“Phương lược mới trên Biển Đông”: vẫn tư duy cũ

18/06/2017 07:28
TS Trần Công Trục
(GDVN) - Những đề xuất của Tiến sĩ Tiết Lực về bản chất không khác gì so với lập trường của Trung Quốc đã công bố từ trước đến nay.

Trong tuần qua, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã cung cấp và bình luận quan điểm của 2 nhà khoa học Trung Quốc về Biển Đông, trong đó có bài:

"Trung Quốc nên nắm chắc thời cơ, thúc đẩy triển khai phương lược mới trên Biển Đông" của Tiến sĩ Tiết Lực, từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, đăng trên tờ Financial Times của Anh, bản chữ Hán ngày 13/6/2017.

Nhà báo Hồng Thủy đã trích đăng những nội dung chính, cùng với một số nhận xét đánh giá về các vấn đề Tiến sĩ Tiết Lực - một nhà khoa học Trung Quốc có tiếng, đã thể hiện trong bài báo này.

Tôi đã đọc rất kỹ những nội dung này và rất hoan nghênh nhà báo Hồng Thủy đã kịp thời cung cấp thông tin, cùng với những phân tích, đánh giá khá chuẩn xác quan điểm của các học giả Trung Quốc có liên quan đến chủ trương và cách ứng xử của Trung Quốc, Mỹ, Việt Nam đối với tình hình tranh chấp Biển Đông hiện nay.

Để góp phần làm sáng tỏ hơn những nội dung mà các học giả Trung Quốc vừa công khai công bố trên các phương tiên thông tin quốc tế, tôi xin bổ sung thêm một số nhận xét, đánh giá mà nhà báo Hồng Thủy đã nêu trong bài viết công phu của mình:

“Học giả Trung Quốc đề xuất phương án mới giải quyết tranh chấp Biển Đông", đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 13/6.

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.

Trước hết, tôi hoàn toàn đồng tình, chia sẻ với Tiến sĩ Tiết Lực về đề xuất của ông với nhà nước Trung Quốc trong việc hiệu chỉnh tư duy tiếp cận giải quyết tranh chấp, cũng như ứng xử trong vấn đề Biển Đông, cụ thể là: 

"Trung Quốc nên hiệu chỉnh tư duy ứng phó với vấn đề Biển Đông, xây dựng phương lược mới, chuyển từ 'bảo vệ lợi ích' và 'duy trì ổn định' sang thiết kế tiến trình giải quyết tranh chấp đa phương, các bên cùng thắng.".

Tuy nhiên, tôi cho rằng phải chăng khi đề xuất giải quyết tranh chấp đa phương, các bên cùng thắng, nhưng quan trọng nhất là "Bắc Kinh đóng vai trò chủ đạo”, Tiến sĩ Tiết Lực đã không xuất phát từ thực trạng tranh chấp đang tồn tại trong Biển Đông hiện nay? 

Hay phải chăng ông đã cố tình phớt lờ một sự thật hiển nhiên rằng, trong Biển Đông hiện đang tồn tại 3 loại tranh chấp khác nhau, đó là: 

Tranh chấp địa- chiến lược, địa-chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc; Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa;

Tranh chấp về ranh giới xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa giữa các quốc gia ven Biển Đông khi giải thích và vận dụng quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Mỗi loại tranh chấp này đều xuất phát từ những nguyên nhân, dựa trên những căn cứ và nguyên tắc pháp lý quốc tế khác nhau.

Và vì vậy, thủ tục và cách giải quyết tranh chấp cũng khác nhau.

Tranh chấp về địa- chính trị giữa các siêu cường, chủ yếu là giữa Mỹ và Trung Quốc, trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương xuất phát từ sự cạnh tranh về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh…

“Phương lược mới trên Biển Đông”: vẫn tư duy cũ ảnh 2

Thế “lưỡng long tranh châu” trên Biển Đông và lựa chọn nào cho Việt Nam?

Hiện nay, cuộc cạnh tranh này đang diễn ra rất khốc liệt tại Biển Đông và biển Hoa Đông, có nguy cơ đẩy nhân loại vào một cuộc chiến tranh hủy diệt.

Tranh chấp về quyền thụ đắc lãnh thổ đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam:

Thực chất đây là tình trạng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ được tạo nên bởi một số nước trong khu vực đã lợi dụng cơ hội và sử dụng vũ lực để chiếm đóng một phần hay toàn bộ quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam ở giữa Biển Đông vào những thời điểm khác nhau:

- Đối với Hoàng Sa: Thời điểm tranh chấp được tính từ sự kiện năm 1909, Lý Chuẩn chỉ huy 3 pháo thuyền ra khu vực quần đảo Hoàng Sa, đổ bộ chớp nhoáng lên đảo Phú Lâm, sau đó đã vội vã rút lui.

- Đồi với Trường Sa: Thời điểm tranh chấp  được tính từ năm 1946, khi Trung Hoa Dân quốc lợi dụng việc ra Trương Sa giải giới quân Nhật theo lệnh của Đồng Minh, đã chiếm đóng trái phép đảo Ba Bình;

Và đầu tháng 3/1988, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã huy động lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa để xâm chiếm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. 

Trong đó, Gạc Ma là bãi đá san hô nằm ở phía nam đảo Sinh Tồn và Sinh Tồn Đông mà Hải quân thuộc lực lượng Quân giải phóng nhân dân miền Nam Việt Nam đã tiếp quản vào hạ tuần tháng 4 năm 1975.

Như vậy, Trung Quốc dùng vũ lực để xác lập chủ quyền là hoàn toàn bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. 

Cụ thể, Điều 2 Khoản 4 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc quy định:

“Nghiêm cấm các quốc gia sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là cấm sử dụng vũ lực để xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác.”.

Rõ ràng, Trung Quốc đã “biến không thành có” từ đầu thế kỷ XX, bằng thủ đoạn lợi dụng những thời điểm lịch sử để tổ chức đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa vào những năm 1956, 1974, 1988, 1995 và chiếm đóng trái phép đến ngày nay.

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng có thể có của các bên nhảy vào tranh chấp và hiện đang đóng quân ở trên một số cấu trúc của 2 quần đảo này, Việt Nam kiên trì chủ trương đàm phán với các bên tranh chấp, hoặc song phương hoặc đa phương tùy thuộc vào thực trạng tranh chấp đang tồn tại trên thực tế. 

Như vậy, để giải quyết loại tranh chấp này không thể không đề cập đến quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và luôn luôn khẳng định “Tây Sa là của Trung Quốc, không phải là một chủ đề đàm phán với Việt Nam”.

Khi đề xuất phương án giải quyết tranh chấp Biển Đông, Tiến sĩ Tiết Lực không hề nhắc đến thực trạng tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa là hoàn toàn theo đúng “chủ trương” của lãnh đạo Trung Quốc.

Như vậy,“tiến trình giải quyết tranh chấp đa phương, các bên cùng thắng mà Bắc Kinh đóng vai trò chủ đạo" mà Tiến sĩ Tiết Lực đề xuất hẳn là chỉ nhằm vào quần đảo Trường Sa mà phía Trung Quốc đã đánh chiếm 7 thực thể địa lý ở đây từ năm 1988.

Hiện nay họ đã tìm mọi cách củng cố sự chiếm đóng bất hợp pháp của mình bằng những hoạt động bồi lấp, quân sự hóa, kết hợp với những thủ thuật hành chính, tuyên truyền, ngoại giao, kinh tế… để giành lấy sự công nhận trên thực tế vị thế mà họ mới thiết lập được tại khu vực này.  

Phương thức giải quyết tranh chấp đa phương ở Trường Sa là giải pháp tất yếu mà dư luận lâu nay vẫn thường đề cập và khuyến cáo đối với các bên liên quan. 

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là khi áp dụng phương thức này, “Bắc Kinh phải đóng vai trò chủ đạo”.

Nếu như vậy, lập trường vô lý “Nam Sa là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ đại” sẽ không bao giờ thay đổi. Đàm phán cũng sẽ rơi vào ngõ cụt, bế tắc.

Đàm phán song phương hay đa phương chỉ là thủ đoạn ngoại giao của Trung Quốc nhằm đánh lừa dư luận để phục vụ cho chiến lược độc chiếm Biển Đông.

Tranh chấp trong việc hoạch định ranh giới biển và thềm lục địa chồng lấn: 

“Phương lược mới trên Biển Đông”: vẫn tư duy cũ ảnh 3

Trung Quốc đã âm thầm nhượng bộ Donald Trump, Biển Đông sẽ lặng sóng?

Đây là loại tranh chấp được hình thành trong xu hướng thay đổi có tính chất cách mạng về địa - chính trị, địa - kinh tế trên phạm vi toàn thế giới.

Khoảng 36% diện tích biển và đại dương thế giới đã được đặt dưới chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển kể từ khi Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 ra đời. 

Kết quả là, trên thế giới còn khoảng 416 tranh chấp về ranh giới biển, thềm lục địa cần được hoạch định, trong đó khu vực Đông Nam châu Á có khoảng 15 tranh chấp. 

Tất nhiên người ta không tính đến tranh chấp được tạo thành bởi đường biên giới “lưỡi bò” của Trung Quốc, vì tính chất phản khoa học và hoàn toàn đi ngược lại các tiêu chuẩn của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. 

Trong loại tranh chấp này, dư luận không coi đường “lưỡi bò” của Trung Quốc là yêu sách được hình thành do vận dụng các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Thực chất đây chính là tham vọng độc chiếm Biển Đông, biến “vùng biển không tranh chấp thành vùng biển tranh chấp”, từng bước hiện thực hóa yêu sách đường “lưỡi bò” bao lấy trên 90% diện tích Biển Đông, vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia xung quanh Biển Đông.

Phán quyết Tòa Trong tài 12/7/2016 đã bác bỏ yêu sách vô lý này của Trung Quốc.

Cụ thể, Toà Trọng tài nhận thấy có thẩm quyền để xem xét tranh chấp giữa các bên liên quan đến quyền lịch sử và nguồn của quyền hưởng các vùng biển tại Biển Đông. 

Về mặt nội dung thực chất, Toà kết luận rằng:

Công ước quy định một cách toàn diện về các quyền đối với các vùng biển và việc bảo vệ các quyền tồn tại trước Công ước liên quan đến tài nguyên đã được xem xét nhưng chúng không được thông qua và quy định tại Công ước. 

Theo đó, Tòa kết luận rằng:

Trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong Công ước. 

Cuối cùng, Toà kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong "đường 9 đoạn”. 

Thực chất Tòa Trọng tài đã bác bỏ yêu sách đường “lưỡi bò” mà Trung Quốc đang cố tình hợp thức hóa bằng nhiều thủ đoạn.

Đề xuất của Tiến sĩ Tiết Lực phải chăng cũng nằm trong những thủ thuật đó?

Vì vậy, nghiên cứu kỹ những thông tin và lập luận của Tiến sĩ Tiết Lực, trên một tinh thần cầu thị và xây dựng, tôn trọng sự thật khách quan, tôi cho rằng những đề xuất của Tiến sĩ Tiết Lực về bản chất không khác gì so với lập trường của Trung Quốc đã công bố từ trước đến nay.

Có chăng cũng chỉ là sự thay đổi ngôn từ, cách thức thể hiện sao cho thích ứng với những diễn biến của tình hình tranh chấp Biển Đông hiện tại. 

Nói như vậy không có nghĩa tôi không chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của Tiến sĩ Tiết Lực hiện nay. 

Vì vậy, dù sao tôi cũng đánh giá cao đề xuất của Tiến sĩ Tiết Lực với nhà nước Trung Quốc về việc hiệu chỉnh tư duy tiếp cận giải quyết tranh chấp, cũng như ứng xử trong vấn đề Biển Đông.  

Bài viết thứ 2 là của nhà nghiên cứu Cát Hồng Lượng, Trung tâm Nghiên cứu An ninh biển Trung Quốc - ASEAN đăng trên Thời báo Hoàn Cầu ngày 16/6 với tiêu đề: "Thế yếu đằng sau (chiến lược) cân bằng nước lớn của Việt Nam".

Nhà nghiên cứu Cát Hồng Lượng tập trung phân tích chính sách đối ngoại cân bằng nước lớn của Việt Nam dường như chỉ để tìm cách lái dư luận đến một kết luận chủ quan và phiến diện:

Nước nhỏ "cân bằng nước lớn" là tự sát, chỉ có "theo" Trung Quốc thì sống!

Thiết nghĩ những lập luận mà nhà báo Hồng Thủy nêu ra để bác lại kết luận chủ quan, phiến diện và mang màu sắc chính trị này cũng đã đủ để giúp quý bạn đọc hiểu rõ mục đích bài viết này của nhà nghiên cứu Trung Quốc Cát Hồng Lượng.

Chúng tôi không phân tích gì thêm.

Tôi tin rằng những nhà khoa học chân chính Trung Quốc sẽ tiếp tục có những công trình nghiên cứu thực chất, có ý nghĩa hơn.

Chỉ có như vậy đề xuất của họ mới được các bên liên quan đón nhận để vận dụng cho quá trình giải quyết tranh chấp bằng biên pháp hòa bình, nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của tất cả các quốc gia trong khu vực Biển Đông, vì hòa bình, an ninh, hợp tác, thịnh vượng trong khu vực và quốc tế.

TS Trần Công Trục