Người Nga tự hào vì Putin đã lấy lại được Crimea

17/03/2014 16:03
Hồng Thủy
(GDVN) - Hầu hết người Nga lại thấy không có gì tự hào hơn việc ông làm cho Crimea trở về với lãnh thổ Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Bloomberg ngày 17/3 bình luận, các nhà lãnh đạo phương Tây có thể nghĩ rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin là "điên khùng khi đe dọa thôn tính Crimea và xâm nhập các khu vực khác của Ukraine", nhưng hầu hết người Nga lại thấy không có gì tự hào hơn việc ông làm cho Crimea trở về với lãnh thổ Nga.

Mức độ ủng hộ Putin tại Nga đã lên cao trong thời gian qua khi ông "đổ quân" vào Crimea trong bối cảnh chính quyền thân Nga của Tổng thống Victor Yanukovych bị lật đổ.

"Tổng thống Putin chỉ bảo vệ lợi ích của đất nước mình. Crimea là một phần lịch sử quan trọng đối với đất nước Nga và nó là của người Nga", Yaroslav Batashev, 32 tuổi, một người quản lý cửa hàng bách hóa tiêu dùng tại Moscow cho biết, mặc dù anh nói mình không nhất thiết phải là một fan hâm mộ Putin.

Kể từ khi chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ 3 vào năm 2012, Putin đã tái khẳng định quyền lực của mình cả trong và ngoài nước Nga. 

Bất chấp nguy cơ trừng phạt nền kinh tế đang rơi vào suy thoái 2 năm qua từ phương Tây, thách thức của Nga với phương Tây trong vấn đề Ukraine đã củng cố hình ảnh của Putin như một nhà lãnh đạo mạnh mẽ khôi phục sự vĩ đại của nước Nga.

Dân Crimea đổ ra đường ăn mừng kết quả bỏ phiếu trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào lãnh thổ Nga.
Dân Crimea đổ ra đường ăn mừng kết quả bỏ phiếu trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào lãnh thổ Nga.

72% người Nga ủng hộ những việc Putin đang làm với tư cách Tổng thống, trung tâm Levada cho biết hôm 13/3, trích dẫn kết quả khảo sát ý kiến 1.603 người. 

"Tôi ủng hộ Crimea sáp nhập vào với chúng tôi, bởi vì nếu không NATO sẽ có mặt tại Ukraine, đe dọa làm tổn hại lợi ích an ninh của Nga", Ilya Knyazev, một giám đốc bán hàng 31 tuổi từ 1 công ty kinh doanh thực phẩm ở Moscow cho biết.

Bloomberg cho rằng một phần sự ủng hộ Putin được tạo ra bởi bộ máy truyền thông nhà nước Nga khi đưa tin về các hoạt động "phát xít" của giới cầm quyền mới tại Ukraine trong các cuộc biểu tình lật đổ Yanukovych.

"Người Nga rất ngạc nhiên trước những hình ảnh họ thấy trên truyền hình từ quảng trường Độc Lập tại Kiev. Các vụ nổ súng, giết người và đốt lốp xe. Những hình ảnh này tạo ra nỗi sợ hãi rằng nó có thể lặp lại tại Crimea, nơi phần lớn dân số là người Nga. Bây giờ Putin đang nhận được sự ủng hộ đông đảo của đa số người dân", Alexander Oslon, một người Nga cho biết.

Crimea trở thành sân nhà của Hạm đội Biển Đen Nga, được thành lập bởi Catherine Đại Đế năm 1783 sau khi đế chế Ottoman nhượng lại bán đảo này. Nó là một phần của Nga cho đến khi nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev cắt bán đảo này cho Ukraine năm 1954. 

Tổng cộng đã có 96,8% cử tri Crimea bỏ phiếu ủng hộ sáp nhập vào lãnh thổ Nga. Sự tập trung của Putin đã được chuyển sang phía Đông Ukraine, cũng là địa bàn của đa số người nói tiếng Nga sinh sống.

Đối với Putin, kiểm soát Ukraine nói chung và Crimea nói riêng là bước quan trọng nhất để ngăn chặn những gì ông xem là sự xâm lấn không ngừng của phương Tây nhằm vào lợi ích của Nga kể từ sau Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Người dân bán đảo Crimea nhảy múa vui mừng vì trở thành công dân nước Nga.
Người dân bán đảo Crimea nhảy múa vui mừng vì trở thành công dân nước Nga.

Chỉ trong năm qua, Putin đã củng có vai trò của Nga ở Trung Đông với việc môi giới một thỏa thuận ngăn chặn cuộc tấn công của Mỹ vào Syria và bảo vệ Tổng thống Bashar al-Assad. 

Ông cũng khuyến khích phương Tây có những nhượng bộ với Iran về chương trình hạt nhân của nước này, và thỏa thuận hỗ trợ với chính quyền mới ở Ai Cập sau khi Mỹ ngừng viện trợ.

"Đất nước này là một đống đổ nát dưới thời Boris Yeltsin. Bất chấp tất cả những nhược điểm của Putin, ông vẫn là một nhà lãnh đạo cứng rắn và người quản lý kiên quyết để đưa nước Nga phát triển tốt hơn so với 1 thập kỷ trước dây", Batashev, một thương nhân Moscow cho biết.

Tuy nhiên, cũng có những quan điểm cho rằng việc Nga trả đũa các biện pháp trừng phạt của phương Tây có thể quét sạch 10 năm thành tựu về chính sách tài chính, tiền tệ. Leo thang căng thẳng có thể làm mất 1/3 giá trị đồng rúp.

"Tôi không muốn Nga thực sự bị cô lập một lần nữa với phần còn lại của thế giới", Anatoly Kapralov, một chủ doanh nghiệp quảng cáo 29 tuổi ở Moscow cho biết.

Nhưng điều đó không có khả năng gây ảnh hưởng với Putin, đối với Nga, đây là vấn đề tự hào dân tộc và văn hóa. Nicholas Spiro, giám đốc điều hành Spiro Sovereign Strategy từ London bình luận.

Hồng Thủy