Trung Quốc bắt đầu triển khai siêu căn cứ Hoa Thuyền 1 hỗ trợ tác chiến tầm xa

09/03/2016 08:35
Đông Bình
(GDVN) - Trung Quốc đạt đột phá trong sửa chữa tàu chiến ở biển xa, hỗ trợ cho triển khai quân sự toàn cầu và chuẩn bị cho chiến tranh tương lai.

Báo chí Trung Quốc cuối tháng 2, đầu tháng 3/2016 cho hay, Trung Quốc đã bắt đầu cho bến tàu nổi tự hành mang tên “Hoa Thuyền 1” ra khơi lần đầu tiên. Điều này đánh dấu việc sửa chữa các tàu chiến cỡ lớn của Quân đội Trung Quốc đã có sự đột phá: từ bảo đảm cố định ở bờ biển chuyển sang bảo đảm cơ động ở biển xa.

Bến tàu nổi tự hành Hoa Thuyền 1 Trung Quốc
Bến tàu nổi tự hành Hoa Thuyền 1 Trung Quốc

Đây là bến tàu nổi tự hành đầu tiên, nó có thể tiếp nhận sửa chữa tàu lượng giãn nước 20.000 tấn, do nhà máy 4801 thuộc Ban Trang bị của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc chế tạo, chủ yếu dùng để hoạt động ở các khu vực biển xa, thúc đẩy hiện diện quân sự lâu dài ở đó.

Trong thời chiến, bến tàu nổi này có thể hiện diện ở các vùng biển tương ứng, sửa chữa đối với các tàu chiến hỏng hóc. Hoa Thuyền 1 có tốc độ sửa chữa nhanh hơn, hiệu suất sửa chữa cao hơn so với các bến tàu nổi thông thường.

Căn cứ vào các hình ảnh do Hải quân Trung Quốc công bố, bến tàu nổi này có thể cho tàu cứu nạn Vĩnh Hưng Đảo số hiệu 853 Type 925 tiến vào. Tàu cứu nạn này có lượng giãn nước lên tới 13.000 tấn, độ rộng khá lớn.

Vì vậy, ngoài tàu sân bay và tàu khu trục Type 055 (tương lai), bến tàu nổi Hoa Thuyền 1 có thể đáp ứng nhiệm vụ bảo đảm sửa chữa cho nhiều loại tàu chiến mặt nước như tàu khu trục, tàu hộ vệ, tàu tiếp tế tổng hợp, cùng với tàu ngầm và các tàu hỗ trợ dưới 20.000 tấn.

Bến tàu nổi này có thể hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm sửa chữa trong môi trường xấu có gió lớn cấp 6 và sóng cao 2 m. Bất kể nó làm xưởng quân giới hay tàu chiến bảo đảm, đây đều là sứ mệnh to lớn trong lĩnh vực sửa chữa tàu chiến hải quân, bổ sung rất lớn cho mô hình sửa chữa truyền thống.

Bến tàu nổi tự hành Hoa Thuyền 1 Trung Quốc tiến hành bảo đảm cho tàu cứu nạn biển xa Vĩnh Hưng Đảo
Bến tàu nổi tự hành Hoa Thuyền 1 Trung Quốc tiến hành bảo đảm cho tàu cứu nạn biển xa Vĩnh Hưng Đảo

Được biết, Hoa Thuyền 1 có thể tích lớn, khả năng chạy liên tục tăng mạnh, có phòng chỉ huy lâm thời được lắp các thiết bị thông tin cần thiết.

Đáy bến tàu nổi này có gian sửa chữa đặc biệt, gian sửa chữa điện khí, xưởng sửa chữa thợ nguội và gian sửa chữa cơ khí, hai mạn bến tàu bố trí đan xen 4 cần cẩu cố định, phạm vi nâng bao quát toàn bộ sàn của “căn cứ di động” này.

Bến tàu nổi Hoa Thuyền 1 hiện đã được bố trí một phân đội sửa chữa với đầy đủ các chuyên ngành, có khả năng bảo đảm toàn diện như phát hiện sự cố trên biển, tiến hành sửa chữa.

Trung tâm phân tích sự cố trên Hoa Thuyền 1 đã kết nối với mạng lưới bảo đảm tổng hợp thông tin hoá, có thể sửa gấp tàu chiến bị thương trên chiến trường, có thể cùng các chuyên gia và nhân viên kỹ thuật ngoài 1.000 km tiến hành “hội chẩn” từ xa, bảo đảm cho các trang bị tàu chiến khôi phục sức chiến đấu với tốc độ nhanh nhất.

Đáng chú ý, trang tin tức QQ Trung Quốc ngày 2/3 cho rằng, Trung Quốc có thể triển khai bất hợp pháp hệ thống bến tàu nổi ở khu vực quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam); trong tương lai, căn cứ di động Hoa Thuyền 1 có thể triển khai ở căn cứ Hải quân Trung Quốc tại Djibouti của châu Phi, hỗ trợ cho biên đội hộ tống nước này tấn công cướp biển.

Tàu chiến được kéo vào khoang của bến tàu nổi tự hành Hoa Thuyền 1
Tàu chiến được kéo vào khoang của bến tàu nổi tự hành Hoa Thuyền 1

Xung quanh Hoa Thuyền 1, ngày 8/3 chuyên gia quân sự Nga Vasilii Cashin cho rằng, bến tàu nổi này là một phương tiện quân sự quan trọng, có thể bảo đảm công tác sửa chữa kỹ thuật cho các tàu chiến hiện có và trong tương lai trong điều kiện thiếu cơ sở hậu cần mặt đất.

Chuyên gia Vasilii Cashin cho rằng, Trung Quốc chế tạo loại phương tiện này là để chuẩn bị cho chiến tranh trên biển xa trong tương lai. 

Đây hoàn toàn không phải là bến tàu nổi đầu tiên của Hải quân Trung Quốc. Mùa hè năm 2015, “tàu bán ngầm” Đông Hải Đảo số hiệu 868 của Trung Quốc bắt đầu đi vào hoạt động, triển khai ở Biển Đông.

Tàu bán ngầm hay còn gọi là “căn cứ di động trên biển” do người Mỹ phát minh, họ coi nó là một bộ phận không thể thiếu trong khái niệm căn cứ trên biển. Khái niệm này chỉ ra, triển khai hành động đổ bộ quy mô lớn ở biển xa không cần căn cứ thường trú.

Tàu bán ngầm có thể chuyển hàng hóa từ các tàu vận tải thông thường sang tàu đổ bộ, sau đó, tàu đổ bộ vận chuyển hàng hóa đến bờ biển tiếp tế.

Điều này chỉ có ý nghĩa đối với những hạm đội chuẩn bị triển khai hành động đổ bộ quy mô lớn, quân số tham gia hành động lên tới vài nghìn người, ở khu vực cách căn cứ của mình ngoài vài nghìn km. Hiện nay chỉ có Mỹ và Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển loại công nghệ này.

Khoang chỉ huy của bến tàu nổi tự hành Hoa Thuyền 1 Trung Quốc
Khoang chỉ huy của bến tàu nổi tự hành Hoa Thuyền 1 Trung Quốc

Ngoài chế tạo bến tàu nổi (tàu bán ngầm, căn cứ di động) để cung cấp vật tư cho sửa chữa tàu chiến ở vùng biển xa và bờ biển cần tiếp tế, Trung Quốc còn đang chế tạo tàu tiếp tế tổng hợp biển xa.

Ngoài các tàu tiếp tế Type 903 và Type 905, Trung Quốc còn đang chế tạo tàu tiếp tế tổng hợp cỡ lớn Type 901, chuyên sử dụng để tiếp tế cho biên đội hoạt động ở biển xa.

Tất cả những điều này chưa chắc có nhiều ý nghĩa trong “thu hồi” Đài Loan hay chiếm đoạt chủ quyền ở Biển Đông. Bởi vì, đối với những vấn đề chủ quyền lãnh thổ này, Quân đội Trung Quốc chỉ tiến hành tác chiến ở khu vực cách căn cứ (có công trình, trang bị hoàn thiện) vài trăm km, nhiều nhất ngoài hơn 1.000 km.

Chiến tranh tranh đoạt chủ quyền này vừa không cần bến tàu nổi cỡ lớn, vừa không cần bến tàu đổ bộ cơ động (tàu bán ngầm).

Trung Quốc chế tạo những bến tàu nổi và tàu bán ngầm này có mục tiêu lâu dài hơn. Họ đang chuẩn bị cho triển khai các hành động có quy mô toàn cầu.

Nhưng cho dù đạt được tiến bộ to lớn, hiện còn rất khó nói, chúng lúc nào có thể “tham chiến”, có thể là sau khi hoàn thành một loạt cải các quân sự quan trọng trước năm 2020, nhưng cũng có thể sớm hơn.

Trung Quốc có thể triển khai bất hợp pháp hệ thống bến tàu nỏi ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trung Quốc có thể triển khai bất hợp pháp hệ thống bến tàu nỏi ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Được biết, năm 1974, chiếc bến tàu nổi đầu tiên của Trung Quốc có tên là Hoàng Sơn lượng giãn nước 25.000 tấn hoàn thành chế tạo, sau đó, các bến tàu nổi khác như Đại Liên lớp 30.000 tấn và Trung Hải Cửu Hoa Sơn, Trung Hải Nga Mi Sơn lớp 20.000 tấn đã lần lượt hạ thủy. Khả năng chế tạo và trình độ công nghệ bến tàu nổi của Trung Quốc ngày càng hoàn thiện. 

Đông Bình