Nước lớn không muốn bị luật pháp ràng buộc, chỉ muốn dùng chính trị

31/07/2014 06:21
Hồng Thủy
(GDVN) - Nếu bạn là một sức mạnh lớn và biết rằng bạn sẽ mạnh mẽ hơn, bạn không muốn bị hạn chế bởi luật pháp quốc tế. Bạn chỉ muốn sử dụng chính trị.
Tàu Hải cảnh Trung Quốc quấy rối tàu thực thi pháp luật của Cảnh sát biển Việt Nam gần nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981.
Tàu Hải cảnh Trung Quốc quấy rối tàu thực thi pháp luật của Cảnh sát biển Việt Nam gần nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981.

Bloomberg ngày 31/7 đưa tin, Ấn Độ đã giảm yêu sách của mình để hợp tác khai thác dầu ngoài khơi trong vùng biển tranh chấp với Bangladesh, nhưng Trung Quốc thì đang làm ngược lại.

Ấn Độ đã tiến một bước mới trong mối quan hệ chặt chẽ hơn với Bangladesh trong tháng này khi tuyên bố ngừng theo đuổi yêu sách trong hơn 4 thập kỷ qua đối với khu vực vịnh Bengal, lựa chọn tôn trọng phán quyết được Liên Hợp Quốc ủng hộ.

Quyết định này của New Delhi tương phải với Bắc Kinh, nước luôn từ chối thừa nhận bất cứ quyền hạn nào của Liên Hợp Quốc trong vấn đề lãnh thổ - hàng hải với Philippines. Sự khác biệt trong cách tiếp cận ấy cho thấy tại sao căng thẳng leo thang trên Biển Đông trong khi vịnh Bengal bắt đầu có dự án hợp tác dầu khí được triển khai.

Đây là một phán quyết điển hình về cách thức các nước có thể đạt được một thỏa thuận thân thiện. Biển Đông là một ví dụ rõ ràng về cách một quốc gia không khoan nhượng muốn ôm lấy mọi thứ.

Hôm 7/7 tòa án Trọng tài Thường trực Liên Hợp Quốc đã phán quyết vùng biển rộng khoảng 19,500 km vuông thuộc về Bangladesh, 76% diện tích khu vực này có tranh chấp với Ấn Độ trước đó. Phán quyết này được đưa ra sau một quyết định hồi năm ngoái làm rõ biên giới trên biển giữa Bangladesh với Myanmar.

Syed Akbaruddin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, điều này đã mở đường cho sự phát triển kinh tế trên một phần vịnh Bengal trong đó có lợi cho cả 2 nước Ấn Độ và Bangladesh. Hoạt động hợp tác giữa 2 nước láng giềng trên vịnh Bengal đã được mở rộng.

Trong khi đó ở Biển Đông, tàu Trung Quốc đã ngang nhiên cắt cáp tàu thăm dò, khảo sát của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Tháng 5 vừa qua, Trung Quốc tiếp tục bất chấp luật pháp quốc tế và phản đối mạnh mẽ của Việt Nam, họ đã hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Paul Reichler, một luật sư từ Washington đại diện cho Bangladesh trong vụ kiện chống lại Ấn Độ trên vịnh Bengal và hiện đang làm việc cho Philippines khởi kiện đường lưỡi bò Trung Quốc bình luận, Trung Quốc là nước đầu tiên từ chối tham gia cơ chế trọng tài theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Điều này cho thấy Bắc Kinh đang tự tách khỏi đời sống chính trị, pháp lý của cộng đồng quốc tế.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, Ấn Độ, Bangladesh và Myanmar đã chứng minh rằng các quốc gia có thể giải quyết thành công tranh chấp thông qua một bên trọng tài thứ 3 vô vư.

Ông Lý Minh Giang, một phó giáo sư và điều phối viên chương trình nghiên cứu Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajatanam tại Singapore bình luận: "Nếu bạn là một sức mạnh lớn và biết rằng bạn sẽ mạnh mẽ hơn, bạn không muốn bị hạn chế bởi luật pháp quốc tế. Bạn chỉ muốn sử dụng chính trị và các phương tiện khác để giải quyết tranh chấp".

Hồng Thủy