Nghị sĩ chống phá biên giới Việt Nam-Campuchia thoát tội phản quốc

17/08/2015 06:49
Hồng Thủy
(GDVN) - Luật sư cho biết, ông sẽ tiến hành các thủ tục nộp tiền bảo lãnh cho thân chủ của mình được tại ngoại tạm thời.
Hong Sokhour bị giải đến trại tạm giam sau khi tòa án Phnom Penh thẩm vấn. Ảnh: RFI.
Hong Sokhour bị giải đến trại tạm giam sau khi tòa án Phnom Penh thẩm vấn. Ảnh: RFI.

Đài RFI Khmer ngày 16/8 đưa tin, sau hai ngày thẩm vấn, hôm qua 16/8 tòa án Phnom Penh đã quyết định tạm giam Thượng nghị sĩ Hong Sokhour tại nhà tù Prey Sar để chờ xét xử. Ông ta bị buộc tội 3 điểm: Làm giả giấy tờ, công văn nhà nước; Làm sai lệch nội dung tài liệu, văn bản nhà nước; Xúi giục người khác phạm tội.

Chou Ngy, luật sư nhận bào chữa cho Hong Sokhour cho rằng, với 3 tội danh tòa án Phnom Penh đưa ra thì Hong Sokhour không phạm tội "phản quốc". Luật sư cho biết, ông sẽ tiến hành các thủ tục nộp tiền bảo lãnh cho thân chủ của mình được tại ngoại tạm thời.

Theo đài RFA Khmer ngày 18/6, nói với báo chí tại sân bay quốc tế Phnom Penh khi từ Pháp trở về ngày hôm qua, Chủ tịch phe đối lập CNRP Sam Rainsy tuyên bố rằng ông đã sử dụng một cách tiếp cận "nhẹ nhàng" để tìm cách cho Hong Sokhour được thả sau một cuộc nói chuyện với Thủ tướng Hun Sen.

Tuy nhiên người phát ngôn của đảng CPP cầm quyền nói rằng Hong Sokhour bị bắt vì phạm tội hình sự chứ không liên quan đến chính trị. Do đó Sam Rainsy có tiếp cận "nhẹ nhàng" hay không cũng không có gì xảy ra với việc bắt giữ, xét xử Thượng nghị sĩ này.

Cho đến ngày hôm qua Thượng viện Campuchia vẫn chưa triệu tập phiên họp nào để bãi miễn tư cách thành viên của Hong Sokhour, do đó theo giới luật sư Campuchia thì tòa án có thể sẽ giảm nhẹ hình phạt nếu Hong Sokhour "nhận ra sai lầm và xin lỗi công chúng"?!

Em Sovannara, giáo sư khoa học chính trị đại học Khemarak ngày 18/6 bình luận về vụ việc này với tờ Khmer Times, ông không nghĩ sự trở lại của Sam Rainsy sẽ giảm bớt căng thẳng vì hai bên CNRP và CPP luôn luôn chỉ trích nhau. Hong Sokhour đã bị Thủ tướng Hun Sen ra lệnh bắt khẩn cấp sau khi tải lên Facebook tài liệu tuyên truyền xuyên tạc, chống phá biên giới Việt Nam - Campuchia hôm 15/8.

Không sửa được bản đồ thì tìm cách sửa Hiến pháp

Xung quanh vấn đề biên giới Việt Nam - Campuchia, đài RFA Khmer ngày 16/8 cho biết, Sam Rainsy nói với phóng viên tại sân bay quốc tế Phnom Penh hôm qua rằng ông ta không chống lại việc sửa đổi Điều 2 Hiến pháp Campuchia miễn là "thay đổi có lợi cho quốc gia".

Sam Rainsy từ Pháp trở về ngày hôm qua. Ảnh: Khmer Times.
Sam Rainsy từ Pháp trở về ngày hôm qua. Ảnh: Khmer Times.

Người đứng đầu phe đối lập CNRP cho rằng, nếu quyết định sửa đổi Điều 2 Hiến pháp Campuchia như Sam Rainsy đã tham khảo ý kiến Hun Sen thì nên sử dụng bản đồ được in trước năm 1933 bởi tổ chức Guardian của Pháp. Điều 2 Hiến pháp Campuchia khẳng định rằng toàn vẹn lãnh thổ quốc gia này là bất khả xâm phạm và được thể hiện trên bản đồ bonne tỉ lệ 1/100.000 được in trong thời gian 1933-1953 (do Sở Địa dư Đông Dương phát hành).

Sam Rainsy cho rằng, nếu sửa Hiến pháp thì không nên bó hẹp khoảng thời gian xuất hiện bản đồ mà nên lựa chọn các bản đồ trước năm 1933 sẽ "có lợi hơn" cho Campuchia. Lãnh đạo CNRP lập luận: Nếu sửa đổi Điều 2 Hiến pháp, nên làm cho nó "sinh lời" cho quốc gia chứ không phải ràng buộc (cái gọi là) những phần lãnh thổ đã mất?!

Lãnh đạo phe đối lập CNRP nói với báo chí rằng, ý tưởng sửa đổi Điều 2 Hiến pháp Campuchia là "đề xuất của Hun Sen" trước khi hai người gặp nhau trong tháng 7 năm nay. Tuy nhiên hôm 13/8 Thủ tướng Hun Sen lại khẳng định với báo giới rằng, sửa đổi Điều 2 Hiến pháp là gợi ý của Sam Rainsy chứ không phải của ông.

Trước đó ngày 14/8 Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia công bố kết quả đối chiếu bản đồ phân giới cắm mốc Việt Nam - Campuchia của CPP, CNRP, Thư viện Quốc hội Mỹ, thư viện pháp. Tiến sĩ Sok Touch, trưởng nhóm nghiên cứu tuyên bố:

"Bây giờ chúng ta đã thấy rằng tất cả các bản đồ mà chúng tôi nhận được từ Chính phủ, CNRP, Thư viện Quốc hội Mỹ, Pháp là như nhau. Tuy nhiên để ngăn chặn việc mất đất của Campuchia cho các nước láng giềng, tôi xin đề nghị các nhà lãnh đạo Chính phủ Hoàng gia Campuchia xem xét sửa đổi Điều 2 của Hiến pháp Campuchia"?!

Theo học giả này, nếu sử dụng bản đồ bonne do Sở Địa dư Đông dương phát hành để phân giới cắm mốc theo quy định của Điều 2 Hiến pháp thì Campuchia sẽ mất khoảng 50 km vuông đất ở tỉnh Mondulkiri (giáp biên với tỉnh Đắc Lắc, Việt Nam)".

Xung quanh phát ngôn của Tiến sĩ Sok Touch về việc kiến nghị sửa Điều 2 Hiến pháp Campuchia về bản đồ biên giới, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ đã phân tích, Hiến pháp Campuchia chỉ có giá trị đối với công dân Campuchia, còn các Hiệp ước, Hiệp định về biên giới Việt Nam - Campuchia là những Điều ước quốc tế có giá trị pháp lý và được quốc tế thừa nhận.

Việc sửa Hiến pháp hay không là việc nội bộ của Campuchia, nhưng chắc chắn rằng các hiệp ước, hiệp định biên giới giữa 2 nước không thể bị bất kỳ thế lực nào đơn phương đòi xóa bỏ. Quý vị độc giả quan tâm có thể đọc lại phần phân tích, bình luận của Tiến sĩ Trần Công Trục về quan hệ giữa Hiến pháp một nước với Điều ước quốc tế mà nước đó đã ký kết, phê chuẩn TẠI ĐÂY.

Hồng Thủy