Tàu Liêu Ninh không đe được Mỹ nhưng có thể uy hiếp Việt Nam, Philippines

19/03/2016 08:33
Đông Bình
(GDVN) - Tàu sân bay Liêu Ninh cùng các lực lượng hộ tống của nó giúp Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát trên không, tạo ra mối đe dọa ngày càng lớn cho Việt Nam...

Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 19/3 dẫn nguồn The National Interest Mỹ gần đây cho rằng, một báo cáo quốc phòng của Mỹ viết: “Nhiều nguồn tin giấu tên trong cấp cao Hải quân Mỹ tiết lộ, Mỹ hoàn toàn không lo ngại tàu sân bay mới Liêu Ninh của Trung Quốc tiến ra Thái Bình Dương sẽ tạo ra mối đe dọa trực tiếp gì”.

Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc
Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc

Hiện nay, tàu sân bay Liêu Ninh là tàu sân bay duy nhất của Hải quân Trung Quốc, họ coi con tàu này là một niềm tự hào dân tộc. Nhưng Quân đội Mỹ đã hoàn toàn coi thường, coi tàu sân bay chuyên dùng cho huấn luyện này của Bắc Kinh chỉ là một “đống phế liệu” chẳng có giá trị gì.

Trên thực tế, tàu sân bay Liêu Ninh được cải tạo từ tàu sân bay Varyag của Liên Xô. Đến năm 1998, Trung Quốc đã mua con tàu này từ Ukraine với giá cực rẻ.

Tàu sân bay Liêu Ninh có kích cỡ hơi nhỏ. So với các siêu tàu sân bay Mỹ như USS Nimitz, độ dài đường băng của tàu Liêu Ninh đã kém gần 100 thước Anh.

Ngoài ra, tàu Liêu Ninh cũng yếu kém trên các phương diện như trang bị điện tử tiên tiến và vũ khí trang bị. Vì vậy về tổng thể, tàu Liêu Ninh căn bản không thể so sánh với bất cứ cụm tàu sân bay tấn công nào của Mỹ khi chúng tuần tra ở biển Hoa Đông hoặc Biển Đông.

Hơn nữa, về chiến thuật hoặc ở các góc độ khác, tàu sân bay Liêu Ninh cũng không tạo ra mối đe dọa rõ rệt đối với bất cứ căn cứ tuyến đầu nào của Mỹ ở khu vực này.

Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc

Tuy nhiên, trong thời đại quy mô hạm đội Hải quân Mỹ nhanh chóng giảm đi này, tàu Liêu Ninh cùng các tàu hộ tống (tàu khu trục, tàu hộ vệ, tàu ngầm…) và liên đội đường không (máy bay chiến đấu J-15) của nó đã tạo ra mối đe dọa ngày càng lớn đối với rất nhiều nước láng giềng của Trung Quốc ở Biển Đông, nhất là Philippines và Việt Nam.

Điều nguy hiểm và khó đối phó hơn là, cùng với thực lực hải quân không ngừng mạnh lên và Bắc Kinh sử dụng lực lượng bán quân sự - Cảnh sát biển làm “vũ khí” để bành trướng trên Biển Đông hòng hiện thực hóa đường lưỡi bò.

Mấy năm gần đây, Bắc Kinh đã áp dụng một số chiến thuật, thúc đẩy bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo một cách bất hợp pháp, nhanh chóng và có quy mô lớn ở các thực thể này, biến một số thực thể thành những “tàu sân bay không chìm”.

Ở những thực thể này không chỉ có đường băng máy bay dài tới 10.000 thước Anh, mà còn có năng lực dẫn đường tên lửa cùng các thiết bị định vị thủy âm và thiết bị điện tử hàng không tiên tiến, có thể sử dụng để theo dõi tàu chiến và máy bay đối phương.

Điều này buộc Mỹ (có số lượng tàu chiến không đủ) tiến hành hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở khu vực này, nhưng hành động này của Mỹ vẫn tồn tại thách thức.

Trung Quốc đã biến đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành một tiền đồn quân sự, một "tàu sân bay không chìm" - đây là hành động bất hợp pháp.
Trung Quốc đã biến đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành một tiền đồn quân sự, một "tàu sân bay không chìm" - đây là hành động bất hợp pháp.

Nhà nghiên cứu Dean Cheng đến từ Quỹ Truyền thống Mỹ (Heritage Foundation) cho rằng: “Nhìn vào vị trí của Biển Đông, sân bay và không quân các nước, anh sẽ nhanh chóng hiểu rõ, Biển Đông rộng lớn cách đại lục (Trung Quốc) rất xa. Kết quả là, dù anh triển khai một tàu sân bay cỡ nhỏ ở Biển Đông, anh cũng có thể xây dựng một thứ như hệ thống phòng không.

Từ các cuộc chiến tranh trong 20 năm qua như “Lá chắn sa mạc”, “Bão táp sa mạc”, chiến tranh Balkan và chiến tranh Afghanistan, một bài học cho người Trung Quốc chính là, quyền kiểm soát trên không rất quan trọng đối với giành chiến thắng trong chiến tranh hiện đại.

Có được quyền kiểm soát trên không, anh cũng có thể đánh không thắng chiến tranh. Nhưng không có quyền kiểm soát trên không, anh chắc chắn sẽ bị thua.

Vì vậy, khả năng triển khai tàu sân bay là một ưu thế to lớn, cho dù chỉ triển khai 3 – 4 máy bay chiến đấu hiện đại ở trên không. Bởi vì ở khu vực này, người khác thực sự không thể triển khai liên tục máy bay chiến đấu ở trên không” – Dean Cheng dự đoán.

The National Interest cho rằng, nói đến giá trị chiến lược lớn hơn của tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc hiện đang tính toán lâu dài; còn Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ chỉ quan tâm đến việc trước mắt. Trung Quốc sẽ để mắt đến toàn bộ thế kỷ 21.

Lầu Năm Góc hầu như không thể hiểu một sự thực này: Tàu sân bay Liêu Ninh hiện đã tạo ra mối đe dọa đối với Philippines hoặc Việt Nam, nó cũng sẽ tạo ra mối đe dọa đối với sự hiện diện của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Dưới góc độ này, tàu Liêu Ninh không thể đơn giản gọi là “tàu sân bay kiểu huấn luyện”, mà phải gọi là bước đi đầu tiên trong xây dựng hạm đội tàu sân bay của Trung Quốc.

Trong khi đó, hạm đội tàu sân bay của nước này sẽ không ngừng tạo ra mối đe dọa từ vịnh Péc-xích và Ấn Độ Dương đến Biển Đông, biển Hoa Đông, chuỗi đảo thứ hai và vùng biển Thái Bình Dương.

Như vậy, báo Mỹ khẳng định, chỉ riêng tàu sân bay Liêu Ninh sẽ không đáng ngại, nhưng khi nó hoạt động theo hình thức hạm đội, có sự hộ tống của nhiều tàu chiến khác và chở theo các loại máy bay quân sự thì nó đã trở thành một mối đe dọa lớn hơn và mối đe dọa này đang trở thành hiện thực. 

Đông Bình