Putin sẽ nỗ lực hoàn thành "hợp đồng xã hội" với người Nga

24/02/2012 14:45
Ngọc Huyền (Theo RIA)
(GDVN) - Sự xuất hiện của Vladimir Putin trong một cuộc mít tinh ủng hộ ông đã đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong chiến thuật tranh cử của vị Thủ tướng này.
Sự xuất hiện của Thủ tướng Vladimir Putin trong một cuộc mít tinh ủng hộ ông của quần chúng mới đây đã đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong chiến thuật tranh cử của ông, người trước đây luôn tránh xa những cuộc biểu tình.

Theo các nhà phân tích, động thái này cho thấy có thể Thủ tướng Nga đang tìm cách tránh sức ép từ những lời chỉ trích gần đây.
Thủ tướng Putin xuất hiện trong cuộc biểu tình ủng hộ ông.
Thủ tướng Putin xuất hiện trong cuộc biểu tình ủng hộ ông.
Trong cuộc biểu tình khổng lồ của 130.000 người ngày 23/2 ở sân vận động Luzhniki tại Moscow, Thủ tướng Putin đã xuất hiện với những lời khích lệ quần chúng. 

Ông đứng trên sân khấu giữa đám đông và phát biểu: “Tại đây có những người dân ở các độ tuổi, các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo tín ngưỡng khác nhau” hay như “chúng ta là những người bảo vệ tổ quốc!”. Quần chúng đã vỗ tay nhiệt liệt khi ông bước xuống bắt tay với người tham gia biểu tình.

Sân vận động chật kín người với hàng loạt tấm biểu ngữ:“Ai, nếu không phải là Putin?”, “hãy bỏ phiếu cho sự ổn định – bỏ phiếu cho Putin”.

Người ta còn đem theo tấm chân dung của thủ tướng khi ông xuất hiện trên bìa tạp chí Times của Mỹ và được bầu chọn là “Nhân vật của năm” hồi năm 2007.

Sergei Markov, một nhà phân tích chính trị và cũng là trợ lý chiến dịch tranh cử của Putin thừa nhận rằng, sự xuất hiện của Thủ tướng Putin tại cuộc biểu tình ủng hộ là một sự thay đổi chiến thuật.
“Chúng tôi thấy sự gia tăng nhanh chóng trong hoạt động chính trị của quần chúng”- Markov nói -“Họ muốn tham gia vào chính trị và muốn được lắng nghe”.

Theo Markov, Putin đã nỗ lực để giải quyết nhu cầu này bằng cách công nhận tầm quan trọng của quần chúng trong nền chính trị.

Đó là một sự thay đổi chính sách hợp lý. Nền chính trị mới ở Nga và trách nhiệm của Putin trên thực tế có thể thúc đẩy nhà lãnh đạo này đẩy nhanh cải cách chính trị, điều mà những nhà phê bình đang yêu cầu.

 “Nếu Putin không bắt đầu sự cải cách nhanh chóng, lực lượng quần chúng sẽ trở thành nhân tố chính trực tiếp đối đầu với ông”- Makov cho biết.

Các chuyên gia cho rằng, cách quản lý của Putin trong lịch sử chính trị nước Nga giống như là một “hợp đồng xã hội” với công chúng.

Theo đó, họ có được nhiều lợi ích chính trị và cả sự giàu có cùng với tiêu chuẩn sống cao hơn. Đổi lại, Putin đã được lòng người dân xứ sở bạch dương trong hơn chục năm qua.

Tuy nhiên, một sự việc xảy xa vào tháng 12 năm ngoái đã gây nên sự không đồng thuận trong công chúng. Hàng ngàn người thuộc tầng lớp trung lưu đã xuống đường phản đối vì cho rằng đã có sự gian lận trong cuộc bầu cử Duma.

Kết quả của nó là Đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền của Thủ tướng Vladimir Putin đã giành chiến thắng khá lớn với hơn một nửa số ghế trong Hạ viện Nga.
Làn sóng phản đối “vì một cuộc bầu cử công bằng” yêu cầu phải nhanh chóng cải cách tổng thể. Các chuyên gia cho rằng, nếu không thay đổi vị trí của Putin hoặc giữ nguyên trạng thái chính trị hiện tại thì làn sóng này sẽ lan mạnh.
Tất cả những nỗ lực của Thủ tướng Putin đều nhằm vào cuộc đua giành chức tổng thống Nga sẽ diễn ra vào ngày 4/3 tới, trong đó Putin và một số ít người khác là những ứng viên. 

Năm 2008, ông đã rời điện Kremlin sau hai nhiệm kỳ liên tiếp theo quy định của Hiến pháp nước Nga. Song tháng 9 năm ngoái, ông đã tuyên bố sẽ hoán đổi vị trí với Đương kim Tổng thống Medvedev.

Theo một cuộc thăm dò dư luận gần đây, Putin sẽ được bầu trở lại vị trí Tổng thống mà không cần phải bỏ phiếu lại.
Trước đó, ngày 6/2 ông đã có lời hứa hẹn người dân sẽ có tiếng nói lớn hơn về mặt chính trị nếu ông chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.

Trong bài báo vận động tranh cử đăng trên tờ Kommersant, ông Putin tuyên bố chính phủ phải điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu của xã hội, cho phép sự tham gia sâu rộng hơn của công chúng vào các vấn đề quốc gia.

Nhưng Nikolai Petrov, một chuyên gia của Trung tâm Carnegie Moscow, cho rằng việc cải cách chính trị sâu và rộng nổi lên từ những thay đổi hiện nay trong bối cảnh chính trị Nga được dự đoán sẽ không nhiều.

Theo Petrov, rất ít các nhà lãnh đạo theo đuổi sự cải cách vào cuối thời kì đương quyền. Vì thế không nên hy vọng có bất kỳ ngoại lệ nào với người đã có 12 năm lãnh đạo đất nước như Putin.

Petrov cũng cho rằng, bất chấp tất cả các cam kết cải cách được đưa ra gần đây, sự tham gia của Putin vào cuộc biểu tình hôm thứ năm chưa chắc đã phải là dấu hiệu của thay đổi.

“Các nhà lãnh đạo, có lẽ cảm thấy những phương pháp cũ để đạt mục đích chính trị đang ngày càng trở nên không hiệu quả” - Petrov nói – “Nhưng họ không thể giải quyết bằng cách sử dụng những lợi thế hành chính rộng lớn mà họ có hơn các đối thủ khác để theo đuổi lợi ích riêng của mình”.
Ngọc Huyền (Theo RIA)