Ngư chính kéo ra Trường Sa yểm trợ ngư dân TQ đánh bắt trái phép

24/02/2013 18:58
Hồng Thủy (Nguồn: Tân Hoa Xã)
(GDVN) - Ngư chính sẽ tiến hành cái gọi là tuần tra (phi pháp - PV) thường xuyên tại khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam - PV), hỗ trợ đắc lực cho ngư dân Trung Quốc đánh bắt (trộm) tại vùng biển này.
Tàu cá Trung Quốc kéo ra đánh bắt trái phép tại Trường Sa dưới sự yểm trợ của tàu Ngư chính 310
Tàu cá Trung Quốc kéo ra đánh bắt trái phép tại Trường Sa dưới sự yểm trợ của tàu Ngư chính 310
Tân Hoa Xã ngày 24/2 đưa tin, Cục Ngư chính Nam Hải vừa ra tuyên bố, do phải đối mặt với những "thách thức" mới trong công tác "bảo hộ ngư dân, bảo vệ chủ quyền", Ngư chính sẽ tiến hành cái gọi là tuần tra (phi pháp - PV) thường xuyên tại khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam - PV), hỗ trợ đắc lực cho ngư dân Trung Quốc đánh bắt (trộm) tại vùng biển này.
Ngô Tráng, Cục trưởng Cục Ngư chính Nam Hải "phụ trách" khu vực Biển Đông cho biết, năm 2013 lực lượng này sẽ phải tập trung đối phó với nhiều thách thức mới, phải dốc toàn lực để thực hiện cái gọi là "bảo hộ ngư dân, bảo vệ chủ quyền" ngoài khu vực quần đảo Trường Sa, lấy khu vực quần đảo Trường Sa làm trọng tâm của hoạt động "tuần tra" năm 2013. Cụ thể, Ngư chính Trung Quốc sẽ "canh giữ chặt chẽ" khu vực bãi cạn Scarborough (vốn do Philippines kiểm soát bị Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát từ tháng 4/2012), trông coi cẩn thận Bãi Vành Khăn (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ từ năm 1990 - 1995, PV), tăng cường cái gọi là "quản lý" đối với khu vực quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam - PV), Vịnh Bắc Bộ và triển khai "tuần tra" thường xuyên ngoài Trường Sa.
Năm 2012 lực lượng Ngư chính Trung Quốc đã tiến hành cái gọi là "tuần tra thăm dò" ngoài khu vực quần đảo Trường Sa, cũng trong năm 2012, nhờ có lực lượng Ngư chính này thường xuyên có mặt nên không có tàu cá Trung Quốc (đánh bắt trộm) nào bị bắt giữ. Ngô Tráng cũng cho hay, lực lượng Ngư chính Nam Hải đã được đầu tư xây dựng căn cứ, trang thiết bị hiện đại, kiện toàn đội ngũ nhằm tăng tốc cái gọi là "bảo vệ chủ quyền" đối với Biển Đông, đặc biệt là khu vực quần đảo Trường Sa.
Hồng Thủy (Nguồn: Tân Hoa Xã)