Thượng viện Mỹ ủng hộ Nhật Bản trong tranh chấp lãnh hải với TQ

01/12/2012 19:40
Nguyễn Hường (nguồn AFP)
(GDVN) - Nội dung sửa đổi cho biết, Mỹ "thừa nhận quyền cai quản quần đảo Senkaku của Nhật Bản" và "hành động đơn phương của một bên thứ 3 sẽ không ảnh hưởng tới Mỹ trong việc công nhận chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku".

Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua một sửa đổi lần nữa khẳng định lại cam kết của Mỹ với Nhật Bản trong tranh chấp lãnh hải trên biển Hoa Đông với Trung Quốc.
Quần đảo Senkaku.
Quần đảo Senkaku.

Sửa đổi trên được thông qua trong phiên tranh luận về mức chi tiêu tài chính quốc phòng năm 2013 tại Thượng viện ngày 29/11. Thượng nghị sĩ Jim Webb của Virginia, James Inhofe của Oklahoma, Joe Lieberman của Connecticut và John McCain của Arizona đều bày tỏ sự ủng hộ đối với biện pháp trên
Nội dung sửa đổi cho biết, Mỹ "thừa nhận quyền cai quản quần đảo Senkaku của Nhật Bản" và "hành động đơn phương của một bên thứ 3 sẽ không ảnh hưởng tới Mỹ trong việc công nhận chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku".
Bản sửa đổi đã tái khẳng định cam kết của Mỹ với Nhật Bản theo Hiệp ước An ninh và Hợp tác tương hỗ Mỹ - Nhật Bản và được coi như một lời cảnh báo rằng một cuộc tấn công vũ trang chống lại một trong hai thành viên của Hiệp ước tại vùng lãnh thổ nằm dưới sự quản lý của Nhật Bản "sẽ được đáp lại theo đúng quy định".
Bản sửa đổi cũng lưu ý rằng Mỹ phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm cưỡng chế, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc dùng vũ lực để giải quyết các vấn đề lãnh thổ.
Thượng viện Mỹ tái khảng định lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải hòa bình, ổn định và tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mại hợp pháp trong khu vực trong bản sửa đổi. 
"Bản sửa đổi là một tuyên bố mạnh mẽ hỗ trợ đồng minh quan trọng tại Châu Á - Thái Bình Dương" - Thượng nghị sĩ Webb cho biết. "Nó khẳng định dứt khoát rằng Mỹ thừa nhận chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku và rằng điều này sẽ không thay đổi dù có xảy ra các mối đe dọa, ép buộc hoặc hành động quân sự".
Tranh cãi chủ quyền xung quanh quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư đã kéo dài trong nhiều thập kỷ, nhưng một lần nữa lại bùng lên căng thẳng trong năm nay khi chính phủ Tokyo quyết định quốc hữu hóa chúng.
Nguyễn Hường (nguồn AFP)