SCMP: Các tỉ phú gốc Hoa kiểm soát một nửa nền kinh tế Philippines

23/11/2015 11:07
Hồng Thủy
(GDVN) - Là một cộng đồng thiểu số chỉ chiếm 2% dân số Philippines, nhưng các doanh nhân gốc Hoa đang kiểm soát một nửa nền kinh tế của quốc gia này.

South China Morning Post ngày 22/11 đưa tin, bất chấp những căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines xung quanh tranh chấp trên Biển Đông, nhiều doanh nhân Philippines gốc Hoa tiếp tục phát triển mạnh tại quốc gia Đông Nam Á này, tạo dựng nên mối quan hệ không chính thức giữa Manila và Bắc Kinh.

Một trong những doanh nhân Philippines gốc Hoa có ảnh hưởng nổi bật là ông trùm Lucio Tan, người sở hữu khách sạn Century Park ở Manila, nơi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phái đoàn cấp cao đã lưu trú trong thời gian sang Philippines dự hội nghị thượng đỉnh APEC. Lucio Tan cũng là Hoa kiều được Trung Quốc mời về dự lễ duyệt binh quy mô lớn ở Thiên An Môn hôm 3/9 vừa qua.

Lucio Tan, một doanh nhân Philippines gốc Hoa có ảnh hưởng và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nghỉ ở khách sạn của ông khi sang Manila dự hội nghị thượng đỉnh APEC. Ảnh: bilyonaryo.com.ph
Lucio Tan, một doanh nhân Philippines gốc Hoa có ảnh hưởng và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nghỉ ở khách sạn của ông khi sang Manila dự hội nghị thượng đỉnh APEC. Ảnh: bilyonaryo.com.ph

"3 kho báu" của Hoa kiều tại Philippines

Là một cộng đồng thiểu số chỉ chiếm 2% dân số Philippines, nhưng các doanh nhân gốc Hoa đang kiểm soát một nửa nền kinh tế của quốc gia này. Mặc dù có sự mất cân bằng, nhưng cộng đồng người Hoa có ảnh hưởng mạnh mẽ đến Philippines là do sự tham gia rộng rãi của họ trong các tổ chức từ thiện.

Những người  Trung Quốc đã đặt chân đến Philippines trong thời kỳ thực dân Tây Ban Nha cai trị quốc gia này, từ 1521 đến 1898. Họ chủ yếu là những người đàn ông đến từ tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến. Sang miền đất mới, họ được chính quyền thực dân Tây Ban Nha khuyến khích theo đạo Công giáo và kết hôn với phụ nữ bản địa.

Theo tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản Kaisa, ngày 3/10 năm 1603, những công nhân Trung Quốc và các nhà tổ chức người Trung Quốc - Philippines đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống sưu cao thuế nặng của chính quyền thực dân Tây Ban Nha cùng các điều luật khắc nghiệt khác. Chính quyền thực dân đã đáp trả bằng chiến dịch bàn tay sắt nặng nề.

Kể từ cuộc nổi dậy đầu tiên này đến năm 1857, chính quyền thực dân Tây Ban Nha ở Philippines đã giết chết hơn 100 ngàn người Trung Quốc. Rufino Ko Pio, Giám đốc tổ chức Hiệp hội Đại gia đình Philippines cho biết, lịch sử đau đớn thời kì Philippines bị Tây Ban Nha và sau này là người Mỹ cai trị đã ngăn cản người Philippines gốc Hoa tham gia vào chính trị tại quốc gia này.

Nhà bình luận chính trị từ Manila, Ong Bon-han nói, người Philippines gốc Hoa có "3 kho báu" để xây dựng mối quan hệ tại quốc gia này, đó là xây dựng trường học ở các ngôi làng, thành lập các đội chữa cháy tình nguyện và khám chữa bệnh miễn phí. Điều này giúp người Hoa duy trì ảnh hưởng rộng khắp tại Philippines trong nhiều thập kỷ.

Bà Olivia Limpe Aw, hậu duệ đời thứ 5 của Lim Tua-co, một tướng quân đội nhà Mãn Thanh đã sang Philippines làm ăn bên chân dung ông tổ của mình. Ảnh: SCMP.
Bà Olivia Limpe Aw, hậu duệ đời thứ 5 của Lim Tua-co, một tướng quân đội nhà Mãn Thanh đã sang Philippines làm ăn bên chân dung ông tổ của mình. Ảnh: SCMP.

Các thương gia Hoa kiều bắt rễ sâu vào nền kinh tế Philippines

Câu chuyện thành công của Lim Tua-co, một tướng quân đội nhà Mãn Thanh đã sang Philippines làm ăn và thành lập nhà máy chưng cất lâu đời nhất tại quốc gia này ngày nay được biết đến với thương hiệu Destileria Limtuaco. Trong năm 1850, Lim tuo-co rời quê nhà của mình ở Hạ Môn, Phúc Kiến và đi tàu sang Philippines, mang theo công thức gia truyền bí mật về rượu thuốc.

Công thức này được tạo ra nhằm giúp phụ nữ phục hồi sau khi sinh nở hoặc bị bệnh. Ông đã xây dựng một nhà máy chưng cất ở Phố Tàu, Manila và hoạt động kinh doanh của mình phát triển nhanh chóng khi người dân địa phương chấp nhận các loại thuốc bổ đến từ Trung Quốc.

Để trở thành công dân Philippines, Lim Tuo-co đổi tên thành Don Bonifacio Limtuoco. Hậu duệ đời thứ 5 của ông, Olivia Limpe-Aw kể lại: "Một tên gọi nghe có vẻ giống người Tây Ban Nha nhiều hơn sẽ giúp cho sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai".

Cháu trai của Lim Tuo-co, Lim Chay-seng nắm quyền điều hành doanh nghiệp gia đình này vào năm 1926, bắt đầu mở rộng mô hình kinh doanh sang rượu thuốc Trung Hoa và rượu vang phương Tây. Công ty này cũng sản xuất các loại rượu whisky, brandy, rượu thảo mộc bên cạnh rượu thuốc. Thông qua mô hình quản lý và tiếp thị, doanh nghiệp gốc Hoa này tiếp tục phát triển lớn mạnh trong thế hệ thứ 3, thứ 4.

Cộng đồng doanh nhân Hoa kiều ở Philippines vẫn giữ được văn hóa và mối liên hệ huyết thống, hình thành các nghiệp đoàn, hiệp hội gia tộc và thành lập các trường học riêng cho người Hoa.

Ang Tiak-toy, Chủ tịch Hội đồng gia tộc họ Hứa ở Philippines cho biết, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Trung Quốc và Philippines đã được nhấn mạnh trong chuyến thăm ông Benigno Aquino - đương kim Tổng thống Philippines và mẹ ông, cựu Tổng thống Corazon Cojuangco Aquino về thăm quê, bái tổ ở Phúc Kiến năm 1998.

Cojuangco (họ Hứa) là một trong những gia tộc mạnh nhất và có ảnh hưởng, kiểm soát một số ngân hàng và công ty thương mại lớn trong cả nước. Thế hệ đầu tiên của gia tộc Cojuanco, Kho Kuan-coo, ông tổ của cựu Tổng thống Corazon Cojuangco Aquino là một thợ mộc đến từ Phúc Kiến.

Francis Chua, Chủ tịch danh dự Phòng Thương mại và công nghiệp Philippines tin rằng, căng thẳng giữa hai nước trên Biển Đông sẽ không làm tăng tâm lý chống Trung Quốc ở Philippines. "So với các nước Đông Nam Á khác, người Philippines rất thân thiện với người Trung Quốc", ông nói.

Hồng Thủy