Sự thật về 5 huyền thoại vũ khí hạt nhân của Mỹ

29/01/2015 10:53
Nguyễn Hường
(GDVN) - Trong năm 1961, hai quả bom nguyên tử có công suất gấp 260 lần quả bom thả xuống Hiroshima bị rơi xuống Bắc Carolina.

Tờ National Interest hôm 28/1 trích dẫn báo cáo của Trung tâm Nixon vạch trần sự thật về 5 huyền thoại liên quan tới vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Quốc hội Mỹ dự kiến sẽ dành khoảng 350 tỷ USD để hiện đại hóa và duy trì kho vũ khí hạt nhân của mình trong một thập kỷ tiếp theo.
Quốc hội Mỹ dự kiến sẽ dành khoảng 350 tỷ USD để hiện đại hóa và duy trì kho vũ khí hạt nhân của mình trong một thập kỷ tiếp theo.

Báo cáo được đưa ra sau khi Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ tuần trước ra thông báo rằng nước này sẽ dành khoảng 350 tỷ USD để hiện đại hóa và duy trì kho vũ khí hạt nhân của mình trong một thập kỷ tiếp theo.

"Cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân bằng cách hiện đại kho vũ khí khổng lồ gây ra mối đe dọa bất thường, đặc biệt là đến sự tồn tại của loài người", mở đầu báo cáo cho biết.

Huyền thoại 1: Vũ khí hạt nhân là lực lượng quân sự ưu tiên cao nhất của Mỹ

Chính quyền Washington nhiều năm qua cho rằng vũ khí hạt nhân là lực lượng ưu tiên hàng đầu có Mỹ. Tuyên bố tương tự trên được đưa ra gần đây nhất bởi Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel.

Tuy nhiên theo các tác giả báo cáo, sau Chiến tranh Lạnh vũ khí hạt nhân đã giảm giá trị rõ rệt. Chúng hiện cũng không có vai trò gì trong cuộc chiến chống lực lượng IS của Mỹ ở Syria và Iraq, dịch bệnh Ebola, chống quân nổi dậy ở Afghanistan và trong cuộc xung đột vũ trang tại Ukraine.

Trong khi đó, các loại vũ khí thông thường, hỗ trợ y tế và ngoại giao lại được sử dụng nhiều hơn và đóng vai trò quan trọng trong các sự kiện trên. Do đó, theo các tác giả, những thứ này mới xứng đáng là các ưu tiên số một của Mỹ.

Huyền thoại 2: Mối đe dọa hạt nhân đối với nước Mỹ hiện lớn hơn thời kỳ Chiến tranh Lạnh

Ít nhất 1.200 vũ khí hạt nhân trong giai đoạn 1950-1968 là nguyên nhân của các sự cố cực kỳ nguy hiểm.
Ít nhất 1.200 vũ khí hạt nhân trong giai đoạn 1950-1968 là nguyên nhân của các sự cố cực kỳ nguy hiểm.

Mặc dù quan hệ giữa Mỹ và Nga đang căng thẳng, nhưng chắc chắn nó không diễn biến thành một cuộc Chiến tranh Lạnh với nguy cơ xảy ra đối đầu hạt nhân.

Nhận định này cũng nhận được ủng hộ của Trung tướng James Kowalski, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ. Năm 2013 ông cũng khẳng định rằng một cuộc tấn công hạt nhân của Nga nhằm vào nước Mỹ là "một khả năng rất xa" mà hầu như "không đáng để thảo luận".

Mối quan tâm lớn nhất với tướng Kowalski, theo ông không phải là một cuộc tấn công hạt nhân mà là lực lượng của ông tự gây ra "một cái gì đó ngu ngốc".

Hơn nữa, quy mô kho vũ khí của Mỹ và Nga đã giảm đáng kể sau Chiến tranh Lạnh, từ lần lượt là 30.000 đến 45.000 vũ khí hạt nhân xuống còn khoảng 5.000 ở mỗi bên. Thậm chí Mỹ cũng đã tính tới khả năng sẽ giảm kho vũ khí hạt nhân của mình xuống còn 900 hoặc thâm chí là 311 đơn vị.

Huyền thoại 3: Vũ khí hạt nhân không tốn kém


Quan điểm này đã được chứng minh trong thực tế là không đúng, bởi chính nước Mỹ gần đây công bố kế hoạch hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình trong ba thập kỷ tới với chi phí ước tính lên tới 1.000 tỷ USD.

Trong khi đó, cả Hải quân và Không quân đều muốn có các quỹ riêng để mua sắm các tên lửa hạt nhân mới.

Huyền thoại 4: Vũ khí hạt nhân an toàn, tai nạn rất hiếm

Theo báo cáo, ít nhất 1.200 vũ khí hạt nhân trong giai đoạn 1950-1968 là nguyên nhân của các sự cố cực kỳ nguy hiểm.

Năm 1980, một sơ suất đã dẫn đến vụ nổ chết người của một tên lửa hạt nhân ở Arkansas. Theo tài liệu vừa được giải mật, trong năm 1961 hai quả bom nguyên tử có công suất gấp 260 lần quả bom thả xuống Hiroshima bị rơi xuống Bắc Carolina. Nhưng cực kỳ may mắn và kỳ diệu là chúng không phát nổ.

"Càng nhiều vũ khí hạt nhân càng tốn nhiều chi phí để duy trì và nguy cơ xảy ra tai nạn càng cao", National Interest nhận xét.

Huyền thoại 5: Tiền có thể giải quyết các vấn đề của kho vũ khí hạt nhân


Mỹ đã chi rất nhiều tiền để khắc phục hàng loạt sự cố hạt nhân, nhưng vẫn không thể nâng cao tinh thần và cải thiện công tác quản lý của các lực lượng hạt nhân Mỹ, báo cáo cho biết.

Hơn nữa, rất khó duy trì hiệu quả khả năng của các loại vũ khí chết người được thiết kế cho một cuộc đối đầu với Liên Xô mà sẽ không bao giờ được sử dụng, National Interest kết luận./.

Nguyễn Hường