Tổng thống Zimbabwe Mnangagwa có vượt qua được thách thức trước bầu cử?

13/01/2018 13:29
PHẠM DOÃN TÌNH
(GDVN) - Tình trạng kinh tế kiệt quệ và sự tranh giành ảnh hưởng giữa các đảng đối lập với đảng cầm quyền Zanu-PF đặt ra vô vàn thách thức đối với Tổng thống Mnangagwa.

 Kể từ khi lên nắm quyền sau cuộc binh biến hồi tháng 11 năm ngoái, tân Tổng thống Emmerson Mnangagwa được kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo đất nước Zimbabwe vốn đang chìm trong khủng hoảng, đói nghèo dưới thời lãnh đạo của cựu Tổng thống Robert Mugabe.

Tuy nhiên, tân Tổng thống Mnangagwa đang phải chịu rất nhiều áp lực cùng những thách thức, khó khăn trên mọi lĩnh vực mà ông đang phải đối mặt.

Tiếp quản nền kinh tế kiệt quệ

Khi tiếp quản chức vụ Tổng thống Zimbabwe, ông Mnangagwa được “thừa hưởng” một nền kinh tế què quặt, ốm yếu từ cựu Tổng thống Mugabe.

Chính sách cải cách ruộng đất mà ông Mugabe thực hiện vào đầu những năm 2000 khi chủ trương tịch thu đất đai của những nông dân da trắng để giao cho nông dân da đen thiếu kinh nghiệm, công nghệ và kinh phí để quản lý và canh tác, đã dẫn đến tình trạng ruộng đất bỏ hoang tràn lan, nền kinh tế chìm dần vào khủng hoảng.

Năm 2008, lạm phát siêu phi mã của Zimbabwe lên tới 500 tỷ phần trăm và về cơ bản đã quét sạch tiền tiết kiệm của người dân gửi bằng đồng nội tệ ở ngân hàng.

Từ năm 2015, đồng đô la Zimbabwe gần như vô giá trị, khi tỷ lệ hối đoái ở mức siêu tưởng: 35 triệu tỷ đô la Zimbabwe chỉ tương tương với 1 USD. [1]

Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa và phu nhân trong lễ tuyên thệ nhậm chức (Ảnh: CNN)
Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa và phu nhân trong lễ tuyên thệ nhậm chức (Ảnh: CNN)

Hiện nay, theo tính toán của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), GDP bình quân đầu người của Zimbabwe xếp tận thứ 157 thế giới.

Trong khi có khoảng một nửa tổng GDP của đất nước được dành cho chi tiêu công, nhưng phần lớn trong số đó là chi phí cho các quan chức và nhân viên trong bộ máy công quyền, bởi tình trạng tham nhũng tràn lan.

Tính riêng trong năm 2016, có tới 96,8% thu nhập quốc gia của Zimbabwe được sử dụng để chi trả cho các quan chức và nhân viên nhà nước, dẫn đến chênh lệch mức thu nhập giữa những người trong bộ máy công quyền với người dân là cực lớn.

Bên cạnh đó, tình trạng thất nghiệp tràn lan, khi có tới 90% lực lượng lao động xã hội không tìm được việc làm, giá cả các mặt hàng thì tăng vọt, làm cho đời sống người dân rơi vào thảm kịch đói nghèo, bệnh tật. [2]

Tình trạng kinh tế nêu trên đã trở thành một thách thức cực đại đối với Tổng thống Mnangagwa.

Để khẳng định năng lực lãnh đạo của mình, cũng như củng cố sự tín nhiệm của người dân - yếu tố tiên quyết bảo đảm cho ông Mnangagwa có thể đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 9 năm nay, ông Mnangagwa cần phải nhanh chóng khôi phục lại nền kinh tế Zimbabwe.

Theo đó, ông Mnangagwa bước đầu đã có những thay đổi về chính sách kinh tế khi giao lại ruộng đất cho nông dân da trắng quản lý và canh tác, kêu gọi đầu tư từ tất cả các quốc gia trên thế giới, tạo việc làm cho người dân, từng bước giải quyết cuộc khủng hoảng tiền tệ, điều chỉnh chính sách chi tiêu công và trả lương cho công chức.

Tuy nhiên, mặc dù ông Mnangagwa đã có những thay đổi nhằm điều chỉnh cấu trúc và khôi phục lại nền kinh tế, thế nhưng trong khoảng thời gian ngắn chưa đầy một năm cho đến trước cuộc bầu cử Tổng thống sẽ rất khó để ông Mnangagwa thay đổi được diện mạo kinh tế Zimbawbe.

Điều này đang trở thành một trở lực lớn cho sự tín nhiệm của người dân đối với ông Mnangagwa khi cuộc bầu cử diễn ra.

Trở lực từ các đảng đối lập

Ngoài những thách thức từ nền kinh tế què quặt, Tổng thống Mnangagwa còn phải đối mặt với những trở lực từ các đảng đối lập.

Không lâu sau khi ông Mnangagwa trở thành Tổng thống, các đảng đối lập đã quay lại nghi ngờ và chỉ trích các chính sách mà ông đưa ra.

Ông Mnangagwa đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức (Ảnh: Tân hoa xã)
Ông Mnangagwa đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức (Ảnh: Tân hoa xã)

Đảng Phong trào Thay đổi vì Dân chủ (MDC-T) - đảng đối lập lâu đời nhất, đứng đầu là cựu Thủ tướng Morgan Tsvangirai ban đầu được ông Mnangagwa mời đến để thành lập chính phủ liên minh cho đến cuộc bầu cử vào tháng 9 năm nay, nhưng sau đó cáo buộc rằng ông Mnangagwa đã thay đổi ý định. 

Các đảng khác thì cho rằng, Tổng thống Mnangagwa sẽ không thể đem lại được điều gì mới mẻ cho người dân Zimbabwe, vì ông cũng không khác gì người tiền nhiệm Mugabe.

Tuy nhiên, hiện tại ông Mnangagwa cũng có thể giảm bớt được phần nào áp lực từ những thách thức của các đảng đối lập.

Bởi người đứng đầu đảng đối lập Phong trào Thay đổi vì Dân chủ - bên duy nhất từng chia sẻ quyền lực với cựu Tổng thống Mugabe sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 2008 là ông Morgan Tsvangirai hiện đang phải điều trị ung thư ruột kết trong tình trạng sức khỏe không được tốt.

Trong khi đó, bảy đảng đối lập khác, bao gồm cả Đảng Nhân dân Quốc gia Joice Mujuru, mặc dù hồi tháng 4 năm 2017 từng thành lập một liên minh nhằm tiến tới loại bỏ vai trò lãnh đạo của ông Mugabe (khi đó đang làm Tổng thống) trong cuộc bầu cử vào năm 2018 để thành lập một chính phủ liên hợp.

Thế nhưng, liên minh của các đảng này đến nay đã bị phá vỡ do không tìm được tiếng nói chung trên một số vấn đề.

Mặc dù vậy, Tổng thống Mnangagwa vẫn không tránh khỏi những thách thức từ các đảng đối lập trong cuộc bầu cử sắp tới.

Bởi kể từ sau khi ông Mugabe từ chức và ông Mnangagwa lên nắm quyền, các đảng đối lập đã nhận thấy cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 9 tới sẽ là cơ hội không thể tốt hơn để các đảng này có thể giành được quyền lực, hoặc chí ít cũng buộc ông Mnangagwa phải chấp nhận thành lập một chính phủ liên hợp.

Do đó, hiện tại các đảng đối lập liên tục tấn công đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia và Mặt trận Yêu nước (Zanu-PF) và Tổng thống Mnangagwa vì cho rằng những cải cách kinh tế vừa qua là không đầy đủ, cũng như tư tưởng quân sự hóa chính quyền và thiếu gần gũi về chính trị với các đảng đối lập là không phù hợp.

Ngoài ra, các đảng đối lập cũng tìm cách khơi gợi lại quá khứ không tốt đẹp của ông Mnangagwa hồi những năm 1980, khi ông đang là cánh tay đắc lực của cựu Tổng thống Mugabe, đã chỉ đạo tiến hành một cuộc tàn sát đẫm máu khiến hơn 20.000 người có tư tưởng chống chính quyền bị giết hại.

Bằng cách đó, các đảng đối lập sẽ lôi kéo cử tri về phía họ, và tạo ra thách thức không nhỏ đối với Tổng thống Mnangagwa trong cuộc bầu cử sắp tới.

Nỗ lực vượt qua thách thức để đảm bảo đắc cử Tổng thống trong nhiệm kỳ tới

Đứng trước những thách thức to lớn như vậy, ngoài việc cố gắng khôi phục lại nền kinh tế, điều chỉnh các chính sách xã hội, Tổng thống Mnangagwa còn nỗ lực củng cố quyền lực để tiến tới một sự đảm bảo cho việc đắc cử trong cuộc bầu cử vào tháng 9.

Theo đó, Tổng thống Mnangagwa cùng với đảng cầm quyền Zanu-PF đã tiến hành tổ chức Đại hội bất thường hôm 15/12/2017 để chính thức bầu ông Mnangagwa làm chủ tịch đảng và xác nhận chức vụ Tổng thống của ông, đồng thời đề cử ông làm ứng cử viên tổng thống cho cuộc bầu cử sắp tới.

Người dân Zimbabwe vẫn đang kỳ vọng vào những thay đổi của vị Tổng thống mới (Ảnh: AP)
Người dân Zimbabwe vẫn đang kỳ vọng vào những thay đổi của vị Tổng thống mới (Ảnh: AP)

Chính sự thống nhất cao hiện nay trong đảng Zanu-PF đã giúp Tổng thống Mnangagwa tăng cường được quyền lực và thuận lợi hơn trong việc thực hiện các chính sách cải cách kinh tế, xã hội và đối ngoại.

Mặt khác, ông Mnangagwa còn củng cố chính quyền bằng cách loại bỏ những nhân vật có tư tưởng không ủng hộ ông và bổ nhiệm những người thân cận đã giúp ông trở thành Tổng thống.

Theo đó, ông Mnangagwa đã ra lệnh bắt giữ ba Bộ trưởng vì tội “lạm dụng chức vụ làm trái các quy định của chính phủ”, gồm Bộ trưởng Ngoại giao Walter Membi, Bộ trưởng Năng lượng Samuel Undenge và Bộ trưởng Tài chính Ignatius Chombo. [3]

Đồng thời, bổ nhiệm Tư lệnh quân đội Constantino Chiwenga - người đã lãnh đạo cuộc binh biến để loại bỏ quyền lực của cựu Tổng thống Mugabe và đưa ông Mnangagwa lên kế nhiệm, làm Phó Tổng thống, cùng với hai quan chức cấp cao khác trong quân đội vào nội các.

Bên cạnh đó, Tổng thống Mnangagwa còn bổ nhiệm ông Christopher Mutsvangwa, một cựu chiến binh - người đã thẳng thắn ủng hộ ông Mnangagwa, vào làm cố vấn đặc biệt của Tổng thống.

Ngoài ra, để kiểm soát tình hình đất nước và ngăn chặn sự kết nối liên minh cũng như lôi kéo cử tri của các đảng đối lập, Tổng thống Mnangagwa đã sử dụng quân đội thay thế cho cảnh sát tại các trạm kiểm soát ở các thành phố lớn và những nơi quan trọng.

Một yếu tố nữa mà ông Mnangagwa đang nỗ lực dựa vào, đó chính là Trung Quốc.

Quan hệ giữa Tổng thống Zimbabwe Mnangagwa với Trung Quốc được cho là khá chặt chẽ, bởi từ những năm 1960, ông Mnangagwa đã có một thời gian dài học tập tại Trung Quốc.

Thêm nữa, khi cựu Tổng thống Mugabe vẫn còn đương nhiệm, thì ông Mnangagwa - khi đó đang làm Phó Tổng thống, vẫn luôn là người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho việc bảo vệ các ngành kinh doanh khai thác mỏ của Trung Quốc ở Zimbabwe. 

Chính vì vậy, cuộc binh biến ở Zimbabwe vừa qua được giới phân tích cho là có sự ủng hộ ngầm của Trung Quốc.

Bởi trước khi cuộc binh biến nổ ra một tuần, tướng Chiwenga - Tư lệnh quân đội Zimbabwe đã sang thăm Trung Quốc.

Sau khi ông Mnangagwa được bổ nhiệm làm Tổng thống, Trung Quốc đã cử đặc phái viên trực tiếp sang Zimbabwe để chúc mừng.

Bởi vậy, ngoài việc cải cách chính sách, củng cố chính quyền, ông Mnangagwa tiếp tục cần hơn nữa vai trò của Trung Quốc để đảm bảo cho ông tăng cường được quyền lực, phát triển được kinh tế và đặc biệt là đắc cử Tổng thống trong cuộc bầu cử tới đây cũng là lẽ dĩ nhiên.

Bằng chứng cho việc ông Mnangagwa đang dựa vào Trung Quốc là tại đại hội bất thường của đảng Zanu-PF vừa qua, Trung Quốc đã cử một phái đoàn do ông Xu Lyuping, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đến dự.

Có thể nói, sau hơn một tháng đảm nhận chức vụ Tổng thống Zimbabwe, ông Mnangagwa đã có rất nhiều nỗ lực đáng ghi nhận nhằm khôi phục kinh tế, ổn định chính trị, củng cố chính quyền và tăng cường sự ủng hộ của người dân đối với ông.

Thế nhưng, tình trạng kinh tế kiệt quệ hiện nay sẽ rất khó để ông Mnangagwa vực dậy được trong một thời gian ngắn, đặc biệt là sự tranh giành ảnh hưởng giữa các đảng đối lập với đảng cầm quyền Zanu-PF đang ngày càng phức tạp.

Những điều đó, đang đặt ra vô vàn thách thức đối với Tổng thống Mnangagwa mà ông không dễ dàng phải vượt qua để đảm bảo cho một thắng lợi trong cuộc bầu cử sắp tới.

Tài liệu tham khảo:

[1] CNN/ Zimbabwe in turmoil after apparent military coup.

[2]  https://thediplomat.com/2018/01/what-does-zimbabwes-leadership-change-mean-to-china/

[3] https://www.cfr.org/blog/mnangagwa-tightens-screws-zimbabwe

PHẠM DOÃN TÌNH