TQ dời giàn khoan 981 khỏi vùng biển Việt Nam là tin cực tốt với Ấn Độ

23/07/2014 06:20
Hồng Thủy
(GDVN) - Họ muốn giữ thể diện trên trường quốc tế, đặc biệt là hội nghị thượng đỉnh BRIC lần thứ 6 tại Brazil tuần trước và đêm trước cuộc họp ARF tại Myanmar.
Các phóng viên Việt Nam và quốc tế đã trực tiếp chứng kiến các hành động hung hăng và nguy hiểm của tàu Hải cảnh Trung Quốc đối với các tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển Việt Nam ngay trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam gần nơi họ hạ đặt trái phép giàn khoan 981. Ảnh: Talk Vietnam.
Các phóng viên Việt Nam và quốc tế đã trực tiếp chứng kiến các hành động hung hăng và nguy hiểm của tàu Hải cảnh Trung Quốc đối với các tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển Việt Nam ngay trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam gần nơi họ hạ đặt trái phép giàn khoan 981. Ảnh: Talk Vietnam.

Tờ India Times ngày 22/7 đăng bài bình luận, việc Trung Quốc rút giàn khoan 981 và hạm đội tàu hộ tống khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là những tin tốt đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Ấn Độ vốn có lợi ích kinh tế và chiến lược quan trọng trong khu vực.

Tuy nhiên còn có nhiều thứ phải để ý nhiều hơn đằng sau quyết định của Trung Quốc bởi giàn khoan và hạm đội tàu Trung Quốc vẫn có thể quay trở lại. Trung Quốc đã phải đối mặt với những phản ứng dữ dội và kiên quyết từ chính phủ cũng như lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam trong 2 tháng qua.

Bắc Kinh không muốn Việt Nam áp dụng thái độ này để kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Họ cũng muốn ngăn chặn Mỹ và các cường quốc khác tham dự vào vấn đề Biển Đông. Đây là một thắng lợi ngoại giao của Việt Nam, và Bắc Kinh đã phải đối mặt với áp lực từ dư luận khu vực và quốc tế về cái gọi là trỗi dậy hòa bình của họ.

Do đó Trung Quốc muốn thể hiện rằng vụ 981 là "tranh chấp song phương" và không làm hỏng hòa bình, an ninh khu vực. Họ muốn giữ thể diện trên trường quốc tế, đặc biệt là hội nghị thượng đỉnh BRIC lần thứ 6 tại Brazil tuần trước và đêm trước cuộc họp ARF tại Myanmar vào tháng tới.

Trung Quốc cũng dời giàn khoan 981 để tránh bão Rammasun. Tuy nhiên điều cần thiết hiện nay là Trung Quốc không nên điều giàn khoan 981 quay trở lại hoặc điều bất kỳ giàn khoan nào khác xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) để giữ gìn hòa bình và ổn định ở Biển Đông, các chuyên gia nhận định.

Các học giả cũng cho rằng ASEAN nên thống nhất giải quyết vấn đề Biển Đông với Trung Quốc theo luật pháp quốc tế. Một cơ chế đảm bảo an ninh tập thể trong khu vực là cần thiết. Các nước cũng cần phải cẩn thận trước những gì Trung Quốc đang nói và làm.

Vụ Trung Quốc rời giàn khoan 981 khỏi vùng biển Việt Nam là tin tốt cho Ấn Độ bởi New Delhi có lợi ích kinh tế to lớn ở Biển Đông. Tuy nhiên làm thế nào để Ấn Độ duy trì được lợi ích và sự phát triển trong khu vực một khi Bắc Kinh lại tái khẳng định yêu sách (sai trái) của họ một lần nữa mới là vấn đề cần phải tính.

Kể từ ngày 2/5 vừa qua, giàn khoan 981 của Trung Quốc và một số lượng lớn tàu hộ tống bao gồm cả tàu quân sự đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế khi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam bởi vị trí hạ đặt trái phép chỉ cách khoảng 130 hải lý tính từ bờ biển Việt Nam, India Times bình luận.

Không những thế, tàu Trung Quốc còn cố ý đâm va, bắn vòi rồng công suất lớn lên các tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam ngay trên thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Những hành động này của Trung Quốc đã gây thương tích cho không ít cán bộ, nhân viên Kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam.

Hồng Thủy