Philippines: Lẳng lặng mà bắt kẻ nào "xâm nhập trái phép" Biển Đông

16/01/2013 07:41
Hồng Thủy (Nguồn: Inquirer)
(GDVN) - Antonio cho rằng hãy để Hải quân Philippines bắt giữ những "kẻ xâm nhập" vùng biển chủ quyền của nước này tại biển Tây Philippines (Biển Đông) mà không thông báo
Tờ Inquirer ngày 16/1 dẫn lời Thượng nghị sĩ Philippines ông Antonio Trillanes IV, người đại diện cho Phủ Tổng thống Philippines giao thiệp với phía Trung Quốc hồi năm ngoái cho biết Bộ Ngoại giao nên để Bộ Quốc phòng làm công việc của mình.

Ông Antonio cho rằng hãy để Hải quân Philippines bắt giữ những "kẻ xâm nhập" vùng biển chủ quyền của nước này tại biển Tây Philippines (Biển Đông) mà không thông báo trên các phương tiện truyền thông để tránh gieo hoang mang trong dư luận.

Thượng nghị sĩ Antonio
Thượng nghị sĩ Antonio

"Tôi được phân công phụ trách vấn đề này trong một thời gian dài và chúng tôi đã làm những gì có thể để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Philippines mà không gây ồn ào trên các phương tiện truyền thông", Thượng nghị sĩ Antonio, một cựu sĩ quan Hải quân Philippines nói.

Antonio cho biết thêm, ông hy vọng đó sẽ là cách tiếp cận của Bộ Ngoại giao Philippines để cho Bộ Quốc phòng làm phận sự của mình trên biển mà không gây ra bất kỳ vụ tai tiếng không cần thiết nào.

"Hải quân Philippines nên lập tức truy tìm những tàu nào đã xâm nhập lãnh hải của Philippines và chúng ta không cần thông báo về việc đó, bởi nó sẽ gây ra hoang mang không cần thiết", ông Antonio nói, Philippines khẳng định quyền chủ quyền của mình mà không cần tuyên bố chiến tranh hay kích động ai.

Vị Thượng nghị sĩ này cho rằng nếu như Trung Quốc in "đường lưỡi bò" lên hộ chiếu hay công bố bản đồ đường 9 đoạn "gặm" gần hết diện tích Biển Đông, tại sao Philippines lại không thể làm được điều đó?

Ông nói rằng, điểm mấu chốt để giải quyết tranh chấp bằng con đường ngoại giao là không khuấy động căng thẳng đến ngưỡng không thể dừng lại được nữa. Căng thẳng giữa Trung Quốc với Philippines hồi năm ngoái xung quanh bãi cạn Scarborough thiếu chút nữa là có thể bùng nổ thành xung đột.

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Antonio khẳng định một cách dứt khoát, các bên tranh chấp sẽ không bên nào chịu từ bỏ tuyên bố chủ quyền của mình, vì vậy tranh chấp chủ quyền trên Biển Tây Philippines (Biển Đông) nên được giải quyết bởi một bên thứ 3, tức trọng tài quốc tế.
Hồng Thủy (Nguồn: Inquirer)