉ vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà còn chứng minh quyết tâm không lay chuyển của Bình Nhưỡng trong việc theo đuổi một chương trình không gian mạnh mẽ bất chấp sự không tán thành của quốc tế và các lệnh cấm thử tên lửa.

Nó cũng sẽ là một động thái thử thách giới hạn sự kiên nhẫn của Bắc Kinh và tái lập quan hệ của Moscow với Bình Nhưỡng, đồng thời có thể buộc Washington đẩy nhanh việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực, điều chắc chắn sẽ làm tăng thêm căng thẳng giữa Mỹ và các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản.

Nguyễn Hường