Tập Cận Bình chào đón ông Kim Jong-un nhờ thúc đẩy của "Bát vương gia"?

19/04/2018 10:03
Hồng Thủy
(GDVN) - Tập Cận Bình mở tiệc chiêu đãi trang trọng xa hoa chưa từng có, nhưng vẫn giữ khoảng cách với ông Kim Jong-un, cho thấy ông chưa thực sự thiện cảm.

Đa Chiều ngày 18/4 bình luận, việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên khiến dư luận bên ngoài rất đỗi ngạc nhiên. 

Nguyên nhân chính là chuyến thăm Bắc Kinh lần này của ông Kim Jong-un là do Trung Quốc chủ động mời, chứ không phải Bình Nhưỡng.

Tại sao ông Tập Cận Bình không "ôm đồng chí" Kim Jong-un, mà chỉ bắt tay?

Theo Đa Chiều, từ cách đưa tin của truyền thông Trung Quốc lâu nay có thể nhận thấy, ông Tập Cận Bình không ưa gì nhà lãnh đạo trẻ từ Bình Nhưỡng, thái độ của ông chủ Trung Nam Hải thể hiện rõ điều này.

Tờ báo lưu ý, khi tiếp ông Kim Jong-un, Chủ tịch Tập Cận Bình không ôm, mà chỉ bắt tay, trong khi "cái ôm đồng chí" là biểu hiện của quan hệ truyền thống hữu nghị thân thiết giữa 2 quốc gia đồng minh.

Cố Chủ tịch Kim Jong-il lúc sinh thời mỗi lần gặp lãnh đạo Trung Quốc, hai bên đều có "cái ôm đồng chí". 

Ông Kim Jong-un cũng tiếp Trưởng ban Liên lạc đối ngoại Đảng Cộng sản Trung Quốc Tống Đào sang thăm Bình Nhưỡng thứ Sáu tuần trước bằng một "cái ôm đồng chí".

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tiếp đặc sứ Trung Quốc Tống Đào đến thăm lần thứ 2 bằng "cái ôm đồng chí", ảnh: Đa Chiều.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tiếp đặc sứ Trung Quốc Tống Đào đến thăm lần thứ 2 bằng "cái ôm đồng chí", ảnh: Đa Chiều.

Mặc dù tờ Yomiuiri Shimbun của Nhật Bản ngày 17/4 loan tin, ông Tập Cận Bình có thể thăm chính thức Triều Tiên sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, nhưng phản ứng của Trung Nam Hải rất mờ nhạt.

Bắc Kinh chỉ nói rằng, ông Tập Cận Bình đồng ý duy trì giao lưu trao đổi thường xuyên với ông Kim Jong-un qua các hoạt động thăm viếng, cử đặc sứ và gửi thư tay;

Nhưng tuyên bố chung trong họp báo sau hội nghị thượng đỉnh Trung - Triều lại giấu nội dung này. [1]

Cách đưa tin của truyền thông nhà nước Trung Quốc về chuyến thăm không chính thức của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cũng dấy lên nhiều đồn đoán khác nhau trong dư luận.

Trong suốt đoạn phóng sự phát sóng trên đài truyền hình quốc gia về các hoạt động đón tiếp ông Kim Jong-un và phái đoàn Triều Tiên, dù mức độ trọng thị và xa hoa "chưa từng có" trong lịch sử Trung - Triều, nhưng ông Tập Cận Bình vẫn giữ khoảng cách.

Tập Cận Bình chào đón ông Kim Jong-un nhờ thúc đẩy của "Bát vương gia"? ảnh 2

Tại sao ông Kim Jong-un vui vẻ chấp nhận để Tập Cận Bình đóng vai "anh cả"?

Ngoài sự thiếu vắng một "cái ôm đồng chí", truyền thông Trung Quốc cho người xem cảm giác ông Tập Cận Bình giống như một người thầy đang thuyết giảng;

Còn ông Kim Jong-un chăm chú ghi chép, thỉnh thoảng gật đầu như một "học trò" ngoan, theo The Wall Street Journal. [2]

Về cách xưng hô theo mô tả của truyền thông Trung Quốc, ông Tập Cận Bình gọi ông Kim Jong-un bằng đại từ "ni", có nghĩa là anh / bạn / cậu / đồng chí;

Tong khi ông Kim Jong-un gọi Chủ tịch Trung Quốc là "nin", có nghĩa là ngài / Chủ tịch. Nếu chỉ đọc tin từ Tân Hoa Xã sẽ thấy, một người thân mật / xuồng xã, một người thì trịnh trọng / tôn kính.

Vai trò của "Bát vương gia"

Nếu ông Tập Cận Bình thực sự không mặn mà với nhà lãnh đạo Triều Tiên như phân tích của Đa Chiều, thì sao phải tiếp ông Kim Jong-un?

Nếu sự khác biệt bất thường trong đưa tin về sự kiện này giữa Tân Hoa Xã với KCNA mà The Wall Street Journal chỉ ra là có thật, thì ai giữ vai trò chủ đạo thúc đẩy quan hệ Trung - Triều rẽ sang con đường mới?

Ông Tập Cận Bình đã không muốn tiếp, ai có thể khuyên ông đổi ý, chủ động gặp gỡ nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên trước thượng đỉnh Mỹ - Triều?

Đa Chiều cho rằng, không ai có thể làm được điều này ngoài ông Vương Kỳ Sơn, Phó Chủ tịch nước, chính khách được một số nhà quan sát đặt cho ông tên gọi "Bát vương gia", hay "Bát hiền vương".

Vương Kỳ Sơn có biệt danh "Bát vương gia", hay "Bát hiền vương", vì dư luận cho rằng:

Mặc dù không còn là Ủy viên Bộ chính trị hay Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị sau Đại hội 19, nhưng ông được Chủ tịch Tập Cận Bình đặc cách cho dự họp các phiên họp của Thường vụ Bộ chính trị (trừ biểu quyết).

Vai trò của ông Vương Kỳ Sơn trong việc giúp ông Tập Cận Bình về đối ngoại ngày càng rõ nét. Ảnh: SCMP.
Vai trò của ông Vương Kỳ Sơn trong việc giúp ông Tập Cận Bình về đối ngoại ngày càng rõ nét. Ảnh: SCMP.

Bởi vậy trên thực tế, ông Vương Kỳ Sơn được xem như "ủy viên thứ 8" của Thường vụ Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19, còn quyền lực và ảnh hưởng thực tế thì chỉ sau ông Tập Cận Bình.

Chính vì thế, ông Sơn được ví như "Bát vương gia" Triệu Nguyên Nghiễm, chú ruột của vua Tống Nhân Tông mà ai đã từng xem phim "Bao Công xử án" / "Bao Thanh Thiên" thì không lạ với nhân vật này.

Cách đưa tin của truyền thông Trung Quốc đã liệt ông Vương Kỳ Sơn vào hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, chỉ sau 7 Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị khóa 19.

Trên cương vị Phó Chủ tịch nước, ông đã tham gia 5 hoạt động công khai, bao gồm 1 đối nội và 4 đối ngoại, thể hiện rõ vai trò và ảnh hưởng của mình.

Về đối nội, ông Vương Kỳ Sơn được xướng tên trong hoạt động "tết trồng cây" cùng 7 ủy viên Thường vụ Bộ chính trị khóa 19 ngày 2/4. Ngoài ra các quan chức khác là Ủy viên Bộ chính trị không có được vinh dự này.

Về đối ngoại, ngày 23/3 ông Vương Kỳ Sơn tiếp Ngoại trưởng Philippines; ngày 4/9 ông tiếp Thủ tướng Singapore;

Ngày 11/4 ông tiếp đoàn đại biểu các chính đảng của Anh;

"Bát vương gia" cũng đã cùng ông Tập Cận Bình tiếp, chiêu đãi vợ chồng ông Kim Jong-un trong chuyến thăm từ 25 đến 28/3.

Tập Cận Bình chào đón ông Kim Jong-un nhờ thúc đẩy của "Bát vương gia"? ảnh 4

Ông Vương Kỳ Sơn có thể khiến chúng ta phải "nhận thức lại" Trung Quốc

Đa Chiều cũng như VOA tin rằng, các chuyến thăm viếng cấp cao Trung - Nhật trong thời gian tới cũng do ông Vương Kỳ Sơn sắp xếp.

Tháng 5/2018 Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thăm Nhật Bản, sau đó Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ thăm Trung Quốc;

Tếp theo, ông Tập Cận Bình sẽ đi Tokyo.

Sự chủ động của Trung Quốc về đối ngoại trong việc cải thiện quan hệ với Triều Tiên, Nhật Bản được cho là ý tưởng và kết quả của sự thúc đẩy của "Bát vương gia" Vương Kỳ Sơn.

Tuy nhiên chúng tôi cho rằng, cũng không thể phủ nhận sự chủ động và dàn xếp bàn cờ Đông Bắc Á một cách có chủ ý và hiệu quả của ông Kim Jong-un;

Cũng như không thể xem nhẹ sự chủ động để tránh bị "bỏ rơi" của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trước các diễn biến quá nhanh chóng của cục diện khu vực Đông Bắc Á.

Những diễn biến mới nhất trên bán đảo Triều Tiên và phản ứng, điều chỉnh sách lược của Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng cho thấy, cơ cấu quyền lực tại Trung Nam Hải và cách hoạch định, vận hành chính sách tại Nhà Trắng đã có nhiều thay đổi.

Do đó, chúng tôi thiết nghĩ các quốc gia liên quan cũng nên có những nghiên cứu, tìm hiểu những thay đổi này để có cách tiếp cận hiệu quả hơn trong việc giao lưu hợp tác, cũng như xử lý các tranh chấp, bất đồng với 2 siêu cường này.

Ông Kim Jong-un đã thấy rõ sự thay đổi này và đang tiếp cận khá thành công cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc.

Nguồn:

[1]http://news.dwnews.com/global/news/2018-04-18/60052722.html

[2]https://www.wsj.com/articles/official-accounts-diverge-about-kim-jong-uns-visit-to-china-1522247427

Hồng Thủy