Ngô Sỹ Tồn: Tranh chấp Biển Đông 10 năm nữa giải quyết chưa xong

24/01/2013 06:00
Hồng Thủy (Nguồn: Đô thị Phương Nam)
(GDVN) - Ngô Sỹ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải cho rằng, vấn đề tranh chấp Biển Đông có 10 năm nữa cũng chưa thể giải quyết xong
Ngô Sỹ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải (Biển Đông)
Ngô Sỹ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải (Biển Đông)
Tờ Đô thị Phương Nam ngày 22/1 dẫn lời Ngô Sỹ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải cho rằng, vấn đề tranh chấp Biển Đông có 10 năm nữa cũng chưa thể giải quyết xong, nhận định này được đưa ra sau khi có tin Ngoại trưởng Philippines công bố Manila sẽ kiện "đường lưỡi bò phi pháp" Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông ra Tòa án quốc tế.
Trước đó, ngày 19/1 Viện nghiên cứu Nam Hải thành lập một Phân viện nghiên cứu Nam Hải (Biển Đông - PV) đặt tại Bắc Kinh. Nhiều học giả Trung Quốc tham dự lễ khai trương Phân viện này đều tỏ ra "lo lắng" đối với căng thẳng trên Biển Đông, tờ Đô thị Phương Nam đưa tin.

Cừu Viện Bình, Phó chủ nhiệm Văn phòng Tổ lãnh đạo công tác đối
ngoại trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng, tranh chấp chủ quyền biển đảo đã trở thành một trong những vấn đề nổi cộm trong chiến lược an ninh - đối ngoại của Trung Quốc và có thể trở thành thách thức "vô cùng nghiêm trọng và to lớn" cho quá trình thực hiện giấc mộng "phục hưng dân tộc Trung Hoa".
Ngô Sỹ Tồn đánh giá, tranh chấp Biển Đông hiện nay đang diễn biến theo xu hướng ngày càng dễ bạo phát, liên tục nảy sinh các vấn đề phức tạp và những va chạm trở nên "chuyện cơm bữa, thường ngày" trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng "khống chế tốt hơn" đối với cục diện Biển Đông.

Cũng viên Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải đưa ra nhận định, chính xu thế tranh cãi trên các phương diện chính trị  - ngoại giao và
pháp lý ngày một thường xuyên đang thu hẹp lại không gian cũng như đường lùi cho Trung Quốc trong vấn đề thỏa thuận, giải quyết tranh chấp ở Biển Đông và buộc Bắc Kinh phải "trách nhiệm hơn" khi mọi thứ trở nên "khó khăn hơn".
Đối với xu hướng diễn biến tranh chấp Biển Đông trong tương lai, Lương Kim Triết - Vụ phó Vụ Quan hệ quốc tế Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc cho rằng, trong thời gian tới Biển Đông vẫn là "chiến trường chủ yếu" của Trung Quốc trong cái gọi là "hoạt động đấu tranh giữ chủ quyền".

Ông Tồn phân tích, trong tương lai nhưng biểu hiện quốc tế hóa, đa phương hóa, mở rộng hóa và phức tạp hóa vấn đề Biển Đông sẽ ngày một rõ nét. Biển Đông sẽ trở thành nơi tranh chấp phức tạp xung quanh vấn đề địa chính trị, tài nguyên thiên nhiên, tự do hàng hải giữa các bên tranh chấp và có sự tham dự của các bên có lợi ích tại Biển
Đông.
Khác với nhóm học giả diều hâu "hỏa lực mồm" đến từ nhóm tướng - tá quân đội Trung Quốc đương chức hoặc nghỉ hưu theo đuổi quan điểm hiếu chiến trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải, hầu hết các học giả dân sự Trung Quốc đều cho rằng Bắc Kinh nên kiềm chế.

Ngô Sỹ Tồn luận rằng, hiện tại sức mạnh tổng hợp của Bắc Kinh đang lên, sức mạnh quân sự cũng vì thế phát triển tương ứng đang làm dấy lên mối nghi ngờ và lo ngại trong các quốc gia láng giềng đối với Trung Quốc. Bởi vậy, những vấn đề tranh chấp chủ quyền giai đoạn hiện nay Trung Quốc cần hết sức kiềm chế, tỉnh táo, nhìn xa, trông rộng.

Ông Tồn cũng đưa ra nhận định, trong tương lai có 3 thời điểm quan trọng mà Trung Quốc cần tính trước các nước cờ ứng phó với cục diện mới trên Biển Đông: Thời điểm ký Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), năm 2015 hình thành cộng đồng ASEAN và năm 2020 Mỹ hoàn thành tái bố trí chiến lược tại châu Á - Thái Bình Dương.
Hồng Thủy (Nguồn: Đô thị Phương Nam)