Myanmar thất bại ở Biển Đông, Trung Quốc đòi bàn COC với từng nước

10/11/2014 13:26
Hồng Thủy
(GDVN) - Đầu tư của Trung Quốc vẫn gây tranh cãi ở Việt Nam và Myanmar vì công chúng vẫn nghi ngờ những dự án đầu tư phát triển của Trung Quốc không hoàn toàn tích cực.
Tổng thống Myanmar Thein Sein tiếp nhận ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN từ Quốc vương Brunei đầu năm 2014.
Tổng thống Myanmar Thein Sein tiếp nhận ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN từ Quốc vương Brunei đầu năm 2014.

Tờ Myanmar Times ngày 10/11 bình luận, trong một năm giữ ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN, Myanmar đã không làm được gì, nhưng cũng không để mất điều gì. Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 15 sẽ được tổ chức ở Nay Pyi Taw từ ngày 12 đến 13/11.

Hội nghị thượng đỉnh lần này ngoài các nhà lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN còn có sự hiện diện của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Là nước chủ nhà, Myanmar nhận được sự chú ý đặc biệt từ quốc tế và các phương tiện truyền thông.

Myanmar đã có đầy tham vọng từ khi tiếp quản ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN do Brunei chuyển giao. Chính phủ Myanmar tự tin nói rằng nước này sẽ làm cầu nối giữa Trung Quốc với 4 thành viên ASEAN có "tranh chấp lãnh thổ" trên Biển Đông.

Tuy nhiên các cuộc đàm phán về Biển Đông đã chẳng đi đến đâu sau hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 14 tại Myanmar hồi tháng 5. Trung Quốc vẫn muốn bàn bạc và soạn thảo bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) với từng nước, trong khi 4 nước ASEAN liên quan trực tiếp yêu cầu đàm phán bộ quy tắc COC duy nhất cho Biển Đông.

Không có thỏa thuận nào đạt được, và Myanmar đã thất bại trong chính sách ngoại giao của mình ở Biển Đông. Tuy nhiên Myanmar cũng không bị quốc gia thành viên ASEAN nào chỉ trích vì thất bại trong vấn đề Biển Đông.

Myanmar đã duy trì vai trò trung lập của mình trong tất cả các vấn đề khu vực. Năm 2015 Malaysia tiếp quản ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN cũng sẽ phải đối mặt với những vấn đề tương tự. Các chủ đề chính được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN tuần này chủ yếu tập trung vào vấn đề kinh tế thay vì vấn đề chính trị hay an ninh.

Các nước thành viên ASEAN đang mong đợi đầu tư và viện trợ nhiều hơn nữa từ các nền kinh tế Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc để đảm bảo cho thành công của việc xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015. Tuy nhiên đầu tư của Trung Quốc vẫn gây tranh cãi ở Việt Nam và Myanmar vì công chúng vẫn nghi ngờ những dự án đầu tư phát triển của Trung Quốc không hoàn toàn tích cực.

Theo Myanmar, nhìn chung Nay Pyi Taw đã thành công trong vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN mà không gặp phải bất kỳ vấn đề rắc rối nào lớn. Một số quốc gia trong khu vực không được may mắn như vậy. Ví dụ như Thái Lan đã từng phải đối mặt với nhiều vấn đề bất ổn chính trị trong khi làm Chủ tịch luân phiên ASEAN giai đoạn 2009 - 2010.

Dù Myanmar không đạt được bất kỳ thành tích nào với vai trò lãnh đạo khu vực trong việc chuyển đổi ASEAN thành một trung tâm, nhưng Myanmar vẫn hoạt động bình thường, giữ quan điểm trung lập và không để mất điều gì.

Hồng Thủy