Tàu chiến TQ kéo ra bãi James, tiếng chuông cảnh tỉnh Malaysia, Brunei

09/04/2013 08:24
Hồng Thủy (nguồn: SCMP)
(GDVN) - Trung Quốc sẽ tiếp tục có rất nhiều cớ để "tranh thủ thời gian", mặc dù những (leo thang) khẳng định về cái gọi là "chủ quyền" ở Biển Đông, từ quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam), bãi cạn Scarborough và bây giờ kéo xuống tận cực nam quần đảo Trường Sa - bãi cạn James, Bắc Kinh chỉ mất rất ít thời gian.
Tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn, hạm đội Nam Hải - Trung Quốc tập trận (trái phép) trên Biển Đông, Trường Sa
Tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn, hạm đội Nam Hải - Trung Quốc tập trận (trái phép) trên Biển Đông, Trường Sa
Tờ Bưu điện Hoa Nam ngày 9/4 xuất bản tại Hồng Kông đăng bài phân tích của học giả Greg Torode nhận định, trong thời gian qua với việc sở hữu tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn, Bắc Kinh đã trở nên "không e ngại" trong việc tăng cường cái gọi là "chủ quyền" của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên Biển Đông, một "đấu trường nguy hiểm" được che phủ bởi các tranh cãi ngoại giao và động thái quân sự, một số sự kiện sẽ cho người ta thấy rõ hơn (thực trạng vấn đề tranh chấp Biển Đông) hơn những sự kiện khác. Việc hải quân Trung Quốc triển khai 4 tàu chiến và lực lượng thủy quân lục chiến, đặc nhiệm đổ bộ trang bị đầy đủ tới bãi cát ngầm James ở cực nam quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, hiện 5 nước, 6 bên cùng tuyên bố chủ quyền - PV)  sẽ là một trong những động thái sẽ không dễ quên. Bãi James cũng được Malaysia tuyên bố chủ quyền và chỉ cách bờ biển nước này 80 km, nằm ở cực nam quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc nhận "chủ quyền" và đặt tên là bãi Tăng Mẫu. Quần đảo Trường Sa có thể được xem như tâm điểm tranh chấp đã tạo ảnh hưởng tầm quốc tế.
Tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn kéo ra bãi James, tổ chức chào cờ trái phép
Tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn kéo ra bãi James, tổ chức chào cờ trái phép
Trong nhiều năm qua, Philippines và Việt Nam đã bày tỏ sự thất vọng khi chỉ có 2 nước liên tục đi đầu trong việc đối phó với tham vọng của Trung Quốc muốn nuốt trọn Biển Đông với đường lưỡi bò 9 đoạn trong khi Malaysia và Brunei cũng tuyên bố "chủ quyền" trên Biển Đông nhưng hầu như hoàn toàn im lặng, học giả Ian Storey nhận xét.
Tuy nhiên sự xuất hiện của tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn dài 200 mét của Trung Quốc ở bãi James vừa qua, một động thái chưa từng có về quy mô, mức độ đã thu hút Malaysia chú ý trở lại vấn đề Biển Đông, dù nước này có muốn hay không. Đó là một lời nhắc nhở "ít tinh tế" từ Bắc Kinh, rằng sự dè dặt trong ngoại giao không thể cưỡng lại được "bị lôi vào việc củng cố tuyên bố chủ quyền". Các quan chức Brunei hầu như không biết gì về sự hiện diện của tàu chiến và lính Trung Quốc (ở bãi James) cho đến khi Tân Hoa Xã đưa tin. Trong khi đó các quan chức ngoại giao và hải quân Malaysia cho hay họ không nhận được bất kỳ báo cáo nào về dấu hiệu hoạt động của tàu Trung Quốc trong vùng biển của mình. Phản ứng của Brunei và Malaysia cần đặt ra câu hỏi nhiều hơn là đưa ra câu trả lời. Có thể khó khăn đối với hai quốc gia này để chính thức phản đối "một cái gì đó mà bạn không nhìn thấy", trong khi một số học giả trong khu vực nhận định rằng, Malaysia có nhiều vấn đề cấp bách trong nước cần phải đối phó (hơn vấn đề Biển Đông).
Tàu đổ bộ Trung Quốc Tỉnh Cương Sơn diễn tập đổ bộ chiếm "đảo D" trên Biển Đông
Tàu đổ bộ Trung Quốc Tỉnh Cương Sơn diễn tập đổ bộ chiếm "đảo D" trên Biển Đông
Sự "thiếu hiểu biết" của Malaysia và Brunei được xem như một lời nhắc nhở rằng Trung Quốc rõ ràng đã không thông báo về hoạt động quân sự của mình trong vùng biển tranh chấp theo tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) được ký giữa 10 nước ASEAN và Trung Quốc năm 2002.
Tuyên bố này, bao gồm kết hợp giữa việc cấm các hành động làm phức tạp tình hình với các biện pháp tăng cường xây dựng lòng tin giữa các bên tranh chấp vốn chưa bao giờ được thực hiện một cách hiệu quả trong khi các nỗ lực xây dựng một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông có tính ràng buộc hơn (COC) hiện đang gặp rất nhiều rắc rối nếu không muốn nói là đã hoàn toàn thất bại. Một hội nghị Bộ trưởng ASEAN sẽ được tổ chức tại Brunei trong tuần này dự kiến sẽ  không có bất kỳ đột phá nào (về vấn đề Biển Đông), Bưu điện Hoa Nam nhận định. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục có rất nhiều cớ để "tranh thủ thời gian", mặc dù những (leo thang) khẳng định về cái gọi là "chủ quyền" ở Biển Đông, từ quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam), bãi cạn Scarborough và bây giờ kéo xuống tận cực nam quần đảo Trường Sa - bãi cạn James, Bắc Kinh chỉ mất rất ít thời gian.

Hồng Thủy (nguồn: SCMP)