TPP và chuyến đi Mỹ "được ăn cả, ngã về không" của ông Shinzo Abe

14/04/2018 08:11
Hồng Thủy
(GDVN) - Mỹ quay trở lại TPP hay không cần nhìn vào bản chất kinh tế của hiệp định này thay vì công cụ địa chính trị, tự do thương mại là đích đến của đấu tranh.

Nikkei Asia Review ngày 14/4 cho hay, Nhật Bản sẽ tiến hành các vòng đàm phán thương mại mới để thu hút Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump quay trở lại Hiệp định đối tác thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thủ tướng Shinzo Abe đã chuẩn bị cho một cuộc họp "được ăn cả, ngã về không" với ông Donald Trump tại Washington. Ông dự kiến sẽ đề xuất một khung mới cho các cuộc đàm phán thương mại khi gặp Tổng thống Mỹ tuần tới.

Mặc dù ông Donald Trump tuyên bố Mỹ sẵn sàng quay trở lại TPP để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc, thuyết phục Donald Trump làm điều này có thể tạo ra một thách thức cho đồng minh Nhật Bản.

Các cuộc đàm phán này sẽ được tách riêng, không bao gồm trong chương trình nghị sự đối thoại kinh tế Nhật - Mỹ do Phó thủ tướng Taro Aso và Phó Tổng thống Mike Pence đồng chủ trì.

Ông Donald Trump đánh tiếng, Mỹ có thể quay lại TPP nếu có "thỏa thuận tốt hơn", ảnh: AP.
Ông Donald Trump đánh tiếng, Mỹ có thể quay lại TPP nếu có "thỏa thuận tốt hơn", ảnh: AP.

Vấn đề đàm phán Mỹ quay lại TPP sẽ do đặc sứ của Thủ tướng Nhật Bản về TPP, ông Toshimitsu Motegi tiến hành với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, còn ông Shinzo Abe sẽ nói chuyện với ông Donald Trump tại Florida vào thứ Ba, thứ Tư tuần tới.

Mỹ đã rút khỏi TPP ngay lập tức sau khi Donald Trump nhậm chức. 11 nước thành viên còn lại đã ký kết Hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ tại Chile vào tháng trước.

Với các cuộc đàm phán mới mà Nhật Bản muốn đưa Mỹ quay trở lại TPP, Washington có thể sử dụng việc này để buộc Tokyo phải chọn 1 trong 2 phương án: thương lượng lại TPP hoặc ký một hiệp định thương mại song phương.

Điều này đã được Donald Trump tuyên bố rõ ràng trên Twitter, Mỹ sẽ chỉ quay lại TPP nếu có một thỏa thuận tốt hơn đáng kể so với thỏa thuận ông Barack Obama đã đàm phán.

Hoa Kỳ đã có hiệp định thương mại song phương với 6/11 quốc gia đàm phán TPP và đang tìm kiếm một hiệp định với Nhật Bản. Tháng trước, ông Donald Trump tuyên bố:

"Tôi sẽ nói chuyện với Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản và những người khác, ông bạn tuyệt vời của tôi, sẽ có một nụ cười mỉm trên khuôn mặt của họ. 

Nụ cười đó là, 'tôi không thể tin rằng chúng tôi đã có thể tận dụng lợi thế với Hoa Kỳ trong một thời gian dài'. Vì vậy, những ngày đó đã qua".

Tổng thống Mỹ vẫn than phiền Nhật Bản gây khó dễ cho Hoa Kỳ về thương mại.

TPP và chuyến đi Mỹ "được ăn cả, ngã về không" của ông Shinzo Abe ảnh 2

Tổng thống Duterte "yêu" ông Tập Cận Bình, cần Trung Quốc hơn bao giờ hết

Trên thực tế, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với hàng hóa Nhật Bản đã giảm gần 20% trong một thập kỷ xuống còn 69,7 tỷ USD năm ngoái, chiếm 8,6% tổng thâm hụt thương mại của Mỹ, giảm từ 30% của 20 năm trước.

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc còn lớn hơn rất nhiều.

Donald Trump thấy một hiệp định thương mại song phương với Nhật Bản là cơ hội tốt nhất để giảm thâm hụt thương mại, nó gây áp lực lên Nhật Bản để tăng nhập khẩu ô tô, nông sản và hàng hóa khác của Mỹ.

Hoa Kỳ chắc chắn cũng sẽ kêu gọi bãi bỏ các rào cản phi thuế quan, ví dụ như các tiêu chuẩn về an toàn và môi trường trong ngành công nghiệp ô tô chiếm 60% thâm hụt thương mại.

Tình trạng tương tự cũng có thể diễn ra với mặt hàng thịt bò Mỹ, một thỏa thuận TPP mới sẽ phải cắt giảm dần thuế nhập khẩu thịt bò đông lạnh từ các thành viên như Australia xuống còn 9%.

Điều này sẽ chống lại sức cạnh tranh của thịt bò Mỹ vẫn đang phải đối mặt với mức thuế 38,5%.

Ông Donald Trump muốn trấn an nông dân Mỹ, chắc chắn sẽ gây áp lực buộc ông Shinzo Abe phải hạ mức thuế quan đang khiến các nhà chăn nuôi Mỹ bất lợi.

Tranh chấp thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc có thể tạo thêm khó khăn cho cuộc họp giữa Tổng thống Donald Trump với Thủ tướng Shinzo Abe, vì Nhật Bản đang muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc.

Trong khi đó, Bắc Kinh cũng đang tìm cách gần gũi Tokyo nhằm "lèo lái" mối quan hệ giữa nước láng giềng này với đồng minh Washington.

(Ông Vương Nghị sẽ thăm Nhật Bản, dọn đường cho chuyến thăm của ông Lý Khắc Cường dự hội nghị cấp cao Đông Á).

Quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đã nói với đại diện Nhật Bản vào tháng trước rằng, Trung - Nhật - Hàn nên hợp tác bảo vệ tự do thương mại.

Cách tiếp cận truyền thống dựa trên những cuộc đàm phán chuyên viên không có hiệu quả với chính quyền Donald Trump;

Bởi Tổng thống Mỹ thường đưa ra quyết định mà không cần sự trợ giúp của đội ngũ này, giống như ông lập tức đồng ý gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Điều này sẽ tạo thêm "gánh nặng" cho Thủ tướng Shinzo Abe.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ảnh: AP.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ảnh: AP.

Cuộc họp với Donald Trump tuần tới sẽ mang đến cơ hội để giải quyết một số vấn đề nổi bật trong 1 chuyến đi. Nhưng nếu nó đổ vỡ, ông Shinzo Abe sẽ cảm thấy mình bị cô lập.

Thủ tướng Nhật Bản cho biết, mặc dù ông đã hiểu Donald Trump nhiều hơn so với cuộc gặp trước vào tháng 2/2017, nhưng lần gặp này với ông có áp lực cao hơn.

Thứ Sáu (13/4), Thủ tướng Shinzo Abe đã tổ chức phiên họp mới nhất với các chuyên gia trước khi đi Mỹ, để tập dượt trả lời nhiều câu hỏi mà các chuyên gia đặt ra với giả định đó là một cuộc thương thảo với Donald Trump.

Ông Shinzo Abe đã tỏ rõ quyết tâm gây ấn tượng với Donald Trump về tầm quan trọng của tự do thương mại và giải quyết "đúng đắn" vấn đề Bắc Triều Tiên, nhưng ông cũng nói chuyến đi này được ăn cả, ngã về không.

Điều này có thể đánh dấu một bước ngoặt cho mối quan hệ giữa Donald Trump và Shinzo Abe. [1]

Tuy nhiên cũng có nhà quan sát khác lại có cái nhìn lạc quan hơn về triển vọng Mỹ quay trở lại TPP.

Bloomberg ngày 13/4 dẫn lời Kevin Lai, chuyên gia kinh tế trưởng của Daiwa Capital Markets Hong Kong Ltd. cho biết:

TPP và chuyến đi Mỹ "được ăn cả, ngã về không" của ông Shinzo Abe ảnh 4

Thủ tướng Nhật Bản cuống cuồng tìm cách tiếp cận với Donald Trump?

"Nếu Donald Trump muốn cô lập Trung Quốc, ông ta cần sự hợp tác nhiều hơn từ các đồng minh khác.

Ý kiến ngay tại Washington là, hãy đưa Nhật Bản, châu Âu và các nước khác khỏi quỹ đạo của Trung Quốc.

Mỹ cần phải quay trở lại để thiết lập luật chơi cho trật tự kinh tế toàn cầu, thay vì để Trung Quốc làm điều này (bằng mô hình các tập đoàn kinh tế nhà nước, theo Nikkei Asia Review)." [2]

Cá nhân người viết nhận thấy, việc Mỹ quay trở lại TPP là một vấn đề phức tạp, bởi chính nội bộ Mỹ cũng đang mâu thuẫn khá gay gắt về tuyên bố mới nhất của ông Donald Trump. [3]

Nhiều thượng nghị sĩ của cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ phản đối "sự quay lại" này, vì sợ nó làm "tổn thương" lợi ích của nông dân, công nhân Mỹ. Khi tranh cử Tổng thống, bà Hillary Clinton cũng phản đối TPP.

Tuy nhiên, nếu tin rằng Trung Quốc có thể là một giải pháp và Bắc Kinh sẽ thay Washington bảo vệ "tự do thương mại và toàn cầu hóa", e rằng không có cơ sở.

Giáo sư kinh tế Christopher Balding có 9 năm sống, nghiên cứu và giảng dạy tại Trung Quốc ngày 13/4 có bài bình luận đăng trên South China Morning Post.

Ông nhận định, nền kinh tế Trung Quốc không hề mở cửa như tuyên bố của ông Tập Cận Bình tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos năm ngoái, hay "tiếp tục mở cửa" tại Diễn đàn Bác Ngao năm nay.

Ngược lại, nền kinh tế Trung Quốc đang đóng. Nó làm tổn thương chính mình, bởi một nền kinh tế tiên tiến đòi hỏi phải có những ý tưởng, sự tương tác và cạnh tranh, trong khi Bắc Kinh quay lưng lại với tất cả những điều này. [4]

Chúng tôi cho rằng, tự do và công bằng trong thương mại nói riêng, trong quan hệ quốc tế nói chung không phải tự nhiên từ trên trời rơi xuống, mà là đích đến của quá trình đấu tranh không mệt mỏi của những kẻ yếu với kẻ mạnh hơn, dù Trung Quốc hay Hoa Kỳ cũng vậy, không khác.

Nguồn:

[1]https://asia.nikkei.com/Economy/Trade-tensions/Japan-to-pitch-new-trade-dialogue-to-draw-Trump-back-to-TPP

[2]https://www.bloomberg.com/news/articles/2018-04-13/trump-u-turn-on-tpp-may-help-him-win-allies-in-china-trade-fight

[3]https://www.cnbc.com/2018/04/13/elizabeth-warren-bernie-sanders-slam-trumps-move-on-tpp-trade-deal.html

[4]http://www.scmp.com/week-asia/opinion/article/2141670/chinas-economy-isnt-opening-its-closing-and-its-hurting-itself

Hồng Thủy