Quan hệ Trung Quốc - Philippines rơi tự do và dấu hiệu lạ ở Biển Đông

18/09/2013 14:01
Hồng Thủy
(GDVN) - Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia nói rằng: "Chỉ vì bạn có kẻ thù, điều đó không có nghĩa kẻ thù của bạn cũng là kẻ thù của tôi" và cho rằng các cuộc tuần tra bất hợp pháp của Trung Quốc trong vùng lãnh thổ tranh chấp không phải "mối đe dọa đáng chú ý". Đây là một động thái bất ngờ bởi các tàu hải quân Trung Quốc đã áp sát bờ biển Malaysia chỉ cách 80 km khi đổ bộ bất hợp pháp lên bãi ngầm Jame phía Nam quần đảo Trường Sa.
Học giả Michael Mazza thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ.
Học giả Michael Mazza thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ.
Trong khi cộng đồng quốc tế đang đổ dồn sự chú ý vào Syria thì hòa bình ở châu Á trong suốt 3 thập kỷ vẫn từ từ trượt dốc. Với những diễn biến gần đây trên Biển Đông có vẻ như là dấu hiệu cho thấy một tương lai kém ổn định hơn trong khu vực, Michael Mazza, một nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại - quốc phòng thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận xét. Mối quan hệ Trung Quốc - Philippines đang trong tình trạng rơi tự do. Cuối tháng 8 Bắc Kinh đã yêu cầu Tổng thống Philippines Aquino hủy bỏ một chuyến đi dự hội chợ Trung Quốc - ASEAN thường niên tại Nam Ninh, Quảng Tây mặc dù Philippines là "khách mời danh dự" năm 2013. Đầu tháng này, Bộ Quốc phòng Philippines công bố bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị bỏ móng công sự ngoài bãi cạn Scarborough. Nếu bằng chứng của Bộ Quốc phòng Philippines là đúng nó sẽ đánh dấu một hành động của Bắc Kinh vi phạm trắng trợn Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với ASEAN năm 2002, Manila sau đó đã triệu hồi Đại sứ tại Trung Quốc về nước để tham vấn tình hình.
75 khối bê tông Trung Quốc đổ móng công sự ngoài Scarborough bị phát hiện hôm 2/9, theo Bộ Quốc phòng Philippines.
75 khối bê tông Trung Quốc đổ móng công sự ngoài Scarborough bị phát hiện hôm 2/9, theo Bộ Quốc phòng Philippines.
Trung Quốc không phải bên duy nhất đang cố tình xây dựng bất hợp pháp trên vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông. Đài Loan gần đây cũng cho thấy những hoạt động tương tự. Quan hệ giữa Đài Loan với Philippines cũng trở nên căng thẳng trong năm nay sau vụ Philippines bắn chết ngư dân Đài Loan xâm nhập vùng biển Philippines đánh bắt trái phép. Trong khi đó Đài Bắc đã công bố kế hoạch xây dựng bất hợp pháp một cầu cảng mới trên đảo Ba Bình, Trường Sa (mà Đài Loan chiếm đóng bất hợp pháp của Việt Nam) để cung cấp nơi neo đậu cho các tàu khu trục hải quân. Đồng thời Đài Loan còn đang lên kế hoạch tài chính nâng cấp một đường băng xây dựng bất hợp pháp trên đảo Ba Bình cũng như việc tìm cách đẩy mạnh hoạt động các dự án (thăm dò, khai thác trái phép) năng lượng ở Trường Sa. Một dấu hiệu bất thường đáng chú ý hơn nữa ở Biển Đông, gần đây nhất vào cuối tháng 8 Malaysia đã cho thấy một sự chia rẽ mới ở Biển Đông khi đưa ra cách tiếp cận của riêng họ đối với Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia nói rằng: "Chỉ vì bạn có kẻ thù, điều đó không có nghĩa kẻ thù của bạn cũng là kẻ thù của tôi" và cho rằng các cuộc tuần tra bất hợp pháp của Trung Quốc trong vùng lãnh thổ tranh chấp không phải "mối đe dọa đáng chú ý". Đây là một động thái bất ngờ bởi các tàu hải quân Trung Quốc đã áp sát bờ biển Malaysia chỉ cách 80 km khi đổ bộ bất hợp pháp lên bãi ngầm Jame phía Nam quần đảo Trường Sa chỉ mới vài tháng trước. Theo Michael Mazza điều này cho thấy ASEAN khó có thể hình thành một mặt trận thống nhất về các vấn đề hàng hải nên Trung Quốc thừa cơ tiếp tục trì hoãn tiến trình đàm phán ký kết bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC), một thỏa thuận sẽ ngăn chặn Bắc Kinh cố tình thay đổi hiện trạng trong vùng biển tranh chấp theo hướng có lợi cho mình.
Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc đổ bộ, tổ chức chào cờ bất hợp pháp tại bãi ngầm James phía Nam quần đảo Trường Sa, chỉ cách bờ biển Malaysia 80 km.
Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc đổ bộ, tổ chức chào cờ bất hợp pháp tại bãi ngầm James phía Nam quần đảo Trường Sa, chỉ cách bờ biển Malaysia 80 km.
Hơn nữa, trong lúc Mỹ còn đang cố gắng để tái khẳng định sự hiện diện của mình trong khu vực Biển Đông thông qua đàm phán với Manila để thiết lập sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Philippines, Bắc Kinh đã nhìn thấy thời cơ tranh thủ lấn tới trong tham vọng bành trướng lãnh thổ trên Biển Đông hiện nay. Người Trung Quốc có thể đang nghĩ rằng họ sẽ lợi dụng lúc tranh tối tranh sáng khi Mỹ còn chưa kịp quay trở lại Biển Đông để chiếm những gì có thể chiếm, làm những gì có thể làm. Trung Quốc đã cho thấy sự bành trướng sức mạnh cơ bắp ở Biển Đông sớm hơn nhiều so với thời điểm chính quyền Obama công bố xoay trục chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương, sự chậm chạp của Mỹ trong cách tiếp cận với việc xoay trục chiến lược có thể khuyến khích Bắc Kinh có những hành động mà trục chiến lược của Mỹ muốn ngăn chặn. Khi tình hình Syria đã ngày càng trở nên rõ ràng, các câu hỏi hóc búa về địa chính trị hiếm khi phát triển đơn giản. Biển Đông đã trải qua một mùa hè "nóng bỏng" và đáng lo ngại, và tình hình Biển Đông sẽ còn diễn biến phức tạp và tiếp tục "nóng" khi đã bước sang mùa thu.

Hồng Thủy