Mỹ muốn phá thế trận Trung Quốc ở Biển Đông, hãy hòa giải với Triều Tiên

02/06/2016 11:23
Hồng Thủy
(GDVN) - Trong chiến lược của Trung Nam Hải, CHDCND Triều Tiên là một quân cờ cần quản lý để sử dụng, chứ không phải một kẻ thù để tiêu diệt.

Yonhap ngày 2/6 đưa tin, Trưởng ban Đối ngoại đảng Lao động Triều Tiên Ri Su-yong đã nói thẳng với ông Tập Cận Bình rằng, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục theo đuổi đồng thời hai mục tiêu, vừa phát triển sức mạnh hạt nhân, vừa phát triển kinh tế khi đến chào xã giao Chủ tịch Trung Quốc.

Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA hôm nay cho hay, ông Ri Su-yong đã hội kiến với ông Tập Cận Bình hôm Thứ  Tư trong chuyến thăm 3 ngày tới Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên trong 3 năm qua ông Tập Cận Bình tiếp một quan chức cấp cao Triều Tiên.

Cựu Ngoại trưởng Ri Su-yong mang theo thông điệp cứng rắn này của nhà lãnh đạo Kim Jong-un chuyển tới ông Tập Cận Bình, sau khi trao đổi vắn tắt kết quả đại hội đảng Lao động Triều Tiên lần thứ 7 vừa qua, đồng thời bày tỏ mong muốn của ông Kim Jong-un muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị Trung - Triều phát triển.

Ông Tập Cận Bình phải ngậm bồ hòn với CHDCND Triều Tiên

Tân Hoa Xã hôm Thứ Tư 1/6 cho hay, ông Tập Cận Bình nói với quan chức Triều Tiên rằng, Trung Quốc coi trọng quan hệ với Bình Nhưỡng, sẵn sàng hợp tác để củng cố và phát triển quan hệ song phương.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Trưởng ban Đối ngoại đảng Lao động Triều Tiên Ri Su-yong, ảnh: SCMP.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Trưởng ban Đối ngoại đảng Lao động Triều Tiên Ri Su-yong, ảnh: SCMP.

Người đứng đầu Trung Nam Hải kêu gọi "tất cả các bên bình tĩnh và kiềm chế" trong vấn đề bán đảo Triều Tiên mà không nhắc tên cụ thể CHDCND Triều Tiên.

Còn theo KCNA, ông Tập Cận Bình khẳng định với ông Ri Su-yong rằng, Bắc Kinh vẫn không thay đổi chính sách bảo vệ và phát triển quan hệ Trung - Triều.

Tiến sĩ Lee Seong-hyon từ Viện Sejong ngày 1/6 bình luận trên The Korea Times, khi ông Tập Cận Bình mới lên cầm quyền, rất nhiều nhà quan sát Hàn Quốc đã tin rằng ông sẽ cứng rắn với nước láng giềng CHDCND Triều Tiên.

Là một siêu cường ngày càng tự tin, đặc biệt là với cá tính mạnh của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc sẽ không dễ dàng bỏ qua những hành vi của "chú ngựa bất kham" Bình Nhưỡng. Nhưng thực tế diễn ra không phải như vậy.

Yun Sun, một học giả từ Trung tâm Stimson tại Washington DC nhận định, Tập Cận Bình là một chính khách lão luyện nên sẽ không để cảm xúc cá nhân chi phối chính sách đối ngoại.

Ông Bình là hậu duệ của các nhà "chiến lược nghệ thuật chiến tranh" của Trung Hoa nên nhận thức rất rõ về vai trò, giá trị chiến lược của CHDCND Triều Tiên trên bàn cờ chính trị quốc tế.

Không những Trung Quốc không "xiết" Bình Nhưỡng như mong đợi của Washington, Seoul hay Tokyo, ngược lại ông Tập Cận Bình không khó khăn gì để gửi thư chúc mừng ông Kim Jong-un mỗi dịp năm mới, ngày kỷ niệm trọng đại hay khi được bầu làm Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên.

Ông Tập Cận Bình cũng vừa mới cử một đội Olympic bóng rổ sang thi đấu giao hữu ở Bình Nhưỡng, ông Kim Jong-un đã tới xem trận bóng này. 

Người viết cho rằng, với Trung Quốc và Nga thì dù hành động của CHDCND Triều Tiên có bất kham hay khó ưa đến đâu Bắc Kinh và Moscow cũng không thể bỏ mặc Bình Nhưỡng.

Mặt khác, Triều Tiên càng làm mình làm mẩy thì càng có giá cho Bắc Kinh sử dụng trong ván cờ địa chính trị với Hoa Kỳ.

Cũng giống như Việt Nam, dân tộc Triều Tiên nằm trong khu vực cạnh tranh gay gắt về địa chính trị, địa chiến lược giữa hai thế lực siêu cường trước kia cũng như ngày nay. Trước đây dân tộc Triều Tiên đã trở thành nạn nhân của chiến tranh ý thức hệ giữa hai phe, xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa.

Mỹ muốn phá thế trận Trung Quốc ở Biển Đông, hãy hòa giải với Triều Tiên ảnh 2

Chính sách mới của ông Kim Jong-un: Tạo bàn đạp đàm phán với Mỹ

(GDVN) - Bình Nhưỡng đã sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với các quốc gia có "lịch sử thù địch", miễn là họ thân thiện và tôn trọng chủ quyền của Bắc Triều Tiên.

Chính xu thế đối đầu ý thức hệ ấy đã gây ra cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 và cắt đôi bán đảo này cho đến ngày nay. Hoa Kỳ giữ ảnh hưởng và vị thế ở một nửa bán đảo phía Nam, Trung Quốc và có thể cả Nga duy trì ảnh hưởng ở nửa còn lại phía Bắc bán đảo.

Ngày nay khi thế giới đã không còn tồn tại hai phe như trước, nhưng cạnh tranh giữa các siêu cường, đặc biệt là Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn tiếp tục và có phần gay gắt hơn xưa.

Những quốc gia nằm ở vị trí địa chính trị, địa chiến lược quan trọng như CHDCND Triều Tiên tiếp tục đóng vai trò rất lớn trong toan tính của các thế lực chính trị toàn cầu.

Hoa Kỳ đã duy trì ảnh hưởng và sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, nên cá nhân người viết cho rằng, Trung Quốc và Nga sẽ quyết không để Bình Nhưỡng ngả theo Washington.

Đó là lý do tại sao Triều Tiên có làm mình làm mẩy đến đâu, Trung Nam Hải và Kremlin vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt.

Mỹ - Hàn trông chờ vào Trung Quốc "kiềm chế" Triều Tiên là mắc bẫy ông Tập Cận Bình

Tiến sĩ Lee Seong-hyon cho rằng, cứ nhìn vào thực tế Trung Quốc triển khai sức mạnh quân sự của họ xuống Biển Đông là có thể thấy, đối thủ họ nhắm tới chính là Hoa Kỳ chứ không phải CHDCND Triều Tiên, mặc dù Bình Nhưỡng nhiều lần khiến Bắc Kinh nóng mặt.

Trong khi đó Mỹ - Hàn đã manh nha bàn bạc về việc Mỹ đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc để đối phó với nguy cơ hạt nhân từ Bình Nhưỡng.

Chính điều này càng làm cho giá trị chiến lược của "quân cờ" CHDCND Triều Tiên càng tăng cao trong tính toán của Trung Nam Hải chứ không giảm đi như suy nghĩ của Washington và Seoul.

Nguồn gốc cơ bản của xung đột Trung - Mỹ ngày nay là, Washington thì cố gắng duy trì vị thế siêu cường số 1 và trật tự thế giới sau Chiến tranh Thế giới II, còn Bắc Kinh muốn phá bỏ trật tự ấy bằng mọi giá, tiến tới thay thế vai trò của Mỹ.

Lee Seong-hyon nói, nhiều nhà quan sát ghi nhận một cách chính xác rằng, "ADN chính trị" của Trung Quốc đang thay đổi với mong muốn biến mình thành một siêu cường toàn cầu.

Bởi vậy việc hy vọng Trung Quốc giúp Mỹ-Hàn-Nhật "kiềm chế" CHDCND Triều Tiên là đi ngược lợi ích địa chiến lược của Bắc Kinh, nên chẳng khác nào mò trăng đáy nước, hái sao trên trời.

Bắc Kinh sẽ không coi Bình Nhưỡng là kẻ thù dù láng giềng này có làm nhiều điều trái lòng, nghịch ý họ. Trong chiến lược của Trung Nam Hải, CHDCND Triều Tiên là một quân cờ cần quản lý để sử dụng, chứ không phải một kẻ thù để tiêu diệt.

Chính vì vậy người viết cho rằng, Mỹ-Hàn sẽ sai lầm nếu đặt hy vọng vào Trung Quốc.

South China Morning Post ngày 1/6 dẫn phát biểu của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel hôm Thứ Ba 31/5 nói, chuyến thăm Trung Quốc của ông Ri Su-yong sẽ là cơ hội để Mỹ tìm hiểu, làm thế nào gây áp lực với Bắc Triều Tiên phải đồng ý ngồi vào bàn đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo với sự "hợp tác đầy đủ của Trung Quốc".

Sai lầm ở đây có hai lý do, một là cá tính của ông Kim Jong-un không dễ để người khác khuất phục, cho dù người đó là Tập Cận Bình, Putin hay Obama. Hai là ông Tập Cận Bình chẳng dại gì từ bỏ quân cờ chiến lược trong cuộc so găng với Hoa Kỳ trên bàn cờ chính trị thế giới.

Sức mạnh tinh thần, ý chí và lòng quả cảm của người Triều Tiên nếu được tập trung sử dụng vào phát triển đất nước thay vì theo đuổi giấc mộng hạt nhân có lẽ không khó để xuất hiện một hiện tượng thần kỳ. Tất cả chỉ là thay đổi trong tư duy và hành động. Ảnh: The Telegraph.
Sức mạnh tinh thần, ý chí và lòng quả cảm của người Triều Tiên nếu được tập trung sử dụng vào phát triển đất nước thay vì theo đuổi giấc mộng hạt nhân có lẽ không khó để xuất hiện một hiện tượng thần kỳ. Tất cả chỉ là thay đổi trong tư duy và hành động. Ảnh: The Telegraph.

Với Triều Tiên, Trung Quốc đủ sức mạnh quân sự, kinh tế, chính trị để có thể kẹp chặt Bình Nhưỡng trong vòng kiềm tỏa thực tế mà vẫn để Triều Tiên thích nói gì thì nói, thỏa mãn nhu cầu "thể diện, tôn nghiêm". Triều Tiên càng khiến Mỹ - Hàn - Nhật mất ăn mất ngủ, Trung Quốc càng có lợi.

Mỹ nên tìm cách đối thoại với Triều Tiên, Bình Nhưỡng cần bứt phá khỏi kiềm tỏa của nước lớn

Có thể thấy rằng, lo ngại lớn nhất của CHDCND Triều Tiên và ông Kim Jong-un đối với Hoa Kỳ và thế giới phương Tây là, chính quyền nhà nước Triều Tiên có thể bị lật đổ. Bình Nhưỡng bất chấp tất cả để theo đuổi mục tiêu trở thành cường quốc hạt nhân cũng không ngoài mục đích giữ vững bộ máy chính quyền.

Trong khi thời thế đã thay đổi, những bài học sau Chiến tranh Lạnh và đặc biệt là những cuộc chiến tại Afghanistan, Iraq, Libya, Syria...đã khiến Hoa Kỳ nhận ra rằng, xuất khẩu cách mạng hay áp đặt hệ giá trị của nước mình lên nước khác chỉ mang lại rắc rối, chiến tranh, xung đột chứ chẳng lợi ích gì.

Đó là lý do tại sao trong suốt 8 năm cầm quyền, ông Obama đã nỗ lực rút quân khỏi Iraq và Afghanistan, bình thường hóa quan hệ với Cuba, thúc đẩy thành công thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Mục tiêu của Hoa Kỳ ngày nay có lẽ cũng chỉ là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên chứ không phải lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Phát biểu của ông Obama khi thăm Việt Nam rằng, không một quốc gia nào có thể áp đặt ý chí lên dân tộc Việt Nam, vận mệnh của dân tộc Việt Nam do chính người Việt Nam quyết định.

Người viết thiết nghĩ, đây không chỉ đơn giản là một thông điệp đối với Việt Nam, mà còn là điều Mỹ nhắn gửi với những quốc gia đã và đang xem Mỹ, và bị Mỹ xem là thù địch, trong đó có Triều Tiên.

Bởi vậy để phá thế cờ Trung Quốc muốn thay thế vai trò, vị thế siêu cường số 1 của Hoa Kỳ hiện nay mà bất chấp tất cả, đặc biệt là các hành vi phiêu lưu quân sự trên Biển Đông, thiết nghĩ Hoa Kỳ cần tìm cách đối thoại với CHDCND Triều Tiên để có thể tạm yên vùng Đông Bắc Á.

Đồng thời cũng buộc Trung Quốc phải thay đổi, chấp nhận trỗi dậy hòa bình, phát triển cùng phồn vinh trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, thay vì tiếp tục theo đuổi mộng bá chủ, cường quyền như hiện nay. Chí ít dù Bắc Kinh chưa thay đổi ngay về nhận thức hay chiến lược, thì cũng phải điều chỉnh lực lượng.

Còn về phía Bình Nhưỡng, trong Đại hội 7 đảng Lao động Triều Tiên ông Kim Jong-un đã bộc lộ ý đồ chiến lược, phát triển hạt nhân chỉ là bước đệm tạo thế đàm phán với Mỹ, tiến tới mục tiêu hòa bình trên bán đảo và tất cả cùng giải trừ vũ khí hạt nhân.

Mỹ muốn phá thế trận Trung Quốc ở Biển Đông, hãy hòa giải với Triều Tiên ảnh 4

Đối thoại với Triều Tiên là cách duy nhất

(GDVN) - Chẳng có chứng cứ về việc những biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc trong nhiều năm qua đã tác động tới hành vi của Triều Tiên.

Vấn đề còn lại chỉ là hai bên thiếu một kênh đối thoại hiệu quả để tạo dựng lòng tin chiến lược.

Trung Quốc không phải "không làm gì được" Triều Tiên, mà chỉ muốn lợi dụng Bình Nhưỡng như một quân cờ chiến lược trong cạnh tranh với Hoa Kỳ.

Cũng không đời nào Bắc Kinh chấp nhận để Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân, vì rất có thể Trung Quốc chứ không phải Hoa Kỳ, sẽ bị đe dọa trực tiếp bởi thứ vũ khí hủy diệt ấy.

Trung Quốc hay Nga có thể tiếp tục giúp đỡ Triều Tiên, hoặc công khai hoặc âm thầm, nhưng mục đích chỉ làm sao cho Bình Nhưỡng có thể "cầm hơi" chứ không thể phát triển trở thành thế lực đe dọa vai trò và vị thế của họ.

Bởi vậy, thiết nghĩ đã đến lúc CHDCND Triều Tiên cùng Hoa Kỳ nắm lấy cơ hội, đối thoại, xóa bỏ dần nghi ngờ, tạo dựng và bồi đắp lòng tin, cố hòa bình phát triển trên bán đảo, hòa giải dân tộc, mang lại lợi ích thiết thực cho dân tộc Triều Tiên cũng như khu vực Đông Bắc Á.

Việc Triều Tiên vừa qua phát đi tín hiệu chào đón hay ủng hộ ứng cử viên Donald Trump có lẽ cũng ẩn chứa những thông điệp và hy vọng cho hòa bình, hòa giải, hợp tác và phát triển.

Làm như vậy không phải là để chống Trung Quốc hay chống Nga, mà là duy trì các chuẩn mực pháp lý và trật tự quốc tế đã định hình sau Chiến tranh Thế giới thứ II sau biết bao xương máu và nước mắt của nhân loại, bảo vệ hòa bình và ổn định cho khu vực.

Nếu điều này diễn ra, chắc chắn nó sẽ có tác động rất tích cực đối với Biển Đông. Để Trung Quốc hiểu rằng, thế giới này, khu vực này luôn chào đón một Trung Quốc trỗi dậy hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế và đóng góp tích cực cho khu vực, chứ không nước nào chấp nhận một Trung Quốc xưng hùng, xưng bá, lặp lại quan hệ "thiên tử - chư hầu" như thời phong kiến Trung Hoa.

Hồng Thủy