Thượng viện Úc nghi ngờ ý đồ của Bắc Kinh ở Biển Đông

02/06/2015 08:42
Nguyễn Hường
(GDVN) - Các hoạt động bồi lấp trái phép nhanh chóng của Trung Quốc ở Biển Đông là hành động chưa từng thấy và đặt ra những câu hỏi chính đáng về ý đồ của Bắc Kinh.

Tờ Guardian ngày 1/6 dẫn lời Thư ký Bộ Quốc phòng Úc Dennis Richardson cho biết, các hoạt động bồi lấp trái phép nhanh chóng của Trung Quốc ở Biển Đông là hành động chưa từng thấy và đặt ra những câu hỏi chính đáng về ý đồ của Bắc Kinh trong khu vực.

Thượng viện Úc nghi ngờ ý đồ của Bắc Kinh ở Biển Đông  ảnh 1

Các hoạt động cải tạo đất bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông trong hai năm gần đây có quy mô và tốc độ chưa từng thấy.

Phát biểu trong một phiên họp của Thượng viện hôm 1/6, ông Richardson cho rằng việc Trung Quốc quân sự hóa các chương trình cải tạo bãi đá và rạn san hô (bất hợp pháp) ở Biển Đông đã vượt xa các nước khác trong khu vực.

"Các hoạt động bồi lấp của Trung Quốc ở Biển Đông trong hai năm gần đây có quy mô và tốc độ chưa từng thấy. Nó vượt xa những gì các quốc gia khác đã làm. Quy mô của hoạt động đã đặt ra những nghi vấn về mục đích của nó", ông Richardson nói.

Trung Quốc cũng đã bắt đầu triển khai hiện diện quân sự trên các đảo nhân tạo mà họ xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông, trong đó một số đảo nằm ở phía bắc Brunei và hàng lang di chuyển của Hải quân Úc.

Các quan chức khác cũng đã nêu ra những lo ngại về các hoạt động gia tăng căng thẳng của Bắc Kinh trong Biển Đông và kêu gọi chính phủ phải thận trọng trước bối cảnh hiện nay.

Thượng nghị sĩ Tanya Plibersek nói với đài phát thanh ABC rằng: "Australia và các nước láng giềng châu Á của mình cũng như những quốc gia khác trong khu vực có một kỳ vọng là có thể di chuyển tự do trong Biển Đông ở cả hiện tại và tương lai".

Bà kêu gọi chính phủ có cách tiếp cận khéo léo với chương trình khai hoang (vô lý và trái phép) của Bắc Kinh nhằm đảm bảo quyền đi lại tự do trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews trước đó đã lên tiếng phản đối mọi động thái của Trung Quốc nhằm quân sự hóa các đảo xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Andrews không chỉ bày tỏ quan ngại về các hoạt động gây căng thẳng của Bắc Kinh ở Biển Đông mà còn lên tiếng phản đối mọi hành động "đơn phương hoặc bạo lực nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông", bao gồm cả quy mô xây đảo nhân tạo của Bắc Kinh. 

Trong cuộc họp tại Thượng viện ngày 1/6, lãnh đạo phe đối lập Bill Shorten cũng đã lặp lại lời kêu gọi của Bộ trưởng Quốc phòng về hợp tác đa phương nhằm ngăn chặn hoạt động bồi lấp của Bắc Kinh ở Biển Đông và kiềm chế các hành động khiêu khích để tránh nguy cơ xảy ra xung đột.

"Con đường duy nhất để thoát ra khỏi tất cả những vấn đề hiện nay... là thông qua đàm phán quốc tế. Không có con đường nào khác có thể đem lại hòa bình lâu dài hơn", ông Shorten cho biết.

Thượng viện Úc cùng ngày đã yêu cầu các đảng trình báo cáo về tình hình hiện nay ở Biển Đông./.

Nguyễn Hường