Tại sao Hoa Kỳ thiện chí mong muốn hợp tác lâu dài với Việt Nam?

27/05/2016 06:25
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết
(GDVN) - Có cứng mới đứng đầu gió. Muốn đàm phán, muốn giải quyết vấn đề với Trung Quốc thông qua đối thoại thì chí ít cũng phải đảm bảo cân bằng.

LTS: Xung quanh chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nguyên Đại biểu Quốc hội gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông về lý do Hoa Kỳ mong muốn nâng tầm quan hệ, thắt chặt hợp tác toàn diện, lâu dài với Việt Nam.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài bình luận của Giáo sư. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Vậy là Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã kết thúc thành công chuyến thăm lịch sử đến Việt Nam, đưa quan hệ Việt - Mỹ phát triển lên một tầm cao mới.

Ông không chỉ để lại trong lòng người Việt Nam những ấn tượng khó phai về sự chân thành, lịch duyệt và thân thiện mà còn tỏ rõ mong muốn chuyến thăm của mình sẽ trở thành cột mốc đáng ghi nhớ của sự gắn bó dài lâu giữa hai dân tộc, như trong lời kết thúc bài diễn văn rất sâu sắc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình:

“Sau này khi người Mỹ và Việt Nam học cùng nhau, cùng phối hợp sáng tạo với nhau thì các bạn hãy nhớ khoảnh khắc tôi đứng ở đây trước các bạn như Nguyễn Du đã nói: 

Rằng: Trăm năm cũng từ đây. 
Của tin gọi một chút này làm ghi”.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, ảnh: Báo Tuổi Trẻ.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, ảnh: Báo Tuổi Trẻ.

Tuy nhiên, trong dư luận cũng còn những quan điểm băn khoăn lo lắng, không biết người kế nhiệm ông Obama có coi trọng Việt Nam, coi trọng Biển Đông và chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương hay không. Có người đặt câu hỏi: Điều gì ở Việt Nam đã khiến Hoa Kỳ mong muốn nâng tầm quan hệ và thắt chặt hợp tác song phương đến vậy?

Bởi lẽ nếu nói về kinh tế thì thị trường Việt Nam quá nhỏ bé so với Trung Quốc để Mỹ có thể lựa chọn; về việc mua vũ khí thì chưa chắc Việt Nam đã có thể ký ngay những hợp đồng tầm cỡ; về địa chính trị thì trong bối cảnh hiện nay Việt Nam khó có thể trở thành đồng minh hiệp ước với Hoa Kỳ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia hay Philippines.

Vậy nhưng Tổng thống Obama vẫn tỏ rõ thiện chí với Việt Nam, đề cao vai trò Việt Nam và mong muốn thúc đẩy quan hệ song phương, hợp tác chặt chẽ với Việt Nam mà không đòi có đi có lại như những người tiền nhiệm hay một bộ phận dư luận vẫn nghĩ.

Lợi ích chiến lược trùng hợp

Vị thế của Việt Nam ngày nay theo người viết khá giống với Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới II. Hoa Kỳ mà cụ thể là chính quyền Tổng thống Obama đã nhìn thấy giá trị địa chiến lược, địa chính trị quan trọng của Việt Nam trong việc bảo vệ lợi ích cốt lõi của Hoa Kỳ ở Biển Đông.

Đó chính là đảm bảo tự do hàng hải, hàng không của một trong những tuyến đường giao thương huyết mạch, chống lại chủ nghĩa bành trướng đang đe dọa lợi ích chiến lược cũng như vai trò, vị thế của Hoa Kỳ trong khu vực và trên trường quốc tế.

Nước duy nhất trên thế giới hiện nay có thể đe dọa đến lợi ích, địa vị toàn cầu của Hoa Kỳ chính là Trung Quốc. Đặc biệt là nhà lãnh đạo nước này, ông Tập Cận Bình chẳng giấu diếm gì chuyện ấy và theo đuổi mục tiêu một cách công khai, lộ liễu, bất chấp quy tắc và luật lệ quốc tế, phá vỡ trật tự quốc tế sau Chiến tranh Thế giới II.

Điển hình là những hành động phiêu lưu quân sự hiện nay của Trung Quốc trên Biển Đông đang đe dọa trực tiếp lợi ích, vị thế của Hoa Kỳ. Bắc Kinh đã công khai ý đồ hất Washington khỏi khu vực, tạo lập sân chơi và luật chơi mới do mình làm chủ và đưa các nước trong khu vực vào tầm ảnh hưởng, kiềm tỏa.

Tất nhiên không đời nào Hoa Kỳ và các nước trong khu vực chấp nhận điều ấy, khi nhân loại ngày một tiến bộ văn minh.

Một Trung Quốc trỗi dậy hòa bình, phát triển trong hòa bình và tôn trọng luật lệ, có trách nhiệm và đóng vai trò xứng đáng của một thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc rõ ràng là phù hợp với lợi ích và mong muốn của cộng đồng quốc tế.

Đáng tiếc là Trung Quốc không lựa chọn con đường "trỗi dậy hòa bình" như họ tuyên bố. Tốc độ tăng trưởng sức mạnh quân sự nhanh chóng đi kèm với các hành vi bành trướng, hung hăng, bất chấp tất cả của họ trên Biển Đông đã gây căng thẳng và lo ngại, buộc Hoa Kỳ phải tìm cách đối phó.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama, ảnh: Reuters / Tuổi Trẻ.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama, ảnh: Reuters / Tuổi Trẻ.

Trong bối cảnh đó, với tầm nhìn chiến lược của ông Obama và đội ngũ tham mưu, cộng sự, Hoa Kỳ thấy rằng trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nước có mong muốn hợp tác để bảo vệ hòa bình ổn định, trật tự và luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

Có thể nói, lợi ích lâu dài của Việt Nam và Hoa Kỳ trên Biển Đông trùng hợp với nhau.

Đó là lý do tại sao ông Obama đặc biệt ca ngợi tinh thần độc lập dân tộc, truyền thống văn hóa chống ngoại xâm và lòng yêu nước của người Việt Nam cũng như chia sẻ những khó khăn, thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt, như ông đã thể hiện trong bài phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình hôm 24/5.

Mô hình mới của quan hệ hợp tác toàn diện Mỹ - Việt

Hoa Kỳ nhìn thấy nhu cầu, khả năng cũng như mong muốn của Việt Nam trong bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không gian sinh tồn của quốc gia trên Biển Đông.

Mặc dù chủ quyền đối với các đảo và thực thể ở Hoàng Sa, Trường Sa không phải vấn đề Hoa Kỳ muốn can thiệp, nhưng chống quân sự hóa Biển Đông, bảo vệ tự do hàng không hàng hải, bảo vệ luật pháp quốc tế ở Biển Đông nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) có thể nói là lợi ích sống còn của Hoa Kỳ.

Trong những vấn đề trên, việc loại bỏ yêu sách đường lưỡi bò mà Trung Quốc tự vẽ và đòi áp đặt trên Biển Đông là nội dung hết sức quan trọng. Nó sẽ thu hẹp đáng kể phạm vi tranh chấp cũng như ngăn chặn hiệu quả các nguy cơ xung đột có thể phát sinh.

Đó là lý do tại sao Obama là vị Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc làm rõ căn cứ pháp lý, đồng thời ủng hộ và hỗ trợ tối đa Philippines khởi kiện đường lưỡi bò ra Tòa Trọng tài Thường trực PCA.

Sắp tới ngày PCA ra phán quyết, số phận đường lưỡi bò dường như sắp được định đoạt. Hầu hết dư luận giới quan sát, luật gia quốc tế cho rằng PCA sẽ bác bỏ đường lưỡi bò phi lý ấy.

Trung Quốc gần đây đã ráo riết vận động và thành lập mặt trận ngoại giao chống lại phán quyết của PCA. Điều đó củng cố thêm nhận định Bắc Kinh sẽ không tuân thủ phán quyết, thậm chí có thể có tính toán, hành vi leo thang trên thực địa sau phán quyết của Tòa.

Điều này buộc Mỹ phải tăng cường cam kết hiện diện của mình trong khu vực với 3 trục chính:

Tại sao Hoa Kỳ thiện chí mong muốn hợp tác lâu dài với Việt Nam? ảnh 3

Câu Kiều tặng Tổng thống Obama

(GDVN) - Yếu tố đầu tiên và quan trọng hơn cả làm nên sức hút của ông Obama chính là sự chân thành của ông đối với Việt Nam.

Một là đấu tranh với Trung Quốc trên mặt trận đối ngoại - truyền thông tại tất cả các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế như ASEAN, hội nghị cấp cao Đông Á, ARF, ADMM+, thậm chí cả G-7, G-20.

Hai là tiếp tục các hoạt động điều tàu chiến, máy bay hiện diện thường xuyên ở Biển Đông và tiến hành các hoạt động tự do hàng không hàng hải.

Ba là hỗ trợ nâng cao năng lực tuần tra trên biển, đảm bảo năng lực phòng thủ, thực thi luật pháp trên biển cho Cảnh sát biển và Hải quân các nước ven Biển Đông, hợp tác chặt chẽ trong việc chia sẻ thông tin tình báo, diễn tập quân sự... với mục tiêu bảo vệ cho được tự do hàng hải hàng không, luật pháp và trật tự quốc tế trên Biển Đông, hòa bình và ổn định trong khu vực.

Trên cả 3 mặt trận này, Mỹ đều mong muốn hợp tác với Việt Nam. Ngược lại, Mỹ cũng biết đó chính là mong muốn, nguyện vọng của Việt Nam để bảo vệ mình, bảo vệ hòa bình và ổn định của khu vực, chống lại những tham vọng bành trướng và hành vi leo thang, phiêu lưu quân sự trên Biển Đông.

Có điều khác với Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc hay Australia, Việt Nam có một mối quan hệ đặc biệt, ân oán đan xen, vừa đấu tranh vừa hợp tác với Trung Quốc và lãnh thổ đất liền tiếp giáp trực tiếp với Trung Quốc nên buộc phải tìm cách sống chung trong hòa bình với nước láng giềng đầy tham vọng.

Có lẽ Hoa Kỳ hiểu và chia sẻ cái thế khó ấy của Việt Nam cũng giống như chia sẻ mục tiêu chung và thiện chí, mong muốn hợp tác với Việt Nam về an ninh hàng hải, nên Mỹ không đặt vấn đề Việt Nam phải trở thành một đồng minh của Hoa Kỳ như các nước khác trong khu vực.

Mặt khác, chiến lược chung của Hoa Kỳ hiện nay là rút bớt khỏi các điểm nóng, thu hẹp chi tiêu quân sự, củng cố nội lực và chia sẻ gánh nặng, trách nhiệm đảm bảo an ninh cho đồng minh và đối tác chứ không thể "bao sân toàn bộ" như sau Chiến tranh Thế giới II. Vai trò của Nhật Bản và Australia nổi lên trong khu vực gần đây là một minh chứng rõ nét.

Hoa Kỳ hiểu và chia sẻ lập trường của Việt Nam giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế. Hoa Kỳ không muốn bị lôi kéo vào một cuộc xung đột đối đầu ở Biển Đông.

Nhưng như người đời vẫn nói, có cứng mới đứng đầu gió. Muốn đàm phán, muốn giải quyết vấn đề với Trung Quốc thông qua đối thoại thì chí ít cũng phải đảm bảo cân bằng trong tương quan lực lượng và sức mạnh.

Mọi lời nói, mọi lý lẽ sẽ trở nên vô nghĩa nếu một bên trang bị súng ống, vũ khí đầy mình còn bên khia tay không và chỉ nói chuyện bằng tinh thần, thiện chí, thậm chí là cả đạo đức và chính nghĩa, thậm chí được dư luận quốc tế đồng tình ủng hộ. Đó là một sự thật.

Bởi vậy người viết cho rằng, mô hình quan hệ Việt - Mỹ đang tiến tới có thể về mặt danh nghĩa không phải là đồng minh hiệp ước, nhưng đó quan hệ thân thiết, dựa lưng vào nhau để cùng bảo vệ môi trường khu vực hòa bình ổn định, bảo vệ luật pháp và trật tự quốc tế.  

Chắc chắn Trung Quốc sẽ quan tâm và theo dõi chặt chẽ những diễn biến gần đây, đặc biệt là quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Cũng khó có thể tránh khỏi những nghi kỵ từ Bắc Kinh, thậm chí sẽ có cả những can thiệp và ngăn cản, phản ứng.

Nhưng trong khi chủ trương không liên minh liên kết với ai để chống lại Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào, Việt Nam vẫn cần liên minh để bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình cũng như cộng đồng khu vực và quốc tế trên Biển Đông.

Điều này thiết nghĩ cũng rất phù hợp với chiến lược vừa hợp tác, vừa đấu tranh của chúng ta với Trung Quốc. Nó củng cố niềm tin và thực tiễn, Việt Nam là một nước độc lập có chủ quyền, không ai có thể áp đặt hệ giá trị của họ lên dân tộc Việt Nam, nền độc lập của Việt Nam như chính ngài Obama đã khẳng định.

Do đó, một mặt chúng ta có đủ tự tin để tăng cường hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ, mặt khác chúng ta cũng có đủ lý lẽ để phân giải thiệt hơn, đúng sai phải quấy với Trung Quốc mà không lo ngại họ vin cớ này, cớ nọ để gây khó dễ hay có động thái đe dọa, xâm hại lợi ích của chúng ta.

Tín hiệu lòng dân

Tại sao Hoa Kỳ thiện chí mong muốn hợp tác lâu dài với Việt Nam? ảnh 4

Việt Nam có thể khai thác được gì từ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ?

(GDVN) - Mỹ là nước duy nhất có thể lập lại trật tự trên Biển Đông trước hành động leo thang của Trung Quốc. Do đó Việt Nam nên tận dụng tối đa.

Ông Obama đã rất tinh tế, khéo léo trong ứng xử với Việt Nam. Và cũng chính ông nhìn thấy rất rõ cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam chính là lòng yêu nước, lịch sử chống ngoại xâm hun đúc nên tinh thần độc lập dân tộc và truyền thống văn hóa lâu đời.

Từ xưa tới nay, các thế lực ngoại bang, dù là thực dân kiểu cũ hay kiểu mới, dù là thế lực phương Đông hay phương Tây đều không khuất phục được ý chí của dân tộc này, đất nước này. Bộ phận tham mưu cho ông Obama đã nghiên cứu rất kỹ và rất khéo léo khi so sánh tinh thần ấy với lũy tre, biểu tượng của truyền thống bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Chính lòng dân mới là nguồn sức mạnh dồi dào và vô tận. Nó khiến cho các thế lực cướp nước và bán nước ở thời đại nào cũng phải nhận thất bại. Đó mới là thứ vũ khí quan trọng nhất, hiệu quả nhất trong đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và lợi ích quốc gia.

Cũng chính chúng ta đã đúc kết bài học kinh nghiệm dựng nước và giữ nước của cha ông qua các thế hệ, là "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", là "chiến tranh nhân dân".

Hơn ai hết, người Việt Nam thấu hiểu nỗi đau của chiến tranh và sự trân quý của hòa bình. Việt Nam mong muốn hòa bình, khát khao sống trong hòa bình. Nhưng khi hòa bình và độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia bị đe dọa thì người Việt Nam sẵn sàng hy sinh tất cả.

Bởi thế hình ảnh hàng ngàn người dân đứng dày đặc hai ven đường chào đón Tổng thống Obama, theo người viết, không chỉ đơn giản là sự thể hiện lòng ngưỡng mộ với người đứng đầu đất nước Hoa Kỳ mà họ khâm phục bởi tài năng, sự chân thành, lịch duyệt và thân thiện.

Nó còn là sự thể hiện thái độ với những quốc gia, những thế lực chính trị nào đang toan tính đe dọa đến độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không gian sinh tồn của đất nước này. Nó là lời nhắn nhủ: Chúng tôi biết rõ ai là bạn, ai là kẻ “miệng nam mô, bụng một bồ dao găm”; và những người bạn chân tình luôn được chúng tôi chào đón chân tình và nồng nhiệt.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết