“Tránh voi chẳng xấu mặt nào”

17/08/2017 15:02
Tiến sĩ Trần Công Trục
(GDVN) - Ông Donald Trump có thể sẵn sàng thỏa hiệp với Trung Quốc trong những vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của Hoa Kỳ.

Bài bình luận với tiêu đề “Qatar: Những bài học lớn từ một nước nhỏ” trên tờ The Straits Times đã tạo ra một cuộc tranh luận vô cùng sôi nổi trong giới hoạch định chính sách đối ngoại ở Singapore.

Tác giả của nó là nhà ngoại giao kỳ cựu Kishore Mahbubani, người hiện là Hiệu trưởng Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu.

Những người phản biện ông hầu hết đang nắm giữ những trọng trách trong bộ máy chính quyền quốc đảo Sư tử, và không ít các học giả, nhà ngoại giao khác.

Xung quanh quan điểm “nước nhỏ phải hành xử như nước nhỏ” ông Kishore Mahbubani đề cập trong bài báo này, gần đây một nhà nghiên cứu trẻ của Việt Nam, Tiến sĩ Ngô Di Lân, đã có một bài bình luận khá sâu sắc.

Bài viết của ông được đăng trên trang Ngiencuuquocte.net do một nhà nghiên cứu trẻ khác của Việt Nam, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp sáng lập.

Hình minh họa, nguồn ảnh: Nguyễn Thái / vothuat.vn.
Hình minh họa, nguồn ảnh: Nguyễn Thái / vothuat.vn.

Những bàn luận học thuật này khiến chúng tôi nhớ đến việc, cách đây không lâu đã có một số phóng viên nước ngoài gửi đến một số câu hỏi mà chúng tôi chưa kịp trả lời, ví dụ: 

Trung Quốc đang ngày một trở nên mạnh hơn. Ông nghĩ như thế nào về thành ngữ “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”? 

Ông có cho rằng Trung Quốc sẽ gia tăng các hoạt động trên Biển Đông sau Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc? 

Để có thể giải quyết được các vấn đề trên Biển Đông, yếu tố nào là quan trọng nhất?  

Ông đánh giá như thế nào về COC giữa ASEAN và Trung Quốc? Có thể làm cho bộ ứng xử này mang tính ràng buộc pháp lý? 

Theo ông cần bao nhiêu thời gian nữa để có thể hoàn thành COC? Liệu Trung Quốc có cố gắng để "mổ xẻ" bộ ứng xử này không?…

Nhân sự kiện này, chúng tôi xin có vài lời bình luận, thiết nghĩ sẽ là những đóng góp “thêm muối, thêm ớt” cho những bình luận sâu sắc và thú vị mà một số nhà nghiên cứu trẻ rất đáng trân trọng của chúng ta đã viết.

Để giải quyết được các vấn đề trên Biển Đông, trước hết chúng ta cần phải nhân dạng được các loại tranh chấp và nguyên nhân đích thực của các tranh chấp đang diễn ra trong Biển Đông. 

Theo tôi, trong Biển Đông hiện nay đang tồn tại 3 loại tranh chấp chủ yếu.

Tôi đã phân tích khá nhiều lần về 3 loại tranh chấp này trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam và các phương tiện truyền thông, gần đây nhất là bài “Phương lược mới trên Biển Đông”: vẫn tư duy cũ.

Vì vậy xin không nhắc lại các nội dung này, ở đây chúng tôi chỉ xin nhắc lại tên gọi của chúng để bạn đọc quan tâm tiện theo dõi:

“Tránh voi chẳng xấu mặt nào”  ảnh 2

Tranh luận tại Singapore: nước nhỏ có nên biết thân biết phận?

Loại thứ nhất: tranh chấp về địa- chính trị giữa các siêu cường khu vực và quốc tế và giữa các quốc gia có liên quan, đặc biệt là giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Loại thứ 2: tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Loại thứ 3: tranh chấp trong việc hoạch định ranh giới biển và thềm lục địa chồng lấn. 

Từ những phân tích về 3 loại tranh chấp nói trên, chúng tôi nhận thấy yếu tố quan trọng nhất để giải quyết vấn đề Biển Đông là:

Về chính trị:

Phấn đấu duy trì trạng thái cân bằng sức mạnh giữa Mỹ và Trung Quốc, không đẩy cuộc tranh chấp địa- chiến lược, địa –chính trị giữa 2 siêu cường Mỹ-Trung tới xung đột, chiến tranh, dù là trực tiếp hay gián tiếp. 

Các nước trong khu vực cần cảnh giác không để biến mình trở thành những quân cờ trong tay 2 siêu cường này. 

Muốn được như vậy, cần củng cố và tăng cường khối đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, sát cánh bên nhau giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN, châu Á – Thái Bình Dương, là nhân tố sống còn, quyết định.

Về pháp lý:

Khuyến khích và kêu gọi các bên liên quan thực hiện chủ trương giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, bao gồm ưu tiên đàm phán ngoại giao song phong hay đa phương tùy vấn đề, phạm vi và số lượng các bên liên quan; 

Nếu đàm phán không thành thì sử dụng đến các cơ quan tài phán quốc tế; lấy các nguyên tắc pháp lý quốc tế hiện hành làm cơ sở để giải quyết các loại tranh chấp pháp lý thích hợp theo đúng thẩm quyền và thủ tục.  

Vì hòa bình, an ninh, hợp tác, phát triển của nhân loại, kêu gọi sự vào cuộc của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên Hợp Quốc, hoan nghênh và kêu gọi các nước thứ 3, trong và ngoài khu vực, góp phần ngăn chặn xung đột chiến tranh xảy ra…

Nói rằng chính sách của Hoa Kỳ thời Donal Trump đối với Trung Quốc không rõ ràng có lẽ không được chính xác lắm. 

Ngược lại, theo chúng tôi thấy thì nó rất rõ: tất cả đều nhằm phục vụ cho chủ trương “làm cho Mỹ hùng mạnh trở lại”. 

Nó là kết quả của sự tính toán thực dụng, nặng về hiệu quả kinh tế, không muốn tiếp tục “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

“Tránh voi chẳng xấu mặt nào”  ảnh 3

Trao đổi với Tiến sĩ Tiết Lực về ngộ nhận Phán quyết Trọng tài bị gác qua 1 bên

Ông Donald Trump có thể sẵn sàng thỏa hiệp với Trung Quốc trong những vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của Hoa Kỳ theo suy nghĩ của đội ngũ lãnh đạo đương nhiệm nước này.

Và tất nhiên không thể loại trừ khả năng trong một số thỏa hiệp, lợi ích của các nước thứ ba sẽ bị ảnh hưởng, cho dù là đồng minh hay đối tác của Mỹ đi nữa.  

Những diễn biến trên phương diện ngoại giao và tại thực địa ở Biển Đông cũng như Hoa Đông, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, … đã giúp chúng ta nhận diện chủ trương đó của Hoa Kỳ.  

Tuy nhiên, trước những thay đổi khôn lường đó, các nước ASEAN vẫn rất cần có chỗ dựa đáng tin cậy khác.

Tốt nhất là tìm kiếm những đối tác có chung hoàn cảnh, gần gũi về phương diện địa lý, tập quán, tâm lý xã hội, cộng đồng…

Chúng tôi thấy rằng, Nhật Bản, Ấn Độ có thể được coi là đối tác đáng tin cậy và có điều kiện để làm chỗ dựa cho các quốc gia nhỏ yếu khác trong khu vực.

Đúng là Trung Quốc đang ngày càng mạnh hơn.

Trung Quốc đang thật sự trở thành đối thủ đáng gờm của các siêu cường khác, không phải vì sự lớn mạnh của họ mà bởi tham vọng muôn thủa. Họ muốn trở thành “bá chủ thiên hạ”, muốn trở thành “trung tâm thiên hạ”…

Tục ngữ có câu “tránh voi chẳng xấu mặt nào” rất đúng ở chỗ, những kẻ nhỏ yếu hơn cần tìm cách tồn tại trước sự hung hãn của loài voi, không để cho vòi chà đạp. 

Nhưng điều đó không đồng nghĩa với tư duy đầu hàng, quy phục, làm tay sai cho các nước lớn, hay biến mình thành những quân cờ trong tay họ. 

Cho nên, ông cha ta mới lại có câu răn dạy con cháu đời sau: 

“Nực cười châu chấu đá xe, 
Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng!”

Loài châu chấu tuy bé nhỏ nhưng có chân lý, biết cách chiến đấu, biết khai thác những điểm yếu của kẻ mạnh…thì nhất định giành thắng lợi. 

Tất nhiên, loài “châu chấu” đó cần phải có bản lĩnh của bậc “trượng phu”, không run sợ trước loài voi to xác, hung bạo…đồng thời có được trí tuệ, mưu lược và uyển chuyển trong xử lý tình huống mà không quên mục tiêu tối hậu của mình.

Còn những câu hỏi một số phóng viên nước ngoài đặt ra với chúng tôi liên quan đến COC như dẫn lại phía trên, chúng tôi đã có nhiều bài phân tích trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam và các phương tiện truyền thông khác.

Tiến sĩ Trần Công Trục