Trung Quốc: Các tập đoàn dồn sức đóng thêm giàn khoan xuống Biển Đông

23/06/2014 13:40
Hồng Thủy
(GDVN) - Trung Quốc dồn sức đóng giàn khoan diễn ra đồng thời với đóng mới tàu chiến, Bắc Kinh liên tục cho hạ thủy chiến hạm "nhiều như há cảo thả nồi".
Giàn khoan 981 hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam theo Đa Chiều chỉ là nước cờ đầu tiên trong chiến lược của Trung Quốc tranh cướp tài nguyên ở Biển Đông.
Giàn khoan 981 hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam theo Đa Chiều chỉ là nước cờ đầu tiên trong chiến lược của Trung Quốc tranh cướp tài nguyên ở Biển Đông.

Tờ Đa Chiều của người Hoa hải ngoại ngày 22/6 bình luận, ngay sau khi ông Dương Khiết Trì đến Việt Nam hôm 18/6 thì ngày 19/6 cục Hải sự Trung Quốc tuyên bố kéo 3 giàn khoan khác xuống Biển Đông giữa lúc căng thẳng đang tăng cao cho thấy Bắc Kinh không muốn xuống thang.

Giới phân tích nói với Đa Chiều, Bắc Kinh không chỉ tính toán đến vị trí chiến lược của Biển Đông mà còn muốn (tranh cướp) khai thác các nguồn tài nguyên ở đây. Mấy năm qua Trung Quốc đã tập trung các tập đoàn lớn, các tổng công ty nhà nước dồn sức vào đóng giàn khoan, chế tạo tàu thủy để sử dụng cho mục đích (bành trướng, cướp đoạt tài nguyên) ở Biển Đông.

Trung Quốc: Các tập đoàn dồn sức đóng thêm giàn khoan xuống Biển Đông ảnh 2

"Trung Quốc xem vụ Dương Khiết Trì đi Việt Nam là 1 thắng lợi"!?

(GDVN) - Bằng thủ thuật cắt xén, truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyệt nhiên không đả động gì đến các tuyên bố khẳng định rõ ràng và đanh thép của lãnh đạo Việt Nam.

Chính vì vậy, giới phân tích cho rằng thái độ của Bắc Kinh trên Biển Đông sẽ chỉ ngày một cứng rắn (hung hăng, liều lĩnh) hơn, và giàn khoan 981 (hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam) chỉ là nước cờ (bành trướng) đầu tiên.

Đa Chiều cho hay, 3 giàn khoan mới Trung Quốc vừa kéo ra Biển Đông đã chứng minh nhận định trước đó của tờ báo này, rằng 981 chỉ là nước cờ đầu tiên (trong màn tranh cướp tài nguyên) của Trung Quốc ở Biển Đông và trong tương lai sẽ còn có nhiều giàn khoan khác Bắc Kinh kéo xuống vùng biển này, "núi băng khổng lồ" Trung Quốc tạo ra ở Biển Đông đã bắt đầu xuất hiện.

Phán đoán của Đa Chiều dựa trên thực tế là trong mấy năm qua ngành công nghiệp chế tạo của Trung Quốc bao gồm Tập đoàn Công nghiệp nặng Trung Quốc, Tập đoàn Đóng tàu Trung Quốc, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc, Tập đoàn Công nghiệp nặng Đại Liên, Tập đoàn Chế tạo tàu chiến Thanh Đảo, Tập đoàn CIMC RAFFLES Yên Đài, Tập đoàn Công nghiệp nặng Chấn Hoa...đã được Bắc Kinh điều động tham gia chế tọa giàn khoan, tất cả đều nhằm vào việc (tranh cướp) khai thác tài nguyên ở Biển Đông.

Hoạt động của Trung Quốc dồn sức đóng giàn khoan diễn ra đồng thời với đóng mới tàu chiến, Bắc Kinh liên tục cho hạ thủy chiến hạm "nhiều như há cảo thả nồi", hiện đại hóa lực lượng hải quân, Đa Chiều ví von. Chính sự gia tăng sức mạnh của hải quân Trung Quốc đã đặt nền móng cho các hoạt động (tranh cướp) khai thác tài nguyên ở Biển Đông.

Tàu chiến Trung Quốc trở thành lực lượng "bảo kê" cho các hoạt động phi pháp mà nước này tiến hành trên Biển Đông, bao gồm việc tranh cướp tài nguyên. Hình minh họa.
Tàu chiến Trung Quốc trở thành lực lượng "bảo kê" cho các hoạt động phi pháp mà nước này tiến hành trên Biển Đông, bao gồm việc tranh cướp tài nguyên. Hình minh họa.

Trong tương lai, sẽ còn một loạt giàn khoan nước sâu được Trung Quốc (ngang nhiên) kéo xuống Biển Đông, và mặc dù hoạt động này đã âm thầm diễn ra suốt mấy năm qua, nhưng chỉ đến khi Trung Quốc bất ngờ hạ đặt (bất hợp pháp) giàn khoan 981 thì cộng đồng quốc tế mới chú ý đến.

Khủng hoảng mang tên giàn khoan 981 đã xảy ra hơn 1 tháng, 2 nước Việt - Trung tiếp tục đối đầu trên Biển Đông (thực tế là các lực lượng chức năng Việt Nam kiên quyết bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam trong khi Trung Quốc không ngừng leo thang xâm phạm - PV), và Trung Quốc sẽ không chịu xuống thang sau chuyến đi Việt Nam của Dương Khiết Trì.

Giới tướng lĩnh quân đội Trung Quốc cũng tỏ ra cứng rắn (hung hăng, hiếu chiến) khác thường khi Phòng Phong Huy, Tổng tham mưu trưởng Trung Quốc công khai thách thức dư luận với tuyên bố "dứt khoát phải cắm được giàn khoan xuống (cái gọi là) Tây Sa", tức Bắc Kinh sẽ hạ đặt bằng được giàn khoan 981 trong vùng biển Việt Nam, bất chấp phản đối của dư luận và luật pháp quốc tế - PV.

Trung Quốc: Các tập đoàn dồn sức đóng thêm giàn khoan xuống Biển Đông ảnh 4

Cựu Tư lệnh Nhật Bản: Việt Nam không dễ để nước lớn chèn ép

(GDVN) - Việt Nam đã trở thành một đất nước được ngưỡng mộ khi một bộ phận người Nhật đồng cảm, một số khác xem Việt Nam như một mô hình đối phó với Trung Quốc.

Đa Chiều nhắc lại sự kiện những năm 1990 Trung Quốc nhiều lần dụ dỗ mua chuộc không thành, đã tổ chức mời thầu và ký hợp đồng với một tập đoàn dầu khí của Mỹ hòng khai thác (bất hợp pháp) dầu khí tại bãi Tư Chính. Đây là khu vực nằm hoàn toàn trong thềm lục địa của Việt Nam mà họ gọi là Vạn An Bắc, nhưng đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ phía Việt Nam, cuối cùng Bắc Kinh đã phải rút lui.

Tờ báo người Hoa hải ngoại xuyên tạc rằng, trong sự kiện bãi Tư Chính, Bắc Kinh đã "vì đại cục" nên mới rút, nhưng vụ giàn khoan 981 lần này sẽ khác.

Về bản chất không khác gì vụ bãi Tư Chính, Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam với cái cớ biến khu vực này thành một phần của cái gọi là "quần đảo Tây Sa, Nam Sa". Và cái gọi là "đại cục" mà Đa Chiều nhắc đến chính là sức mạnh cơ bắp, là thực lực quân sự Trung Quốc ngày nay đã khác xưa, đủ sức giễu võ dương oai, uy hiếp láng giềng? PV.

Kết thúc bài viết, Đa Chiều khẳng định rằng từ những dấu hiệu trên có thể thấy thái độ cứng rắn (hung hãn, liều lĩnh) của Trung Quốc và các hoạt động củng cố, xây dựng (trái phép) các công trình quân sự ở Biển Đông sẽ không dừng lại, "đối đầu Trung - Việt" mới chỉ bắt đầu!?

Dù bài báo của Đa Chiều có mang giọng điệu dọa nạt, uy hiếp đối với Việt Nam, nhưng nó cũng thể hiện một thực tế là Bắc Kinh không hề thay đổi tham vọng bành trướng lãnh thổ, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước trên Biển Đông bao gồm Việt Nam. 

Mặt khác, tham vọng ấy đang không ngừng gia tăng thành cuồng vọng, bất chấp mọi dư luận và luật pháp quốc tế. Vì vậy, Việt Nam cần hết sức cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn của Trung Quốc và có đối sách phù hợp để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của mình - PV.

Hồng Thủy