Mỹ sẽ tiếp tục dựa vào ưu thế hải quân để thống trị các đại dương

10/04/2016 13:00
Đông Bình
(GDVN) - Trong 5 năm tới, Hải quân Mỹ cần 81,4 tỷ USD mua 38 tàu chiến, sẽ biên chế tàu sân bay USS Gerald Ford vào tháng 9/2016, phát huy vai trò răn đe của hải quân.

Bloomberg News ngày 6/4 cho hay, quy mô vốn của đề án ngân sách mới của Hải quân Mỹ giai đoạn 2017 – 2021 cơ bản tương đương với kế hoạch 5 năm của năm 2015. Đề án mới cho thấy, 5 năm tới, Hải quân Mỹ sẽ đề nghị cấp 81,4 tỷ USD để mua sắm 38 tàu chiến, tàu ngầm và tàu hỗ trợ, hậu cần.

5 tàu sân bay Hải quân Mỹ đồng thời đậu ở quân cảng Norfolk. Ảnh: Tân Hoa Xã
5 tàu sân bay Hải quân Mỹ đồng thời đậu ở quân cảng Norfolk. Ảnh: Tân Hoa Xã

Tại một tiểu ban của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 6/4, Trợ lý Bộ trưởng Hải quân Mỹ phụ trách nghiên cứu phát triển và mua sắm, Sean J. Stackley đã đưa ra đề án này.

Theo đề án mới, số lượng tàu chiến sẽ bị cắt giảm 10 chiếc, trong đó bao gồm cắt giảm số lượng tàu tuần dương đã được Mỹ cho biết trước đó.

Theo kế hoạch, năm 2017 Mỹ sẽ chi 14,7 tỷ USD mua 7 tàu chiến; năm 2018 chi 16,8 tỷ USD mua 8 tàu chiến; năm 2019 chi 16,2 tỷ USD mua 7 tàu chiến; năm 2020 chi 16,9 tỷ USD mua 8 tàu chiến; năm 2021 chi 16,8 tỷ USD mua 8 tàu chiến.

Hãng tin CNN Mỹ ngày 7/4 bổ sung cho hay, Mỹ cũng đang tích cực phát triển các loại tàu chiến hải quân.

Căn cứ vào báo cáo của Sean J. Stackley, trong đề án ngân sách, Hải quân Mỹ lần đầu tiên đề xuất chế tạo tàu ngầm hạt nhân chiến lược mới để thay thế cho lô tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio đầu tiên (chi 9,25 tỷ USD); chế tạo 9 tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virnigia, 10 tàu khu trục lớp Arleigh Burke và các tàu chiến mặt nước cỡ nhỏ khác. Mục tiêu của Hải quân Mỹ là đến năm 2021 sẽ sở hữu 308 tàu chiến.

Đáng chú ý, Hải quân Mỹ có kế hoạch triển khai đấu thầu về chương trình tàu hộ vệ. Công ty Lockheed Martin và Công ty Aosta hiện đều đang chế tạo tàu tuần duyên với một số phiên bản khác nhau.

Ý tưởng về tàu sân bay hạt nhân thế hệ mới Gerald R. Ford, Hải quân Mỹ. Ảnh: Tân Hoa Xã
Ý tưởng về tàu sân bay hạt nhân thế hệ mới Gerald R. Ford, Hải quân Mỹ. Ảnh: Tân Hoa Xã

Theo hãng tin Reuters Anh, hiện nay tổng số tàu chiến của Hải quân Mỹ khoảng 285 chiếc. Tháng 3/2016, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson cho biết, do sự thay đổi nhanh chóng của tình hình an ninh thế giới, Hải quân Mỹ có khả năng sẽ tiếp tục tăng số lượng tàu chiến theo yêu cầu mục tiêu sở hữu tổng cộng 308 tàu chiến.

Trợ lý Bộ trưởng Hải quân Mỹ Sean J. Stackley còn tiết lộ, siêu tàu sân bay thế hệ mới USS Gerald R. Ford CVN-78, chiếc tàu chiến đắt nhất hiện nay của Mỹ (dự tính tiêu tốn 12,9 tỷ USD) tháng 3/2016 đã hoàn thành 97%, dự kiến chạy thử trên biển vào tháng 7/2016, sau đó sẽ bàn giao vào tháng 9/2016, muộn hơn 1 năm so với dự tính đưa ra vào năm 2014, muộn hơn 2 năm so với kế hoạch ban đầu.

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford là chiếc tàu sân bay lớp Ford đầu tiên, là tàu sân bay mới nhất của Mỹ, được bắt đầu chế tạo từ năm 2009. Tàu này dài khoảng 340 m, lượng giãn nước 100.000 tấn, tốc độ trên 30 hải lý/giờ, có thể chở trên 75 máy bay tác chiến, bao gồm máy bay chiến đấu F/A-18E/F Super Hornet, máy bay chiến đấu F-35 mới nhất và các máy bay cảnh báo sớm, máy bay trực thăng.

Mỹ có kế hoạch chế tạo 3 tàu sân bay lớp Ford. Chiếc tàu sân bay lớp Ford thứ hai mang tên USS John Kennedy đã chế tạo được 18%, dự định hạ thủy vào năm 2020; chiếc thứ ba mang tên USS Enterprise, sẽ bắt đầu chế tạo vào năm 2018.

Mỹ hạ thủy tàu săn ngầm không người lái Sea Hunter ngày 7/4/2016. Ảnh nguồn: Navytoday.com
Mỹ hạ thủy tàu săn ngầm không người lái Sea Hunter ngày 7/4/2016. Ảnh nguồn: Navytoday.com

Ngoài ra, hãng tin BBC Anh ngày 8/4 dẫn lời quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ còn cho hay, vào hôm thứ Năm vừa qua, Quân đội Mỹ đã tổ chức lễ hạ thủy cho một chiếc tàu hoạt động tự chủ không người lái mang tính thử nghiệm, tàu này được thiết kế để săn tìm và tiêu diệt tàu ngầm.

Tàu này được đặt tên là Sea Hunter, dài khoảng 40 m, là tàu nguyên mẫu không có vũ trang, giống như chiếc xe hơi tự động điều khiển. Sea Hunter có thể chạy 2 – 3 tuần trên mặt biển.

Năng lực của con tàu này giúp nó trở thành sự lựa chọn tốt nhất trong săn tìm và tiêu diệt tàu ngầm, chi phí lại chỉ bằng một phần nhỏ so với tàu chiến có người lái.

Là một chiến lược chính đối phó với hải quân Trung Quốc và Nga, Sea Hunter là một tiến bộ lớn của Mỹ trong lĩnh vực tác chiến người máy (robot). Trong thời điểm tàu Sea Hunter hạ thủy, Trung Quốc đang gia tăng đầu tư cho hải quân, bao gồm mở rộng hạm đội tàu ngầm.

Bình luận về động thái mới nhất của Hải quân Mỹ, chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt cho rằng, Mỹ là nước khởi nghiệp từ hải quân, lấy hải quân để thống trị thế giới, vì vậy, đặc biệt coi trọng tàu sân bay và các loại tàu chiến.

Hiện nay, Mỹ có 10 tàu sân bay, nhưng Mỹ cho rằng như thế chưa đủ, thậm chí cho rằng trang bị 16 chiếc mới đủ. Nhưng do khó khăn về ngân sách quốc phòng, Mỹ đành phải phát triển tàu sân bay mới, lấy chất lượng bù đắp cho số lượng (1 chiếc thay thế cho 2 chiếc).

Tàu không người lái Sea Hunter Hải quân Mỹ dùng để săn tìm và tiêu diệt tàu ngầm
Tàu không người lái Sea Hunter Hải quân Mỹ dùng để săn tìm và tiêu diệt tàu ngầm

Mỹ luôn thực hiện chính sách “cây gậy và củ cà rốt”. Trong rất nhiều trường hợp, Mỹ sử dụng tàu sân bay áp sát “cửa nhà” nước khác, giống như sử dụng một đội quân lớn để áp sát, như thế sẽ tạo được hiệu quả răn đe; còn các biện pháp mới như tấn công mạng sẽ không thể thực hiện được vai trò răn đe này.

Đông Bình