"Tên lửa Trung Quốc đặt trái phép ở Trường Sa là mối đe dọa tấn công rõ ràng"

04/05/2018 09:25
Hồng Thủy
(GDVN) - Ông Poling nhận định, sớm muộn Trung Quốc cũng sẽ triển khai (bất hợp pháp) chiến đấu cơ xuống Trường Sa. Họ đã vượt qua một ngưỡng giới hạn quan trọng.

CNN ngày 3/5 đưa tin, Nhà Trắng hôm thứ Năm đã cảnh báo Bắc Kinh rằng, việc Trung Quốc ngày càng quân sự hóa Biển Đông sẽ có hậu quả nghiêm trọng.

Tình báo Hoa Kỳ đánh giá, có xác suất cao quân đội Trung Quốc đã triển khai tên lửa hành trình chống hạm YJ-12 và tên lửa phòng không HQ-9 trên 3 đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) ở Trường Sa.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders đã lên tiếng khi trả lời một câu hỏi về báo cáo của CNBC, rằng:

"Chúng tôi biết rõ về việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Việc này sẽ có hậu quả lâu dài và chúng tôi sẽ cập nhật tình hình đến các bạn."

Tên lửa YJ-12 được sử dụng trong một lần Trung Quốc tập trận. Ảnh minh họa: Navy Recognition.
Tên lửa YJ-12 được sử dụng trong một lần Trung Quốc tập trận. Ảnh minh họa: Navy Recognition.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói trong cuộc họp báo cùng ngày 3/5:

"Các mục tiêu triển khai không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào. Miễn là không có ý định xâm lấn, không nước nào phải băn khoăn, lo lắng về điều này.

Chúng tôi hy vọng các bên liên quan có thể xem xét vấn đề này một cách khách quan và bình tĩnh."

Một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ giấu tên nói với CNN:

"Từ lâu Mỹ đã nêu lên những lo ngại về việc quân sự hóa các tiền đồn trên những cấu trúc địa lý tranh chấp ở Biển Đông.

Lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết công khai rằng họ sẽ không quân sự hóa quần đảo Trường Sa (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp. Chúng tôi lo ngại rằng, Trung Quốc đã không thực hiện cam kết này.

Trung Quốc và các bên yêu sách khác phải chấm dứt các hoạt động không phù hợp với cam kết của mình theo Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông năm 2002 để hạn chế các hành động làm phức tạp tình hình, leo thang tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định."

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Collin Koh từ Chương trình An ninh hàng hải của Viện Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam nói với CNN:

"Chúng ta không có cách nào để đảo ngược tất cả các diễn biến mới đang diễn ra này, nó sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc.

Họ sẽ quyết định liệu có triển khai các hệ thống này hay rút chúng, tất cả những gì chúng ta có thể làm là quản lý hiện trạng đó."

Tên lửa phòng không HQ-9, Trung Quốc, ảnh minh họa: Navy Recognition.
Tên lửa phòng không HQ-9, Trung Quốc, ảnh minh họa: Navy Recognition.

Theo ông Collin Koh, cài đặt các hệ thống tên lửa (bất hợp pháp) ở Trường Sa sẽ cho phép Trung Quốc hình thành một chiếc ô quân sự đa tầng ở Biển Đông với các hệ thống cảm biến và vũ khí đồng bộ.

Tiến sĩ Boonie Glaser từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế, Washington, bình luận:

"Đây chính là điều chúng tôi dự đoán Trung Quốc sẽ làm.

Tiếp theo, chúng ta sẽ thấy máy bay chiến đấu Trung Quốc có thể triển khai, sau đó họ sẽ bắt đầu các hoạt động huấn luyện quân sự gần các đảo nhân tạo.

Tôi nghĩ, Bắc Kinh tin rằng các bên liên quan, kể cả các nước có yêu sách, sẽ phải hiểu điều này là 'không thể tránh khỏi'.

Trung Quốc tin rằng họ có thể thành công, và họ có thể tính toán một cách chính xác. 

Một câu hỏi lớn đặt ra là, chúng đã áp đặt cái giá phải trả đến mức nào mới đủ lớn để ngăn chặn những gì Trung Quốc đang làm và không tiến xa hơn?

Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa thành công trong việc này." [1]

CNBC ngày 3/5 dẫn lời Giám đốc Nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Vì lợi ích quốc gia, ông Harry Kazianis bình luận:

"Vấn đề nan giải nhất là Bắc Kinh có thể triển khai nhiều tên lửa hơn so với các nền tảng phòng thủ tiên tiến của hải quân Hoa Kỳ.

Cuối cùng, đối với Bắc Kinh, phép tính toán học đơn giản có thể giúp họ giành được ưu thế quân sự ngắn hạn và đẩy các rắc rối sang cho hải quân Mỹ."

Ông Gregory Poling từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế, Washington thì nhận định:

Sớm muộn Trung Quốc cũng sẽ triển khai (bất hợp pháp) các máy bay chiến đấu xuống Trường Sa.

Điều này nên được coi là Trung Quốc đã vượt qua một ngưỡng giới hạn quan trọng. Các hệ thống tên lửa được cài đặt thể hiện một mối đe dọa tấn công rõ ràng. [2]

Nguồn:

[1]https://edition.cnn.com/2018/05/03/asia/south-china-sea-missiles-spratly-intl/index.html

[2]https://www.cnbc.com/2018/05/03/white-house-china-faces-consequences-for-militarization-of-south-china-sea.html

Hồng Thủy