Nên giúp Trung Quốc thay đổi thông qua đối thoại

19/07/2016 07:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Không thể không xem phán quyết là nền tảng, là đòn bẩy cho các hoạt động đàm phán sau này về ứng dụng, giải thích UNCLOS 1982 ở Biển Đông.

Tiến sĩ Bonnie S. Glaser từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS) tại Washington, Hoa Kỳ ngày 18/7 viết bài bình luận về khả năng phản ứng của Trung Quốc sau phán quyết vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines với nước này hôm 12/7.

Bà Bonnie S. Glaser nhận xét:

"Thể diện quốc gia cũng như tham vọng của Trung Quốc muốn kiểm soát Biển Đông đã bị giáng một đòn nặng nề bởi phán quyết ngày 12/7 do Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan công bố. 

Đúng như dự đoán, Bắc Kinh kiên quyết chối bỏ các phán quyết với tuyên bố nó vô hiệu, không có hiệu lực ràng buộc về mặt pháp lý. Trong một chuỗi phản ứng chính thức bao gồm cả một sách trắng mới, Trung Quốc tái khẳng định lập trường của họ và cảnh báo, Bắc Kinh dứt khoát đáp trả bất kỳ hành động nào họ cho là khiêu khích, chống lại lợi ích của họ ở Biển Đông.

Tiến sĩ Bonnie S. Glaser trả lời phỏng vấn đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV. Ảnh: CCTV.
Tiến sĩ Bonnie S. Glaser trả lời phỏng vấn đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV. Ảnh: CCTV.

Bắc Kinh chỉ trích nặng nề Ngoại trưởng Australia bà Julie Bishop vì bà kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết trọng tài, đồng thời khẳng định Australia sẽ tiếp tục các hoạt động tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Australia không nên xem luật pháp quốc tế như một trò chơi, đồng thời đe dọa, những hành động của Canberra không được Bắc Kinh chào đón có thể dẫn đến một trở ngại trong quan hệ song phương."

Phương án leo thang

"Phản ứng bằng chính sách của Bắc Kinh với phán quyết trọng tài còn chưa rõ ràng.

Tuy nhiên sau khi trút sự tức giận của mình và củng cố tính hợp pháp của đảng Cộng sản Trung Quốc với người dân nước này bằng cách khẳng định, đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ bảo vệ "chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ", ông Tập Cận Bình có thể sẽ xem xét lại cách tiếp cận của mình với vấn đề Biển Đông.

Kết quả sẽ là một trong hai khả năng, một là gia tăng các hành động leo thang manh động, hai là sửa đổi chiến lược Biển Đông với một phương pháp tiếp cận dễ chấp nhận hơn. Nếu Tập Cận Bình quyết tăng cường hành động kiểm soát Biển Đông, căng thẳng sẽ tăng lên cùng với nguy cơ của xung đột đối đầu.

Trung Quốc có thể hạ cánh nhiều máy bay chiến đấu trên 3 đường băng mới xây dựng (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) và tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo đã xây dựng bằng cách nạo vét, bơm cát từ đáy biển.

Tiếp tục làm trái các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), Trung Quốc có thể vẽ đường cơ sở thẳng xung quanh quần đảo Trường Sa và tuyên bố vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Một vùng nhận diện phòng không có thể được thiết lập để phản ánh phạm vi đường 9 đoạn Trung Quốc tự vẽ ra ở Biển Đông. Động thái đặc biệt manh động và khiêu khích hơn nữa, Trung Quốc có thể nạo vét và xây dựng một tiền đồn quân sự ở bãi Scarborough.

Ngoài ra Trung Quốc có thể tiếp tục thực hiện các hành vi can thiệp trái pháp luật như sử dụng các tàu hải cảnh, áp đặt các quy định cấm đánh bắt cá với các tàu thuyền khai thác năng lượng hoặc đánh bắt cá của nước ngoài trên Biển Đông, trong khu vực nước này tuyên bố "quyền lịch sử"."

Trung Quốc cũng có khả năng thay đổi

"Tuy nhiên Tập Cận Bình cũng có thể quyết định từng bước điều chỉnh chính sách của Trung Quốc, thực hiện từng phần của phán quyết trọng tài, tìm cách chung sống hòa bình với các nước láng giềng.

Ví dụ, Trung Quốc có thể đàm phán một thỏa thuận với Philippines cho phép ngư dân hai nước đánh bắt cá trong đầm phá bãi cạn Scarborough.

Đây sẽ là một sự thật cùng thắng: Bắc Kinh có thể làm nổi bật thỏa thuận này như minh chứng của phương châm đàm phán song phương mà họ theo đuổi.

Ông Lưu Chấn Dân, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc có những phát biểu cứng rắn sau phán quyết trọng tài. Ảnh: SCMP.
Ông Lưu Chấn Dân, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc có những phát biểu cứng rắn sau phán quyết trọng tài. Ảnh: SCMP.

Ngư dân Philippines thì có thể tiếp tục quay trở lại đánh bắt, đảm bảo sinh kế tại bãi cạn mà họ bị đuổi ra ngoài cách đây hơn 4 năm. Trung Quốc có thể báo hiệu rằng sẽ không ngăn cản Manila thăm dò khai thác khí đốt ở bãi Cỏ Rong.

Bắc Kinh có thể dừng tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm ở khu vực quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam), tránh quấy rối ngư dân Việt Nam. Các hoạt động trong tương lai trên các đảo nhân tạo Trung Quốc đã xây dựng ở Trường Sa có thể được kiểm soát nghiêm ngặt để cung cấp một số dịch vụ công cộng và duy trì mức độ tự vệ tối thiểu.

Trung Quốc có thể kiềm chế không nạo vét, bồi đắp đảo nhân tạo mới. Hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN có thể tiến tới một thỏa thuận về việc áp dụng các giao thức, thủ tục theo luật pháp quốc tế như áp dụng quy chế chạm trán bất ngờ trên biển để bảo vệ khu vực, đồng thời sớm kết thúc đàm phán ký kết COC."

Nên giúp Trung Quốc thay đổi

"Một phản ứng leo thang manh động của Trung Quốc có nhiều khả năng xảy ra nếu Bắc Kinh cảm thấy bị Mỹ và các đồng minh dồn ép. Vì lý do này, Philippines cần thiết phải tỏ ra khiêm tốn với chiến thắng pháp lý, còn các nước khác cần chống lại cám dỗ hả hê, làm nhục và cô lập Trung Quốc.

Không cần thiết và hoàn toàn không nên làm nhục ông Tập Cận Bình bằng cách tuyên bố rằng yêu sách đường 9 đoạn là phi pháp. Phán quyết này đã để ngỏ khả năng đường 9 đoạn có thể tồn tại như một đại diện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền đối với các cấu trúc và quyền lợi hàng hải được phép, theo UNCLOS 1982.

Mỹ và Australia nên ủng hộ mạnh mẽ đối thoại giữa Bắc Kinh và Manila để tìm ra sự khác biệt của họ. Chúng ta cũng nên khuyến khích các nước khác kiềm chế và đảm bảo rằng, các tàu thực thi pháp luật và các tàu cá của họ thực hiện nghiêm chỉnh UNCLOS 1982 để tránh những cái cớ cho Trung Quốc vi phạm trong tương lai.

Hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông nên tiếp tục, nhưng với thời gian và triển khai cần được xem xét một cách cẩn thận. Hơn nữa nhiệm vụ này cần được thực hiện nhẹ nhàng, tránh phô trương.

Nếu chi tiết của hoạt động này bị rò rỉ cho giới truyền thông, Lầu Năm Góc chỉ đơn giản là cần nêu rõ, các hoạt động này là việc thực hiện quyền tự do hàng hải thông thường và không có ý định thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

Nếu lời nói và hành động của Bắc Kinh theo thời gian cho thấy họ không có "yêu sách hàng hải quá mức" thì hoạt động tuần tra tự do hàng hải, hàng không không còn cần thiết.

Chính quyền Mỹ tiếp theo nên đặt ưu tiên trong việc thúc đẩy Thượng viện phê chuẩn việc Mỹ gia nhập UNCLOS 1982. Trung tâm chính sách của Mỹ đối với Biển Đông là trật tự dựa trên luật pháp và đã được chứng minh là đúng.

Tuy nhiên nó có mâu thuẫn, nếu không muốn nói là đạo đức giả khi Mỹ khăng khăng đòi Trung Quốc tuân thủ UNCLOS 1982 còn mình thì từ chối gia nhập nó. Đây là điều hiển nhiên, và nó làm suy yếu hình ảnh của Mỹ.

Nếu các nguyên tắc và thông lệ hiện có trong UNCLOS 1982 là quan trọng đối với lợi ích của Mỹ, Hoa Kỳ nên phê chuẩn gia nhập Công ước.

Phán quyết trọng tài đã được công bố, các tranh chấp ở Biển Đông sẽ bước vào một giai đoạn mới có chứa cả những thách thức và cơ hội. May mắn thay, các cuộc họp của diễn đàn khu vực ASEAN sắp diễn ra.

Trong khi các tướng Trung Quốc lớn tiếng dọa nạt, làm mình làm mẩy với Mỹ trước báo chí, Tham mưu trưởng Hoa Kỳ tỏ ra khá kín tiếng trước truyền thông. Ảnh: SCMP.
Trong khi các tướng Trung Quốc lớn tiếng dọa nạt, làm mình làm mẩy với Mỹ trước báo chí, Tham mưu trưởng Hoa Kỳ tỏ ra khá kín tiếng trước truyền thông. Ảnh: SCMP.

Hội nghị thượng đỉnh G-20 cũng sắp được tổ chức trong tháng Chín, ông Tập Cận Bình muốn có được thành công ngoại giao vang dội, điều này sẽ cung cấp một khoảng thời gian "nghỉ ngơi".

Mỹ, Australia, các nước khác có cùng ý tưởng nên chủ động tìm kiếm khả năng tận dụng các cơ hội này, tạo điều kiện giúp hình thành một sự thay đổi trong chính sách của Trung Quốc đối với Biển Đông, đó là chung sống hòa bình với láng giềng và tuân thủ luật pháp quốc tế."

Thiện chí đối thoại nhưng không quên cảnh giác

Cá nhân người viết cho rằng, vấn đề Biển Đông vốn hết sức phức tạp đang trở thành sân chơi, nơi cạnh tranh quyền lực gay gắt cũng như thỏa hiệp giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ và bị dẫn dắt bởi hai siêu cường này hơn là giữa các bên liên quan trực tiếp.

Trước khi PCA công bố phán quyết của Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 xét xử vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, Mỹ đã tích cực triển khai hoạt động "ngoại giao thầm lặng", vận động hành lang các nước liên quan tránh làm mất mặt Trung Quốc để đổi lấy cam kết không leo thang của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Mới nhất, Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ, Đô đốc John Richardson thăm và hội đàm với Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi hôm qua 18/7. Trong khi các sĩ quan chỉ huy quân đội Trung Quốc liên tục lớn tiếng đe dọa, làm mình làm mẩy với Mỹ trước báo chí thì ông John Richardson tỏ ra khá kín tiếng trước truyền thông.

Có thể đây là một cách người Mỹ cho Trung Quốc cơ hội "lấy lại sĩ diện" một chút sau phán quyết trọng tài, còn trên bàn đàm phán hai bên đã có những tranh cãi, thương lượng và thỏa hiệp.

Thiết nghĩ trong bối cảnh hiện tại, tính toán đó của Hoa Kỳ có ý nghĩa và tác động tích cực trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Nhưng mặt trái của nó là vai trò của các bên liên quan trực tiếp, các nước nhỏ ở Biển Đông dường như đang bị xem nhẹ, nếu không muốn nói là bị bỏ qua.

Người viết hoàn toàn nhất trí với quan điểm của Tiến sĩ Bonnie S. Glaser rằng, không nên hả hê, làm nhục Trung Quốc bằng phán quyết trọng tài, điều đó chẳng có lợi ích gì, thậm chí lại còn có hại.

Tuy nhiên không thể không ca ngợi thắng lợi của luật pháp quốc tế, của UNCLOS 1982, của công lý. Không thể không tán dương nỗ lực hết mình bảo vệ công lý, tài năng và sự công tâm, khách quan của 5 thẩm phán thành viên Hội đồng Trọng tài.

Không thể không xem phán quyết là nền tảng, là đòn bẩy cho các hoạt động đàm phán sau này về ứng dụng, giải thích UNCLOS 1982 ở Biển Đông.

Người viết tán đồng nhận xét rằng không nên lấy đường 9 đoạn ra "làm nhục" ông Tập Cận Bình, bởi đơn giản không nước nào thừa nhận nó.

Phán quyết trọng tài cũng đã bác bỏ một cách thuyết phục yêu sách "quyền lịch sử" làm nên đường lưỡi bò, cũng như "quyền lịch sử với các tài nguyên biển bên trong đường 9 đoạn".

Tuyên bố mới nhất của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sau phán quyết không còn nhắc gì đến đường 9 đoạn thì không có lý do gì chúng ta phải bận tâm đến nó.

Còn bất cứ hành động nào của Trung Quốc xâm hại quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp của các nước ven Biển Đông, các nước sẽ phải đấu tranh bằng UNCLOS 1982, chắc chắn dư luận sẽ ủng hộ mạnh mẽ.

Chỉ xin lưu ý rằng, không nhắc đến đường 9 đoạn và không dùng phán quyết trọng tài bác bỏ đường 9 đoạn để tỏ vẻ hả hê, xỉ nhục Trung Quốc, không có nghĩa là chấp nhận nó "như một đại diện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền đối với các cấu trúc và quyền lợi hàng hải được phép, theo UNCLOS 1982".

Có thể nói đây là nội dung duy nhất người viết không đồng ý với bà Bonnie S. Glaser, nhất là nhận định:

"Phán quyết này đã để ngỏ khả năng đường 9 đoạn có thể tồn tại như một đại diện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền đối với các cấu trúc và quyền lợi hàng hải được phép, theo UNCLOS 1982."

Nhận định này theo người viết phản ánh không đúng bản chất phán quyết trọng tài và có xu hướng thanh minh cho Trung Quốc.

Cá nhân tôi đánh giá cao Tiến sĩ Bonnie S. Glaser bởi những đánh giá của bà về Biển Đông hậu phán quyết, càng khâm phục bà ở tầm nhìn thượng tôn pháp luật, kêu gọi Hoa Kỳ sớm phê chuẩn gia nhập UNCLOS 1982.

Chỉ có điều, với tư cách một nước liên quan trực tiếp, có chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp đối với vùng kinh tế và thềm lục địa, thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông, ngoài thiện chí đối thoại và đấu tranh giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, Việt Nam cũng như các nước nhỏ ở Biển Đông phải hết sức cảnh giác.

Thỏa hiệp Trung - Mỹ có thể mang lại hòa bình, ổn định tạm thời cho Biển Đông, nhưng cũng có thể làm tổn hại lợi ích hợp pháp của nước khác nếu vai trò các nước nhỏ ở Biển Đông không được coi trọng, nếu luật pháp và công lý quốc tế không được thực thi.

Mặt khác, những biểu hiện của Trung Quốc sau phán quyết chỉ đơn giản là cách "thích nghi" của các nhà lãnh đạo nước này với phán quyết trọng tài, hay bản chất tham vọng của Trung Quốc không thay đổi, cần có thêm thời gian theo dõi.

Những phát biểu "cứng rắn" của các ông Tập Cận Bình, Vương Nghị, Lưu Chấn Dân, Tôn Kiến Quốc, Ngô Thắng Lợi hậu phán quyết trọng tài là nhằm "bảo vệ danh dự", hay thể hiện cho một quyết tâm nào đó mới hơn, cần được nghiên cứu kỹ, đánh giá đúng để có đối sách phù hợp. Và cảnh giác không bao giờ thừa.

Hồng Thủy