Nga tìm cách bán vũ khí cho Philippines, tránh "dây vào" Biển Đông ra mặt

03/10/2015 06:37
Hồng Thủy
(GDVN) - Trung Quốc rõ ràng muốn trở thành thế lực thống trị khu vực, một cái gì đó có thể gây nguy hiểm cho những nỗ lực của Nga tham gia vào khu vực và kế hoạch...

Rakesh Krishnan Simha, nhà báo và nhà phân tích ngoại giao thường xuyên cộng tác với các tạp chí quốc tế thư Defense Industry Daily, The Diplomat, The Aviationist ngày 28/9 bình luận trên trang cá nhân của mình trên tờ Russia Beyond the Headlines về những thay đổi chiến lược ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nổi bật là sự xích lại gần nhau giữa Nga và Philippines.

Nga tìm cách bán vũ khí cho Philippines

Tháng Bảy năm ngoái, Phó Giám đốc cơ quan Hợp tác kỹ thuật quân sự Liên bang Nga Konstantin Biryulin nói với báo chí ở Manila: "Chúng tôi có những vấn đề tương tự ở Nga và chúng tôi biết phải làm thế nào để giải quyết chúng. Đây là lý do tại sao chúng tôi có một đề nghị liên quan đến thiết bị nào đó có thể giúp kiểm soát những khu vực này".

Hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga, ảnh minh họa. Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga.
Hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga, ảnh minh họa. Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga.

Biryulin cho biết, cũng như việc mở rộng hợp tác kinh tế song phương, chuyến thăm đó của ông nhằm thúc đẩy các hoạt động quốc phòng, bao gồm việc cung cấp các phần cứng quân sự cho Manila. Nga có thể chào hàng cung cấp radar, tên lửa đất đối không cho Philippines. Nền móng hợp tác giao lưu quân sự song phương bắt đầu từ tháng Giêng năm 2012, khi 3 tàu chiến hải quân Nga thăm Manila cùng thời gian với 2 tàu khu trục Mỹ.

Đây là chuyến thăm Philippines đầu tiên của Hạm đội Thái Bình Dương Nga trong 96 năm qua. Cùng năm đó, Nga đã nỗ lực tìm cách chào hàng cho Philippines máy bay huấn luyện Yak-130 nhưng không thành. Vì lý do lịch sử, nhiều người Philippines tin rằng đối tác tự nhiên của họ là Hoa Kỳ. Tuy nhiên, "phương trình hợp tác" Moscow - Manila đang thay đổi do những căng thẳng leo thang trong khu vực.

Carlos D. Sorreta, Giám đốc Học viện Ngoại giao Philippines cho rằng, có nhiều nội dung về an ninh mà Nga - Philippines có thể hợp tác. So với các khu vực khác, Đông Á là nơi có ít cạnh tranh nhất giữa Nga và Mỹ, ông nhận xét. Lịch sử không nên là trở ngại để hai nước làm việc cùng nhau trong các khuôn khổ an ninh quan trọng trong khu vực như ARF, hội nghị cấp cao Đông Á, hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng.

Trong tháng 8, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã gặp nhau bên lề hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Kuala Lumpur. Hai bên đồng ý tạo thuận lợi cho việc ký kết một số hiệp định hợp tác giữa 2 nước, bao gồm thành lập ủy ban liên chính phủ về thương mại, quốc phòng và hợp tác kỹ thuật quân sự, chống tội phạm xuyên quốc gia.

Tiềm năng lớn nhất trong lĩnh vực quốc phòng theo Rakesh Krishnan Simha là Nga có thể xem xét bán hệ thống tên lửa S-300 cho Philippines như đã bán cho Syria và Iran. Philippines đang ngày càng lo ngại về an ninh hàng hải và tìm kiếm nguồn cung vũ khí. Mặc dù phương Tây và chủ yếu là Mỹ đưa ra nguồn cung, nhưng chính sách bán vũ khí của Nga có ưu thế hơn, một là giá cả cạnh tranh, hai là không điều kiện đi kèm.

Tàu chiến Nga thăm Philippines.
Tàu chiến Nga thăm Philippines.

Moscow tránh không "dây vào Biển Đông để khỏi động chạm Bắc Kinh

Rakesh Krishnan Simha cho rằng, ưu điểm lớn nhất của Nga trong khu vực là không có yêu sách gì về chủ quyền lãnh thổ hay an ninh hàng hải ở Biển Đông. Cũng không giống như Mỹ và Trung Quốc đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình, trên thực tế 2 nước này đang chuẩn bị cho một khả năng đụng độ trong tương lai, mối quan tâm của Nga nằm ở chỗ phân phối lại quyền lực khu vực.

Hai học giả từ Đại học Viễn Đông Vladivostok, Artyom Lukin và Sergei Sevastyanov cho rằng, một trong những lý do Putin né tránh tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Campuchia năm 2012 là vì Nga muốn tránh dây vào vấn đề gây tranh cãi lớn nhất khu vực - Biển Đông. Bắc Kinh đưa ra yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) với hầu như toàn bộ Biển Đông bởi đường lưỡi bò 1947 gây ra một loạt tranh chấp với các láng giềng.

Nga không muốn bị coi là đứng về bên nào trong các bên tranh chấp ở Biển Đông. Trong bất kỳ liên hệ tương tác nào giữa Nga và các nước trong khu vực, Moscow đều thận trọng không để làm Bắc Kinh bất mãn bởi nhiều lý do, đặc biệt là những ảnh hưởng của Trung Quốc trong các vấn đề kinh tế, chính trị đối với Nga.

Nhưng đồng thời Moscow cũng không muốn để Bắc Kinh thích làm gì thì làm và xưng hùng xưng bá trong khu vực. Sorreta bình luận: "Trung Quốc rõ ràng muốn trở thành thế lực thống trị khu vực, một cái gì đó có thể gây nguy hiểm cho những nỗ lực của Nga tham gia vào khu vực và kế hoạch phát triển vùng Viễn Đông của mình".

Học giả Elizabeth Wishnick từ Đại học Columbia đồng ý với quan điểm này: Mặc dù Nga tìm thấy hỗ trợ từ Trung Quốc về các vấn đề toàn cầu của mình, ở cấp độ khu vực, các nhà lãnh đạo Nga đang tìm cách tăng cường sự độc lập của mình trong hành động thông qua chính sách tăng cường ngoại giao với Đông Nam Á, bao gồm đối tác truyền thống Việt Nam và đối tác mới "bất ngờ" - Philippines.

Trung Quốc ngày càng leo thang hung hãn trên Biển Đông, đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định khu vực và luật pháp quốc tế.
Trung Quốc ngày càng leo thang hung hãn trên Biển Đông, đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định khu vực và luật pháp quốc tế.

"Giá trị" của Nga trong vấn đề Biển Đông

Khi căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ với nguy cơ xảy ra đụng độ giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), Philippines đã bắt đầu nhận ra giá trị sự tham dự của Nga. Điều này xảy ra ngay cả khi người Mỹ được cho là tập trung vào chiến lược xoay trục sang châu Á.

Học giả Amitav Acharya cho rằng, việc Mỹ từ chối chấp nhận yêu cầu của Manila muốn mở rộng phạm vi hiệp ước phòng thủ chung đối với khu vực Philippines yêu sách ở Trường Sa tiếp tục chứng minh sự không chắc chắn trong quan hệ đồng minh với Mỹ. Một sự cân bằng quyền lực trong khu vực do Mỹ dẫn đầu có thể không liên quan đến hoạt động phòng ngừa và quản lý xung đột khu vực quy mô nhỏ, ví dụ như sự trỗi dậy bất ổn ở Campuchia về vấn đề biên giới, hoặc xung đột vũ trang trên các thực thể ở Biển Đông.

Hơn nữa ASEAN chia sẻ quan điểm rằng một mối quan hệ đối địch giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ đe dọa sự ổn định trong khu vực. Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng lo ngại rằng, một phản ứng mạnh mẽ của Hoa Kỳ với sự hung hăng của Trung Quốc có thể khiến các nước vừa và nhỏ trong khu vực phải sống chung với xu thế bài Trung Quốc.

Chính sách của Nga đã có thay đổi rõ rệt, trong khi duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc, Moscow cũng củng cố quan hệ với các nước "có vấn đề" với Trung Quốc như Philippines hay Việt Nam. Sorreta cho rằng đây là một chiến lược tốt và Phillippines có thể tìm kiếm hỗ trợ. Mặc dù Nga không nghiêng về bên nào ở Biển Đông, nhưng có thể hỗ trợ các hành động dựa trên nguyên tắc của luật pháp quốc tế và làm giảm căng thẳng.

Theo Wishnick, sức mạnh quân sự, kinh tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở châu Á đã dẫn đến sự ưa chuộng một vai trò tích cực hơn của Nga trong khu vực. Nga cũng như ASEAN có thể tìm đến một tiến trình làm giảm khả năng xung đột đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tương tự như vậy, Nga cũng đã cố gắng khuyến khích Nhật Bản, Trung Quốc đàm phán giảm căng thẳng ở Senkaku.

Từ quan điểm của Nga, sự cứng rắn (hung hăng) của Trung Quốc ở châu Á gây ra những hậu quả tiêu cực hơn liên quan đến việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự lớn hơn trong khu vực. 

Hồng Thủy