Ông Donald Trump: chả việc gì phải nhịn Kim Jong-un

11/08/2017 09:57
Hồng Thủy
(GDVN) - Hơn 60 nghị sĩ đảng Dân chủ gửi chung lá thư cho Ngoại trưởng Rex Tillerson ngày thứ Năm (thứ Sáu giờ Hà Nội), yêu cầu ông "kiềm chế" Tổng thống.

The New York Times, Hoa Kỳ ngày 10/8 đưa tin, Tổng thống Donald Trump đã bác bỏ những kêu gọi ông nên im lặng sau cảnh báo Bình Nhưỡng phải đối mặt với "lửa và cơn thịnh nộ", vì phát ngôn của ông có thể gây nguy hiểm cho nước Mỹ. [1]

Ngược lại, ông Donald Trump cho rằng, có lẽ cảnh báo của mình hôm thứ Tư với Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên như thế vẫn chưa đủ độ cứng rắn. 

Donald Trump: chả việc gì phải nhịn Kim Jong-un

Chủ nhân Nhà Trắng nói:

"Thẳng thắn mà nói, người ta đang đặt câu hỏi rằng (tôi) nói như vậy có phải quá cứng rắn hay không? Có lẽ nó chưa đủ cứng rắn.

Họ đã làm điều này với đất nước chúng ta trong thời gian dài, trong nhiều năm, và đã đến lúc một số người cho thấy sự tự tin trước nhân dân quốc gia mình, và nhân dân các nước khác.

Vì vậy, nếu có điều gì đó ở đây, thì đó là tuyên bố đó không đủ cứng rắn", ông Donald Trump nói chuyện với báo giới cùng với Phó Tổng thống Mike Pence.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un, ảnh: Daily Express.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un, ảnh: Daily Express.

Hôm thứ Năm, ông Donald Trump đã họp với Trung tướng HR McMaster, Cố vấn An ninh quốc gia và các trợ lý khác. 

Những cố vấn của Tổng thống Mỹ đã cố gắng "giải thích lại" lời bình luận ban đầu của ông hôm thứ Tư về cách đối phó với Bắc Triều Tiên trước truyền thông.

Tuy nhiên Tổng thống Donald Trump khẳng định rằng, ông chẳng việc gì phải "rút lui".

"Chúng tôi được quân đội ủng hộ 100%. Chúng tôi được mọi người hậu thuẫn. Và chúng tôi được nhiều nhà lãnh đạo khác ủng hộ", ông Donald Trump nói. 

Khi được phóng viên hỏi, còn có gì cứng rắn và khó khăn hơn cả "lửa và thịnh nộ", Tổng thống Mỹ nói: "Ồ, các bạn sẽ thấy, các bạn sẽ thấy."

Ông từ chối giải thích rõ về việc liệu mình có đang xem xét một cuộc tấn công quân sự vào Triều Tiên hay không:

"Chúng tôi không nói về điều đó. Tôi không bao giờ nói.

Nhưng tôi có thể nói với bạn những gì họ đang làm và những gì họ đang né tránh với một thảm kịch. Và điều đó không được phép."

Về kêu gọi đàm phán với Bình Nhưỡng, Tổng thống Mỹ cho hay:

"Chắc chắn chúng tôi sẽ luôn cân nhắc việc đàm phán. Nhưng họ (những Tổng thống Mỹ tiền nhiệm) đã làm việc này trong 25 năm qua.

Hãy xem ông Clinton. Ông đã phải khép lại các cuộc đàm phán. Ông ấy tỏ ra yếu đuối và không hiệu quả.

Các bạn hãy nhìn những gì đã xảy ra với Bush, những gì đã xảy ra với Obama. Thậm chí ông Obama còn không muốn nói về nó. 

Nhưng tôi thì vẫn nói. Đến lúc rồi đó, một số người phải làm điều đó. Một số người phải làm điều đó."

Đề nghị Ngoại trưởng Rex Tillerson "kiềm chế" Tổng thống

The New York Times cho biết, hơn 60 nghị sĩ đảng Dân chủ gửi chung lá thư cho Ngoại trưởng Rex Tillerson ngày thứ Năm (thứ Sáu giờ Hà Nội), yêu cầu ông "kiềm chế" Tổng thống. Bức thư chung viết:

Ông Donald Trump: chả việc gì phải nhịn Kim Jong-un ảnh 2

Triều Tiên sẽ bắn 4 quả tên lửa gần Guam để "dạy Donald Trump một bài học"?

"Các tuyên bố này là vô trách nhiệm, nguy hiểm và vô ích, vì nó chỉ tạo cớ cho Triều Tiên tuyên truyền với dân chúng của họ.

Từ lâu Triều Tiên đã cố gắng miêu tả Hoa Kỳ là mối đe dọa cho dân chúng nước này".

Cựu Tổng thống Jimmy Carter, người đã 3 lần đến Triều Tiên với tư cách công dân Mỹ, đã thêm tiếng nói góp ý với vị Tổng thống đương nhiệm:

"Ngoài việc kiềm chế những lời nói về chiến tranh, nhà lãnh đạo của chúng tôi cần khuyến khích các cuộc đàm phán giữa Bắc Triều Tiên với các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc và Nga.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gần đây đã nhất trí bỏ phiếu thông qua các biện pháp trừng phạt mới. Điều đó cho thấy rằng các nước này sẵn sàng giúp đỡ.

Trong mọi trường hợp, cần phải tránh chiến tranh hạt nhân." [1]

Về vai trò của Trung Quốc cũng như các khuyến cáo ông làm việc với Bắc Kinh, Tổng thống Donald Trump nói với báo giới:

"Tôi nghĩ Trung Quốc có thể làm nhiều hơn, vâng. Và tôi nghĩ Trung Quốc sẽ làm nhiều hơn nữa.

Hãy xem, chúng ta có đòn bẩy thương mại với Trung Quốc.

Chúng ta mất hàng trăm tỉ đô la mỗi năm trong thương mại với Trung Quốc. Họ thừa biết tôi cảm thấy thế nào. Điều đó sẽ không được tiếp tục tái diễn.

Nhưng nếu Trung Quốc giúp đỡ chúng ta, tôi sẽ cảm thấy rất khác trong vấn đề thương mại, rất khác." [1]

Triều Tiên: phát triển vũ khí hạt nhân hay là chết

The New York Times hôm nay đưa tin, ngày thứ Năm 10/8 tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên dành tất cả 6 trang để đăng những bài viết chống Mỹ, với khẩu hiệu:

"Quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, làm (phát triển vũ khí hạt nhân) hay là chết!"

Trước đó ngày thứ Tư 9/8 chính quyền Bắc Triều Tiên cũng huy động hơn 100 ngàn người tập trung ở Bình Nhưỡng, cam kết ủng hộ quyết tâm của ông Kim Jong-un. 

Ông Donald Trump: chả việc gì phải nhịn Kim Jong-un ảnh 3

Kim Jong-un đã lật bài ngửa, lựa chọn nào cho Donald Trump?

Nhà lãnh đạo Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên đã xem vũ khí hạt nhân và tên lửa là biểu tượng của "tự hào dân tộc" cũng như sự sống còn của quốc gia này.

Ông nói lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc "là một âm mưu của Mỹ nhằm khuất phục và hủy diệt Triều Tiên".

Do đó giới quan sát tin rằng, việc công bố chi tiết một kế hoạch phóng 4 quả tên lửa Hwasong-12 vào "trung tuần tháng 8" tới vùng biển cách đảo Guam 30 đến 40 km đã đẩy cả Kim Jong-un và Donald Trump vào một trò chơi kịch tính.

Với ông Kim Jong-un, nếu vụ này thất bại trong khi đã công khai tuyên bố chi tiết kế hoạch tấn công tên lửa, "đó sẽ là một sai lầm ngớ ngẩn, tốn kém và có thể làm lung lay quyền lực trong nước".

Đối với ông Donald Trump, chỉ cần 1 trong 4 quả tên lửa Triều Tiên chọc thủng hệ thống phòng thủ Hoa Kỳ, dù đã được báo trước, sẽ đẩy ông vào thế cực kỳ khó khăn về lựa chọn quân sự.

Triều Tiên đã thực hiện tất cả 80 vụ phóng tên lửa dưới thời ông Kim Jong-un, nhưng chưa bao giờ phóng tên lửa tới một mục tiêu xa như Guam, cũng chưa bao giờ công bố trước kế hoạch với các dữ liệu chi tiết như lần này. [2]

Kế hoạch chiến tranh của Lầu Năm Góc

Ngày thứ Năm 10/8 (11/8 giờ Hà Nội) NBC News đưa tin, Lầu Năm Góc đã chuẩn bị một kế hoạch cụ thể cho một cuộc tấn công phủ đầu vào các trận địa tên lửa của Triều Tiên nếu ông Donald Trump hạ lệnh.

Hai quan chức cấp cao quân đội Hoa Kỳ đương nhiệm và 2 sĩ quan cao cấp đã nghỉ hưu đã nói với NBC News:

Chìa khóa để thực hiện kế hoạch này là lực lượng máy bay ném bom chiến lược B-1B từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam.

Những tháng gần đây, B-1B đã được điều động tới bán đảo Triều Tiên tập trận cùng Hàn Quốc, cũng như đồng minh Nhật Bản. 

Kể từ cuối tháng Năm năm nay, 2 chiếc B-1B đã tiến hành 11 chuyến bay đến Đông Bắc Á, lần gần đây nhất diễn ra hôm thứ Hai 6/8.

Hiện tại có 6 chiếc B-1B đang được bố trí tại Guam.

Tướng Terrence J. O'Shaughnessy, Tư lệnh Lực lượng không quân Thái Bình Dương, Hoa Kỳ, ảnh: Zimbio.
Tướng Terrence J. O'Shaughnessy, Tư lệnh Lực lượng không quân Thái Bình Dương, Hoa Kỳ, ảnh: Zimbio.

Tướng Terrence J. O'Shaughnessy, Tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương cho biết:

"Ngoại giao vẫn là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên chúng tôi có trách nhiệm cam kết vững chắc với đồng minh và Tổ quốc trong việc lập kế hoạch cho kịch bản xấu nhất.

Nếu có lệnh, chúng tôi sẵn sàng đáp ứng lập tức, nhanh chóng, áp đảo và hủy diệt đối phương trong thời gian và địa điểm đã được lựa chọn." [3]

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng đưa ra tuyên bố tương tự:

"Chức năng và nhiệm vụ của tôi, trách nhiệm của tôi là luôn luôn có lựa chọn quân sự nếu (Tổng thống) cần đến nó.

Tuy nhiên, ngay bây giờ Ngoại trưởng Rex Tillerson, Đại sứ Haley đang nỗ lực thực hiện các giải pháp ngoại giao.

Bi kịch của chiến tranh ai cũng biết, không có gì khác ngoài thảm họa".

Ông James Mattis nói điều này với các phóng viên hôm thứ Năm 10/8, tức thứ Sáu 11/8 giờ Hà Nội. [4]

The New York Times hôm nay cũng có bài phân tích về căn cứ pháp lý để tiến hành một cuộc chiến tranh với Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên.

Những người ủng hộ ông Donald Trump cho rằng, một cuộc tấn công phủ đầu như vậy là hợp lý về mặt pháp lý vì đó là hành động tự vệ của nước Mỹ chống lại kẻ thù.

Nhưng những người phản đối thì cho rằng, chưa có biểu hiện nào rõ ràng để khẳng định nước Mỹ phải tiến hành một cuộc chiến tự vệ.

Điều 2 Hiến chương Liên Hợp Quốc cấm các quốc gia sử dụng, đe dọa sử dụng vũ lực chống lại quốc gia khác.

Trong khi Điều 51 Hiến chương Liên Hợp Quốc không cấm một quốc gia hoặc tập thể thực hiện quyền tự vệ vốn có, nếu bị tấn công vũ trang. [5]

Đừng trông chờ vào Trung Quốc

Nhiều quan điểm vẫn kêu gọi Tổng thống Mỹ nên tiếp tục đàm phán với Trung Quốc về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, như cựu Cố vấn An ninh quốc gia Susan E. Rice hay cựu Tổng thống Jimmy Carter.

Ông Donald Trump: chả việc gì phải nhịn Kim Jong-un ảnh 5

Trung Quốc đang ép hay đang nịnh Triều Tiên?

Ông Donald Trump vẫn không bỏ qua khả năng này trong phát biểu mới nhất trước báo giới. Tuy nhiên dường như ông chủ Nhà Trắng không hy vọng, trông đợi gì ở Bắc Kinh.

Cho đến nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn im lặng về cuộc khủng hoảng mới nhất trên bán đảo Triều Tiên sau màn khẩu chiến giữa Donald Trump với Kim Jong-un.

Xã luận Thời báo Hoàn Cầu bản tiếng Anh hôm nay nói rằng:

Bắc Kinh không thể thuyết phục cả Washington lẫn Bình Nhưỡng nhượng bộ nhau vào thời điểm này. Nhưng cần nói rõ rằng, nếu lợi ích của Trung Quốc bị đe dọa, Bắc Kinh sẽ phản ứng với bàn tay sắt.

Tờ báo khuyến cáo Trung Nam Hải, nếu Triều Tiên bắn tên lửa vào lãnh thổ Hoa Kỳ trước, rồi sau đó Mỹ trả đũa, thì Bắc Kinh nên trung lập.

Còn nếu Mỹ - Hàn cố gắng lật đổ chế độ Bắc Triều Tiên và thay đổi mô hình chính trị trên bán đảo, Bắc Kinh phải ngăn cản. [6]

Tờ Politico ngày 10/8 đưa tin:

Mặc dù tuần này Trung Quốc và Nga đồng ý bỏ phiếu thông qua dự thảo Nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc do Mỹ soạn về việc trừng phạt Triều Tiên, nhưng việc buôn bán hợp pháp và bất hợp pháp vẫn được thực hiện mỗi ngày qua 2 bờ sông Áp Lục.

Trong quý II 2017, Trung Quốc đã xuất khẩu sang Triều Tiên số hàng hóa tổng trị giá 934 triệu USD so với 721 triệu USD trong quý I 2017, và tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nghị quyết mới không bao gồm mặt hàng may mặc, trong khi năm 2016 Triều Tiên xuất sang Trung Quốc các mặt hàng dệt may tổng giá trị 640 triệu USD, chỉ đứng sau than đá...[7]

Greg Wright, Trợ lý giáo sư kinh tế Đại học California ngày 11/8 cũng có bài phân tích trên tờ The Herald cho rằng:

Có bằng chứng cho thấy, trên thực tế các lô hàng than đá Triều Tiên xuất khẩu qua Trung Quốc chưa bao giờ chấm dứt. 

Thậm chí Trung Quốc có thể phải tăng đột biến lượng quặng sắt nhập khẩu từ Triều Tiên để bù đắp cho Bình Nhưỡng các khoản hao hụt nguồn thu từ xuất khẩu than đá.

Bằng cách sử dụng đòn bẩy thương mại, Trung Quốc sẽ cân bằng giữa việc làm sao không để Triều Tiên phát triển thịnh vượng, nhưng cũng không để quốc gia láng giềng sụp đổ vì kinh tế khó khăn. [8]

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.nytimes.com/2017/08/10/world/asia/north-korea-trump.html

[2]https://www.nytimes.com/2017/08/10/world/asia/north-korea-guam-missiles-kim-trump.html

[3]http://www.nbcnews.com/news/north-korea/b-1-bombers-key-u-s-plan-strike-north-korean-n791221

[4]http://abcnews.go.com/Politics/mattis-war-north-korea-catastrophic/story?id=49146747

[5]https://www.nytimes.com/2017/08/10/world/asia/us-north-korea-preemptive-attack-questions-answers.html

[6]http://www.globaltimes.cn/content/1060791.shtml

[7]http://www.politico.com/story/2017/08/10/why-china-will-not-isolate-north-korea-241504

[8]http://www.herald.co.zw/china-key-in-avoiding-nuclear-fire-fury-in-n-korea/

Hồng Thủy