Tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bây giờ ra sao?

22/12/2018 07:02
Thanh Bình
(GDVN) - Nhiều yếu tố trong chiến lược gây sức ép này vẫn tồn tại trên lý thuyết nhưng chiến dịch gây sức ép tối đa chống lại Triều Tiên đã và đang mất dần đà thúc đẩy.

Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) vừa có bài viết rất đáng chú ý, trong đó lần đầu giải thích “phi hạt nhân”. 

Theo KCNA, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là việc chung và không thể đạt được nếu Mỹ và Hàn Quốc không cùng cố gắng.

Cuộc chạy đua ngoại giao nước rút hướng tới phi hạt nhân hóa Triều Tiên đã chậm lại với nhiều sức ì.

Đầu tháng trước, Triều Tiên đã bất ngờ hủy bỏ các cuộc đàm phán với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, với các nguồn tin cho biết Bình Nhưỡng tiếp tục tăng cường năng lực hạt nhân và tên lửa của mình.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong cuộc gặp tại Singapore ngày 12/6/2018, ảnh: AP.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong cuộc gặp tại Singapore ngày 12/6/2018, ảnh: AP.

Chiến lược “sức ép tối đa” của Washington đối với Bình Nhưỡng

Chiến lược “sức ép tối đa” của chính quyền Trump đối với Triều Tiên được xây dựng dựa trên 03 trụ cột, kể từ đầu năm 2018 đã có hiệu quả trong việc gây sức ép lên Bình Nhưỡng. 

Đầu tiên là một loạt nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong năm 2017 cấm các mặt hàng xuất khẩu sinh lợi nhiều nhất của Triều Tiên, trong đó có than đá, quặng sắt, hải sản và hàng dệt may. 

Điều này có nghĩa là khoảng 90% hàng xuất khẩu của Triều Tiên, vốn mang lại cho nước này khoảng 2,7 tỷ USD đều là bất hợp pháp.

Đồng thời, các nghị quyết này cũng cắt giảm dầu mỏ, mặt hàng nhập khẩu quan trọng nhất của Triều Tiên. 

Lần đầu tiên, các cường quốc thế giới, trong đó có cả Trung Quốc đã nhất trí gây áp lực đối với những điều quan trọng nhất đối với Triều Tiên: doanh thu và dầu mỏ.

Trụ cột thứ hai là Mỹ đã tiến hành các nỗ lực ngoại giao chuyên sâu để khuyến khích các nước thắt chặt kiểm soát đối với hoạt động "bất hợp pháp" của Triều Tiên. 

Washington sẵn sàng mạo hiểm các chính sách khác để phục vụ cho chiến lược này. Ví dụ, Mỹ đã rút lại viện trợ quân sự cho Ai Cập trong năm 2017 một phần là vì nước này tiếp tục quan hệ với Triều Tiên. [1]

Chiến lược ngoại giao này đã sớm có hiệu quả. Tháng 9/2017, hơn 20 quốc gia đã hạn chế các hoạt động ngoại giao với Triều Tiên, vốn bị Bình Nhưỡng sử dụng để né tránh các biện pháp trừng phạt đối với nước này.

Tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bây giờ ra sao? ảnh 2Kim Jong-un vật lộn với nền kinh tế, vòng kim cô Donald Trump phát huy sức mạnh

Trụ cột thứ ba, Mỹ cũng mở rộng các nỗ lực trừng phạt của mình nhắm vào Bình Nhưỡng. 

Hành động này bao gồm gia tăng đáng kể số lượng và phạm vi của các biện pháp trừng phạt và thực hiện một sắc lệnh hành pháp mới để dễ dàng truy ra các bên thứ ba như ngân hàng và doanh nghiệp đang hỗ trợ cho các thực thể Triều Tiên.

Những biện pháp này không chỉ chặn quyền tiếp cận tới hệ thống tài chính của Mỹ mà còn giúp thu hút sự chú ý tới các "hành vi gây rối" của Triều Tiên, chẳng hạn như nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm che dấu nguồn gốc xuất xứ của các tàu và hàng hóa "bất hợp pháp" của họ. 

Cách tiếp cận của Mỹ trong việc chống lại những nỗ lực của Triều Tiên nhằm mua lậu nhiên liệu thông qua chuyển giao hàng hóa giữa các tàu mang tính chỉ dẫn cao. 

Thông qua việc kết hợp các lệnh cấm của Liên Hợp Quốc về giao dịch trên biển, các nỗ lực tình báo và ngoại giao vạch trần chiến thuật của Triều Tiên và gây sức ép cho Bình Nhưỡng. [2]

Bước chuyển biến đột ngột

Chiến lược gây sức ép tối đa có lẽ đã không thể buộc Triều Tiên từ bỏ toàn bộ chương trình vũ khí hạt nhân của họ, nhưng đó là cơ hội tốt để mang lại lợi ích cho Mỹ lợi thế đòn bẩy nhằm đảm bảo cắt giảm và hạn chế có ý nghĩa từ phía Bình Nhưỡng.

Thông báo bất ngờ của Tổng thống Donald Trump vào tháng 3/2018 về việc chấp nhận lời mời gặp của Chủ tịch Kim Jong-un đã mở van xả ngoại giao trong chiến dịch gây sức ép. 

Như thể gạt một chiếc công tắc, Tổng thống Donald Trump đã chuyển từ đe dọa và chỉ trích cá nhân Chủ tịch Kim Jong-un sang ca ngợi ông là một nhà lãnh đạo “rất chính trực”. [3]

Nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un thị sát vật thể được cho là đầu đạn tên lửa (Ảnh: Reuters).
Nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un thị sát vật thể được cho là đầu đạn tên lửa (Ảnh: Reuters).

Thực tế, nhiều yếu tố trong chiến lược gây sức ép này vẫn tồn tại trên lý thuyết nhưng chiến dịch gây sức ép tối đa chống lại Triều Tiên đã và đang mất dần đà thúc đẩy từ đầu năm cho đến giữa năm 2018. 

Theo các chuyên gia, có 03 diễn biến đang làm xói mòn việc thực thi chiến dịch này có hiệu quả.

Thứ nhất, các đối tác chủ chốt Trung Quốc và Hàn Quốc, đang nới lỏng sức ép và rất khó có thể tham gia trở lại một chiến lược hung hăng của Mỹ.

Trung Quốc được cho đã lơ là trong việc thực thi các biện pháp trừng phạt, trong đó bao gồm nới lỏng việc kiểm tra hàng hóa vận chuyển dọc biên giới Trung-Triều. 

Đồng thời, cả Trung Quốc và Nga đang gia tăng kêu gọi giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt để hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao. [4]

Quan hệ giữa 2 nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tập Cận Bình đã khôi phục kể từ năm 2017 và căng thẳng kinh tế-chính trị ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc càng không tạo cho Bắc Kinh lý do để hợp tác.

Thứ hai, chính là sự chuyển biến đáng kể từ phía Hàn Quốc, nơi Tổng thống Moon Jae-in dường như muốn chủ động hòa giải với Bình Nhưỡng và không sẵn lòng để cho mục tiêu phi hạt nhân hóa của Washington chi phối nhịp độ của các nỗ lực xây dựng hòa bình trên bán đảo liên Triều. 

Tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bây giờ ra sao? ảnh 4Bình Nhưỡng muốn kết thúc Chiến tranh Triều Tiên trước khi phi hạt nhân hóa

Điều này đang tạo ra căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Hàn Quốc. [5]

Do đó, sự hợp tác giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, điều từng là chìa khóa dẫn đến thành công của Mỹ trong năm 2017, giờ đây đã biến thành một điểm yếu. 

Quyết định đột ngột gia tăng sức ép của Mỹ sẽ đi ngược lại xu hướng chính trị trong khu vực và không có khả năng thành công.

Thứ ba, đó chính là việc ông Donald Trump bênh vực Kim Jong-un, trong đó có tuyên bố chính thức rằng ông không còn muốn sử dụng thuật ngữ “gia tăng sức ép tối đa” nữa vì Mỹ và Triều Tiên đang trở nên “hòa hợp”. 

Điều này mang lại cho các quốc gia khác một lá chắn để từ chối hoặc phớt lờ những lời cầu khẩn của Mỹ về việc thực thi các biện pháp trừng phạt và đang bị Triều Tiên lợi dụng để tránh thực hiện các bước đi hướng tới phi hạt nhân hóa. [6]

Sự thay đổi cách tiếp cận của Trump cũng đã ảnh hưởng tới chính sách gây sức ép của Mỹ: số kế hoạch trừng phạt mới của Mỹ đã giảm đáng kể, khoảng 85%, kể từ sau khi Trump quyết định gặp Kim Jong-un vào tháng 3/2017.

Nếu các xu hướng hiện nay tiếp tục thì bất kỳ nỗ lực nào nhằm áp đặt trở lại sức ép tối đa cũng có thể không hiệu quả. 

Sự sụp đổ hoàn toàn của nỗ lực ngoại giao có thể có nguy cơ thu hẹp các lựa chọn chính sách của Mỹ và khiến xung đột quân sự dễ xảy ra hơn.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://petrotimes.vn/my-cat-vien-tro-cho-ai-cap-136273.html 

[2] https://www.foreignaffairs.com/articles/north-korea/2018-11-19/right-way-manage-nuclear-north-korea

[3] https://www.wsj.com/articles/trump-says-he-and-kim-jong-un-fell-in-love-1538336604

[4] https://www.theguardian.com/world/2018/sep/27/un-security-council-north-korea-sanctions-china-russia-pompeo

[5] https://www.cbsnews.com/news/south-korea-north-korea-sanctions-pressure-donald-trump-administration/

[6] https://www.foreignaffairs.com/articles/north-korea/2018-12-04/can-us-reinstate-maximum-pressure-north-korea

Thanh Bình