"Mỹ nên vận động các nước ASEAN bác đường lưỡi bò TQ ở Biển Đông"

11/02/2014 14:33
Hồng Thủy
(GDVN) - Washington nên nói rõ với các bên có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và các thành viên ASEAN như Singapore, Thái Lan hãy công khai bác bỏ đường 9 đoạn
Học giả Jeffrey Bader.
Học giả Jeffrey Bader.
Thông tấn xã Đài Loan ngày 10/2 dẫn phân tích của học giả Jeffrey Bader, thành viên cao cấp của Viện Brookings nhận xét, Washington đã bác bỏ một cách rõ ràng đường chín đoạn, còn gọi là đường chữ U hay đường lưỡi bò mà Trung Quốc và Đài Loan sử dụng để yêu sách "chủ quyền" với gần như toàn bộ Biển Đông vì nó không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Bader, một cựu chuyên gia về các vấn đề Đông Á thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đã có bài phân tích: "Mỹ và đường 9 đoạn của Trung Quốc: Kết thúc mơ hồ" phân tích phát biểu của Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện ngày 5/2. 
Daniel khẳng định, các yêu sách hàng hải ở Biển Đông phải có nguồn gốc từ các thực thể lãnh thổ (land features, tức yêu sách phạm vi các vùng biển phải dựa vào cấu tạo của yếu tố lãnh thổ theo thuyết "đất thống trị biển") và yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc không dựa trên sự bắt nguồn từ vùng đất là không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Daniel Rusel cho biết cộng đồng quốc tế sẽ hoan nghênh Trung Quốc làm rõ hoặc điều chỉnh đường 9 đoạn của họ dựa trên quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. 
Học giả Bader nhận xét, đây là lần đầu tiên chính phủ Mỹ công khai tuyên bố rõ ràng rằng cái gọi là đường 9 đoạn của  Trung Quốc là trái với luật pháp quốc tế.

Mỹ không muốn thấy Trung Quốc kiểm soát khu vực thông qua các hành động cưỡng chế, nhưng đồng thời Washington cũng chẳng có lợi ích gì nếu biến Biển Đông thành nơi đối đầu hoặc xung đột với Bắc Kinh, Bader viết.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel.

Ông cho rằng, Mỹ phải đảm bảo rằng phương pháp tiếp cận của họ không được coi là đơn phương và Washington nên nói rõ với các bên có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và các thành viên ASEAN như Singapore, Thái Lan hãy công khai bác bỏ đường 9 đoạn, theo UNCLOS.

Mỹ cũng nên tiếp tục ưu tiên cao độ thúc đẩy đàm phán bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN với Trung Quốc, đồng thời thúc giục Bắc Kinh không đơn phương tuyên bố áp đặt khu nhận diện phòng không ở Biển Đông.

Bader gợi ý, Mỹ nên thảo luận với tất cả các bên tranh chấp về khả năng thỏa thuận khai thác tài nguyên khoáng sản và thủy sản chung tại các khu vực không liên quan đến chủ quyền, bao gồm hình thức liên doanh giữa các công ty.

Đồng thời Thượng viện Mỹ cũng nên phê chuẩn UNCLOS để Washington có cơ sở pháp lý và đạo đức để tham gia một cách tích cực, hiệu quả hơn trong các quyết sách tương lai của Biển Đông. Các cựu Ngoại trưởng, chỉ huy Hải quân Mỹ cũng như Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương đều ủng hộ giải pháp này.

Đài Loan cũng là một thực thể đang kiểm soát (bất hợp pháp) đảo Ba Bình và bãi Bàn Than (nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam), cho nên theo Bader Mỹ nên tham khảo ý kiến Đài Loan về các vấn đề liên quan.

Hồng Thủy