Nhật có thể thua Trung Quốc trong cuộc chiến PR toàn cầu

13/02/2014 09:16
Nguyễn Hường
(GDVN) - "Một lời nói dối được lặp đi lặp lại sẽ khiến mọi người bị tẩy não và bắt đầu tin rằng nó đúng"
Nhật Bản có nguy cơ thua Trung Quốc trong cuộc chiến PR toàn cầu mà Bắc Kinh mô tả Tokyo như một nhân vật phản diện tại châu Á sau chuyến thăm ngôi đền chiến tranh gây tranh cãi Yasukuni của Thủ tướng Shinzo Abe.

Bắc Kinh đã tăng cường chiến dịch truyền bá dư luận quốc tế chống lại Nhật Bản kể từ ngày 26/12/2013 khi ông Abe thăm đền Yasukuni, nơi Trung Quốc, Hàn Quốc xem là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản.

Thủ tướng Shinzo Abe thăm đền Yasukuni.
Thủ tướng Shinzo Abe thăm đền Yasukuni.
Chiến lược này đã giúp Bắc Kinh hướng sự chú ý của dư luận quốc tế về sự quyết đoán quân sự ngày càng tăng của nước này tại châu Á với chi tiêu quốc phòng liên tục tăng 2 con số và tạo ra các khu vực phòng không bất hợp pháp tại các vùng biển tranh chấp sang việc lên án Tokyo, Reuters ngày 12/2 nhận định.
"Lúc này, đây là một cuộc chiến tranh thực sự", Shin Tanaka, Chủ tịch tập đoàn tư vấn truyền thông Nhật Bản FleishmanHillard cho biết.
Một số nhà ngoại giao và quan chức Nhật Bản đã bác bỏ các lo ngại và bày tỏ tin tưởng rằng Tokyo sẽ giành phần thắng trong cuộc chiến ngoại giao này. 
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, chuyến thăm đền Yasukuni của ông Abe đã giúp cho Bắc Kinh dễ dàng hơn trong việc chỉ trích các kế hoạch củng cố quân đội của ông. 

"Điều cơ bản nhất mà họ nói là để khẳng định rằng Nhật Bản đang đi trên con đường của chủ nghĩa quân phiệt năm 1930. Điều này không đúng. Nhưng vấn đề là Trung Quốc có thể đẩy nó lên vì những gì Abe đã làm", Daniel Sneider, Phó giám đốc tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Á Shorenstein-Thái Bình Dương của Đại học Stanford cho biết. 

Phản ứng của Tokyo theo một số chuyên gia PR là không đủ để gây ảnh hưởng tới dư luận quốc tế.
Phản ứng của Tokyo theo một số chuyên gia PR là không đủ để gây ảnh hưởng tới dư luận quốc tế.
Những nhận xét "ngớ ngẩn và hớ hênh' gần đây của Giám đốc đài NHK, người được bổ nhiệm bởi một hội đồng gồm có ông Abe, cũng đã giúp ghi thêm một bàn thắng cho Bắc Kinh trong cuộc chiến PR toàn cầu giữa hai bên. 
Kể từ đầu năm đến nay, các Đại sứ Trung Quốc và các quan chức khác đã nhắm mục tiêu vào Nhật Bản 69 lần trên các phương tiện truyền thông trên thế giới, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết. Chiến dịch này bao gồm các cuộc phỏng vấn, bình luận bằng văn bản và các cuộc họp báo.
Trong hai tuần, Nhật Bản đã phải ban hành tuyên bố bác bỏ 67 nhận xét của phía Trung Quốc, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản Masaru Sato nói.
Khi được hỏi liệu Trung Quốc đã giành phần thắng trong dư luận quốc tế trước Nhật Bản, phát ngôn viên Bộ ngoại giao nước này Hoa Xuân Oánh cho rằng: "Sai lầm của các nhà lãnh đạo Nhật Bản là để xảy ra những hành động mạnh mẽ chống lại cộng đồng quốc tế. Trung Quốc sẵn sàng làm việc với các nạn nhân chiến tranh khác và cộng đồng quốc tế để bảo vệ công lý lịch sử."
Các nhà ngoại giao Nhật Bản thừa nhận rằng, đôi khi Trung Quốc đã lợi dụng tranh cãi liên quan tới chuyến thăm đền Yasukuni để chỉ trích Tokyo trong một vấn đề không liên quan. Một số quan chức nước này cũng bày tỏ lo ngại rằng chiến dịch PR của Bắc Kinh sẽ có tác động bất lợi cho Nhật Bản trong dư luận quốc tế.
"Một lời nói dối được lặp đi lặp lại sẽ khiến mọi người bị tẩy não và bắt đầu tin rằng nó đúng" Akira Sato, người đứng đầu ủy ban về chính sách quốc phòng của đảng cầm quyền Dân chủ Tự do nói với Reuters.
Phản ứng của Tokyo theo một số chuyên gia PR là không đủ để gây ảnh hưởng tới dư luận quốc tế, một số nhà ngoại giao Nhật Bản chia sẻ lo lắng.
"Nhật Bản rất lo lắng rằng Trung Quốc đang thắng cuộc chiến tranh tuyên truyền này," một nhà ngoại giao châu Á tại Bắc Kinh cho biết. "Các nhà ngoại giao của họ đã được yêu cầu làm thế nào có lợi cho mình trong các câu chuyện và giành chiến thắng trong tranh cãi ở phương Tây"./
Nguyễn Hường