Pháp tạm ngừng bán tàu chiến đầu tiên cho Nga vì khủng hoảng Ukraine

04/09/2014 07:46
Hồng Thủy
(GDVN) - Mối quan tâm của Pháp hiện nay là quốc gia này không chỉ thiệt hại về kinh tế khi không xuất được 2 tàu chiến này, mà còn là tổn hại về uy tín.
Tổng thống Pháp Francois Hollande trong thế tiến thoái lưỡng nan khi phải tạm ngừng bán tàu chiến cho Nga dưới áp lực của đồng minh.
Tổng thống Pháp Francois Hollande trong thế tiến thoái lưỡng nan khi phải tạm ngừng bán tàu chiến cho Nga dưới áp lực của đồng minh.

Global Post ngày 4/9 dẫn nguồn tin AFP cho biết, hôm Thứ Tư Pháp đã tuyên bố hiện nay không đủ điều kiện để nước này cung cấp 2 tàu chiến lớp Mistral cho Nga như hợp đồng do những tranh cãi xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine và vai trò của Nga.

Năm 2011 Paris đã đồng ý chế tạo và bán cho Nga 2 tàu tấn công máy bay trực thăng tiên tiến với tổng giá trị hợp đồng khoảng 1,2 tỉ euro với lộ trình chiếc đầu tiên sẽ được bàn giao vào tháng 10 hoặc tháng 11 năm nay. Chiếc thứ 2 sẽ được bàn giao trong năm 2015.

Cho tới gần đây các nhà lãnh đạo Pháp đã không chịu nhân nhượng từ bỏ bán tàu chiến cho Nga bởi nền kinh tế tăng trưởng trì trệ và tỉ lệ thất nghiệp cao kỷ lục, bất chấp sự lên án rộng rãi về các hành động của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukaine.

Thông báo của Paris được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra hy vọng chấm dứt cuộc chiến kéo dài 4 tháng tại Ukraine, ông kêu gọi cả phe ly khai và quân chính phủ Kiev ngừng bắn và đồng ý với các thỏa thuận ngừng bắn mở rộng.

Tình hình ở Ukraine là nghiêm trọng, các hành động của Nga ở Đông Ukraine đi ngược lại nền tảng an ninh của châu Âu, tuyên bố của Hội đồng Quốc phòng Pháp cho biết.

Tổng thống Pháp Hollande đã thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên tờ Le Monde rằng, nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng và không thể tìm thấy một lối thoát, Paris sẽ phải suy nghĩ lại về việc bán tàu chiến cho Nga. Cuộc phỏng vấn được thực hiện trước khi có những cáo buộc rộng rãi rằng Nga đưa quân vào Ukraine.

Việc chần chừ hùy bỏ hoặc ngừng bán tàu chiến Pháp cho Nga đã tạo ra sự "phẫn nộ". Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ "quan ngại" về hợp đồng này và nói rằng sẽ tốt hơn nếu Paris "nhấn nút tạm dừng" thỏa thuận này.

Thủ tướng Anh David Cameron trong khi đó cho biết, sẽ là "không thể tưởng tượng nổi" nếu Pháp cố gắng hoàn thành hợp đồng này với Nga. Kể từ đầu mùa hè đã có khoảng 400 thủy thủ Nga sang Pháp đào tạo về hoạt động của tàu chiến đầu tiên có tên là Vladivostok.

Mối quan tâm của Pháp hiện nay là quốc gia này không chỉ thiệt hại về kinh tế khi không xuất được 2 tàu chiến này, mà còn là tổn hại về uy tín của một nước xuất khẩu vũ khí. Tuy nhiên cũng đã từng có tiền lệ về việc hủy hợp đồng cung cấp vũ khí do các sự kiện quốc tế.

Năm 1967 Tổng thống Pháp khi đó Charles De Gaulle đã hủy bỏ một hợp đồng giao tàu chiến cho Israel trong bối cảnh một lệnh cấm vận vũ khí bị áp đặt đối với quốc gia này sau cuộc chiến tranh 6 ngày.

Hồng Thủy