Thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine chỉ tồn tại trên danh nghĩa

06/10/2014 07:20
Nguyễn Hường
(GDVN) - "Xã hội muốn thấy sự kết thúc chiến tranh. Các chính trị gia đang cố gắng để đáp ứng những yêu cầu này, và sẽ tiếp tục nói về nó ngay cả khi không tồn tại".

Đã một tháng trôi qua kể từ khi chính quyền Ukraine và lực lượng ly khai ký kết thỏa thuận ngừng bắn do Nga hậu thuẫn, những cuộc giao tranh vẫn liên tiếp làm rung chuyển Donetsk.

Mặc dù vẫn còn hiệu lực, nhưng lệnh ngừng bắn được xem là chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Cuộc xung đột 6 tháng qua ở Ukraine trên thực tế vẫn tiếp diễn.

Giao tranh gần sân bay Donetsk. Ảnh RIA Novosti.
Giao tranh gần sân bay Donetsk. Ảnh RIA Novosti.

Thỏa thuận bao gồm cam kết quân đội Ukraine phải rút ra ngoài vòng đệm 30 km giữa hai lực lượng. Nhưng chính quyền Kiev tuyên bố sẽ không rút lui cho đến khi lực lượng ly khai ngừng bắn vào các vị trí của họ, bao gồm sân bay Donetsk.

Ngày 5/10, phát ngôn viên quân đội Ukraine Volodymyr Polyovy đã cáo buộc lực lượng ly khai hai lần tấn công sân bay với sự hỗ trợ của xe tăng trong vòng 24 giờ trước đó, nhưng đã bị đẩy lui.

Ít nhất 80 người, gồm các binh sĩ Ukraine và dân thường, đã thiệt mạng kể từ sau khi thỏa thuận ngừng bắn ngày 5/9 có hiệu lực. Hàng chục tay súng ly khai được cho là đã thương vong. 

Trong tuyên bố trên trang web chính thức, lực lượng ly khai Donetsk đã thống kê các thiệt hại cho thành phố trong những ngày qua và kết luận: "Thỏa thuận ngừng bắn còn tệ hơn cả xung đột".

Binh lính Nga và Ukraine đã phối hợp với Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) thành lập một nhóm giám sát để giám sát thỏa thuận ngừng bắn với hy vọng có thể cứu lấy hòa bình. 

Pháp và Đức cũng sẽ điều máy bay "trong những ngày tới" để giám sát thỏa thuận ngừng bắn, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết hôm 5/10.

Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng lệnh ngừng bắn tồn tại trên danh nghĩa này thực tế chỉ đem lại lợi ích cho chính trị cho Kiev và phương Tây.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko muốn tạo ra ấn tượng về hòa bình trước các cuộc thăm dò Quốc hội  vào ngày 26 tháng 10 để thu hút được nhiều người tham gia.

"Xã hội muốn thấy sự kết thúc chiến tranh. Các chính trị gia đang cố gắng để đáp ứng những yêu cầu này, và sẽ tiếp tục nói về thỏa thuận ngừng bắn ngay cả khi nó không tồn tại", nhà phân tích chính trị Taras Berezovets nói với AFP.

Các nước Liên minh châu Âu cũng muốn bám víu vào một thỏa thuận ngừng bắn dù kém hiệu quả chứ không muốn phải làm sâu sắc thêm bế tắc với Nga - nguồn cung cấp khí hàng đầu của họ - khi mùa đông đang đến gần./.

Nguyễn Hường