Phạm Trường Long đổ bộ phi pháp Trường Sa dọn đường cho Tập Cận Bình?

21/04/2016 10:15
Hồng Thủy
(GDVN) - 3 lần tuyên bố cái gọi là "chủ quyền từ thời cổ đại" của Trung Quốc ở Biển Đông, thì nguy cơ họ Tập đổ bộ bất hợp pháp xuống Hoàng Sa hay Trường Sa...

Đa Chiều ngày 20/4 bình luận, việc ông Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc đổ bộ (bất hợp pháp) xuống đá Chữ Thập, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) đúng thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Philippines và thị sát hàng không mẫu hạm USS John C Stennis ở Biển Đông dưới con mắt của giới quan sát rất có thể là động thái dọn đường cho "lãnh đạo tối cao Trung Quốc" đổ bộ ra Trường Sa.

Theo Đa Chiều, nếu ông Tập Cận Bình đổ bộ (bất hợp pháp) đến Trường Sa sẽ là thủ đoạn tuyên truyền yêu sách chủ quyền (bành trướng, phi pháp) một cách hiệu quả ở BIển Đông. Tuy nhiên nếu giới lãnh đạo Trung Quốc thường xuyên thị sát Biển Đông, những nghi ngờ và lo ngại về chính sách đối ngoại của Trung Quốc cũng sẽ theo đó gia tăng.

Phạm Trường Long, ảnh: AP.
Phạm Trường Long, ảnh: AP.

Tờ báo của người Hoa hải ngoại tại New York cho rằng, việc Phạm Trường Long đổ bộ xuống Chữ Thập chỉ được Bộ Quốc phòng Trung Quốc công bố một cách bị động, giống như việc Trung Quốc bồi lấp đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa hay bố trí tên lửa, máy bay chiến đấu (bất hợp pháp) ở Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) chỉ được công khai trước dư luận do truyền thông phương Tây công bố.

Bởi vậy mục đích "tuyên bố yêu sách chủ quyền" của Trung Quốc thông qua các động thái này vẫn chưa "đủ độ", có gì đó lén lén lút lút. Khi bị truyền thông phương Tây phát giác (Trung Quốc leo thang quân sự hóa Biển Đông), phản ứng của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thường là: "Đây là sự vụ nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc", tuyệt nhiên không giải thích rõ ý đồ trước dư luận.

Đồng quan điểm diều hâu hiếu chiến, bất chấp công luận và luật pháp quốc tế này, Triệu Tiểu Trác - Phó Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Trung - Mỹ thuộc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc nói với báo giới:

"Phạm Trường Long thị sát là rất bình thường, vì đó là lãnh thổ Trung Quốc. Nó cũng giống như lãnh đạo Quân ủy Trung ương thường xuyên thị sát Tây Tạng, Tân Cương".

Lập luận của Triệu Tiểu Trác và truyền thông Trung Quốc quả thực không còn coi luật pháp và dư luận quốc tế là gì. Với tư duy chân lý thuộc về kẻ mạnh, chân lý từ nòng súng, Trung Quốc đã và đang leo thang quân sự hóa Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định của khu vực cũng như luật pháp quốc tế.

Những hành động của Trung Quốc khi lén lút, lúc công khai lộ liễu đều nằm trong một kế hoạch tổng thể điều phối nhịp nhàng từ lãnh đạo cao nhất hòng biến Biển Đông thành ao nhà, biến khu vực Đông Nam Á thành "chư hầu kiểu mới" lệ thuộc vào Trung Quốc.

Bắc Kinh rất ranh mãnh trong việc kiểm soát tần suất, liều lượng, mức độ thông tin về hoạt động quân sự hóa Biển Đông để tránh những phản ứng bất lợi trong khi vẫn leo thang mà không bị ngăn cản.

Tuy nhiên người viết cho rằng, với việc năm ngoái ông Tập Cận Bình đã 3 lần tuyên bố cái gọi là "chủ quyền từ thời cổ đại" của Trung Quốc ở Biển Đông, thì nguy cơ họ Tập đổ bộ bất hợp pháp xuống Hoàng Sa hay Trường Sa như Đa Chiều kích động không phải điều không thể.

Từ những phản ứng của Trung Quốc với vụ kiện của Philippines cho thấy, Bắc Kinh cũng vẫn rất sợ Công pháp Quốc tế, vẫn ngán áp lực từ dư luận và đang sử dụng mọi đòn bẩy về kinh tế - chính trị - quân sự - ngoại giao - văn hóa - truyền thông để chia rẽ dư luận quốc tế, tìm kiếm vây cánh chống lại phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về đường lưỡi bò và các hành vi vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 ở Biển Đông.

Do đó, bảo vệ, đề cao phán quyết của PCA cũng chính là bảo vệ UNCLOS, bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực, trật tự và luật pháp quốc tế, tự do hàng không hàng hải ở Biển Đông .Còn rất nhiều việc phải làm, cần tỉnh táo và nỗ lực rất lớn mới có thể đối phó với âm mưu và thủ đoạn bành trướng ấy từ Bắc Kinh.

Hồng Thủy