Thủ tướng Nhật Bản tận dụng mọi cơ hội, mọi diễn đàn để nói chuyện Biển Đông

01/12/2015 06:56
Hồng Thủy
(GDVN) - Tân Hoa Xã càng chứng minh, Trung Quốc càng mất mặt, bởi lẽ Nhật Bản không phải một bên có yêu sách ở Biển Đông mà còn phải lên tiếng mạnh mẽ.

Tân Hoa Xã ngày 30/11 đưa tin, khoảng 2 tuần gần đây Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bận rộn liên tục. Hết tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Thổ Nhĩ Kỳ lại về Philippines dự hội nghị APEC, sau đó qua Malaysia dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á cho đến hội nghị thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu tại Paris. Không những bận rộn dự hội nghị quốc tế, Thủ tướng Nhật còn tranh thủ tiến hành các hoạt động ngoại giao song phương với lãnh đạo gần 20 nước.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ảnh: AP.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ảnh: AP.

Mặc dù đối tượng hội đàm khá nhiều, nhưng trọng điểm nói chuyện của Thủ tướng Shinzo Abe không thay đổi, cơ bản là đi đến đâu và gặp ai ông cũng nói chuyện Biển Đông với hy vọng, mong muốn các nước quan tâm ủng hộ và tham dự sâu hơn vào vấn đề Biển Đông. Tân Hoa Xã cho rằng kêu gọi của ông Shinzo Abe không nhận được bao nhiêu hưởng ứng.

Tuy nhiên đây chỉ là chiêu trò tuyên truyền một chiều, lấp liếm của Tân Hoa Xã nhằm đánh lạc hướng dư luận xã hội Trung Quốc về những gì đang xảy ra ra trên Biển Đông cũng như mối lo ngại của khu vực và cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản.

Trên thực tế, Biển Đông đang ngày càng căng thẳng và tiềm ẩn nguy cơ va chạm, thậm chí xung đột đối đầu vì hành vi leo thang phá vỡ hiện trạng, bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành bất hợp pháp khiến dư luận khu vực, quốc tế đặc biệt lo ngại.

Ý thức được điều này, Trung Quốc tìm mọi cách vận động hành lang cũng như đi sau hậu trường nhằm can thiệp vào chương trình nghị sự của các hội nghị quốc tế và khu vực, nhằm tìm cách gạt bỏ Biển Đông khỏi mối quan tâm của các nhà lãnh đạo thế giới.

Tuy nhiên những nỗ lực này của Bắc Kinh đã thất bại ngay trên chính những diễn đàn ngoại giao mà Tân Hoa Xã vừa nêu.

Không riêng Thủ tướng Shinzo Abe, mà ngay cả Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và lãnh đạo nhiều nước, bao gồm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu bật mối lo ngại về hiện trạng bồi lấp và xu hướng quân sự hóa trên Biển Đông. Theo Yomiuri Shimbun ngày 23/11, chỉ có lãnh đạo 3 trong số 18 quốc gia tham dự là không nói gì về Biển Đông tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á, bao gồm Lào, Campuchia và Nga.

Ngay cả việc ra tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Trung Quốc đã phải tranh cãi kịch liệt với Hoa Kỳ về nội dung liên quan đến hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa bất hợp pháp đảo nhân tạo ở Biển Đông, một câu chuyện không mới nhưng ngày càng trở nên gay gắt hơn.

Tân Hoa Xã liệt kê một loạt hoạt động đối ngoại của Thủ tướng Shinzo Abe trong đó ông đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận để cố chứng minh rằng ông đã thất bại. Nhưng Tân Hoa Xã càng chứng minh, Trung Quốc càng mất mặt, bởi lẽ Nhật Bản không phải một bên có yêu sách ở Biển Đông mà còn phải lên tiếng mạnh mẽ như thế, đủ thấy mức độ nguy hiểm trong các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đáng báo động đến mức nào.

Hồng Thủy