Trung Quốc bắt đầu tìm căn cứ cho "đường lưỡi bò" phi pháp

24/10/2012 19:04
Bảo Thành (Nguồn: Hoàn Cầu)
(GDVN) - Ngô Sĩ Tồn tuyên bố: “Nhiệm vụ quan trọng nhất bây giờ là bắt đầu nghiên cứu lý thuyết về đường chữ U (đường lưỡi bò – PV)”.
Hoàn Cầu thời báo ngày 24/10 đưa tin, một nhóm học giả Trung Quốc và Đài Loan sẽ tổ chức hội thảo nghiên cứu về cái gọi là “đường biên giới biển” và các vấn đề liên quan đến Biển Đông.

Trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba giới thiệu Báo cáo Biển Đông 2011, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải, ông Ngô Sĩ Tồn tuyên bố: “Nhiệm vụ quan trọng nhất bây giờ là bắt đầu nghiên cứu lý thuyết về đường chữ U (đường lưỡi bò – PV)”.

Ngô Sĩ Tồn (chính giữa) tham dự một hội thảo quốc tế về Biển Đông tổ chức ở Đài Loan năm 2011
Ngô Sĩ Tồn (chính giữa) tham dự một hội thảo quốc tế về Biển Đông tổ chức ở Đài Loan năm 2011

Đường chữ U, đường "lưỡi bò" hay còn gọi là đường 9 đoạn này được Trung Quốc tự chế ra và tuyên bố là “đường biên giới” xác định tuyên bố chủ quyền lãnh lãnh thổ (phi lý, phi pháp và vô hiệu - PV) của Trung Quốc trên gần như toàn bộ Biển Đông mà không dựa vào bất kỳ căn cứ pháp lý nào.

Ngô Sĩ Tồn cho rằng: “Chúng tôi có kế hoạch đưa ra lời giải thích về mặt pháp lý cho cộng đồng quốc tế hiểu về đường chữ U trong vòng một năm cùng với thông tin hướng dẫn và các tuyên bố đáp lại những quan ngại của cộng đồng quốc tế.”

Ông Tồn cũng cho rằng tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông là vấn đề mà cả Trung Quốc và Đài Loan có chung lợi ích. Theo đó quan hệ giữa hai bên trong những năm qua đã đặt nền tảng vững chắc cho hợp tác giữa hai bờ eo biển Đài Loan trong khu vực này.

Ngô Sĩ Tồn
Ngô Sĩ Tồn

Báo cáo Biển Đông 2011 do hơn 10 học giả của cả Trung Quốc và Đài Loan soạn thảo ra kêu gọi hợp tác tích cực, thực tiễn và vững chắc giữa Trung Quốc và Đài Loan đối với các vấn đề Biển Đông nhằm đem lại lợi ích cho dân tộc Trung Hoa.

Ngô Sĩ Tồn còn kêu gọi hai bên nên tăng cường lòng tin chính trị lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác thực tiễn đối với các vấn đề Biển Đông bằng cách thành lập cơ chế phối hợp quân sự 2 bờ eo biển Đài Loan và cùng hợp tác khai thác các mỏ dầu và khí đốt trong khu vực này.

Ưu tiên hiện nay là đưa vấn đề hợp tác Trung Quốc đại lục với Đài trên Biển Đông vào nội dung đàm phán giữa Hội Quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan (ARATS) và Tổ chức Giao lưu hai bờ eo biển Đài Loan (SEF), Ngô Sĩ Tồn cho biết.

Bảo Thành (Nguồn: Hoàn Cầu)