Trung Quốc "can thiệp có chọn lọc" các vấn đề quốc tế

21/09/2013 09:25
Hồng Thủy
(GDVN) - Tuy nhiên, ông Quần cho rằng với hoạt động thương mại và đầu tư ở khắp mọi nơi, Trung Quốc hiện có lợi ích toàn cầu và bắt đầu thể hiện sức mạnh ngày càng tăng trong khu vực "quan trọng chọn lọc với lợi ích quốc gia" như vịnh Aden, Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc từ khi nhậm chức đã có một loạt chuyến công du sang các nước châu Phi, Trung Á.
Ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc từ khi nhậm chức đã có một loạt chuyến công du sang các nước châu Phi, Trung Á.
Chu Chí Quần, một giáo sư về khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại đại học Bucknell, Pennsylvania, Mỹ ngày 19/9 có bài phân tích trên tạp chí The Diplomat về chính sách đối ngoại của Trung Quốc, trong đó nhận định Trung Quốc đang "can thiệp có chọn lọc" vào các vấn đề quốc tế. Ông Quần cho rằng việc Trung Quốc tham gia hạn chế vào cuộc khủng hoảng tại Syria đã vấp phải những chỉ trích, trong đó một số nhà quan sát "đổ lỗi" cho Bắc Kinh đã không đóng một vai trò tích cực hơn như một cường quốc có trách nhiệm với lý giải là Trung Quốc đang đi theo sự lãnh đạo của Nga. Những năm 1950 Trung Quốc thực hiện chính sách không can thiệp, một trong năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, nhưng cùng với đà phát triển sức mạnh của Trung Quốc cũng như "lợi ích của nó trải rộng khắp nơi trên thế giới", theo Chu Chí Quần, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đang dần dần thay đổi, trong thực tế Trung Quốc đã thực hành cái ông Quần gọi là "can thiệp có chọn lọc" vào các vấn đề quốc tế. Theo đó giới lãnh đạo Trung Quốc đang bận rộn với công việc nội bộ với những thách thức to lớn về khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, dân số già và một xã hội ngày càng nhiều biến động. Những vấn đề này sẽ khiến lãnh đạo Bắc Kinh sẽ còn tiếp tục phải vật lộn trong tương lai gần. Trung Quốc không phải một cường quốc quân sự toàn cầu vì nó thiếu khả năng triển khai sức mạnh, quan trọng hơn theo Chu Chí Quần, Trung Quốc không sẵn sàng tham gia sâu hơn vào các vấn đề quốc tế vì sợ rằng họ sẽ bị phân tâm trong việc phát triển kinh tế.
Chu Chí Quần.
Chu Chí Quần.
Tuy nhiên, ông Quần cho rằng với hoạt động thương mại và đầu tư ở khắp mọi nơi, Trung Quốc hiện có lợi ích toàn cầu và bắt đầu thể hiện sức mạnh ngày càng tăng trong khu vực "quan trọng chọn lọc với lợi ích quốc gia" như vịnh Aden, Biển Hoa Đông và Biển Đông. Bắc Kinh cũng đã can thiệp vào công việc nội bộ của một số nước, ví dụ như Trung Quốc đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Zambia trong những năm gần đây để đảm bảo rằng các ứng cử viên ủng hộ Trung Quốc sẽ giành chiến thắng. Đáng chú ý, các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, một sáng kiến của Trung Quốc đã không còn tồn tại, Bắc Kinh cũng đã gây sức ép lên Bắc Triều Tiên để buộc Bình Nhưỡng mở cửa và trở thành một thành viên "bình thường" của cộng đồng quốc tế. Đối với vấn đề Syria, Trung Quốc có cách can thiệp của riêng mình. Chính phủ Trung Quốc đã liên lạc với các lực lượng khác nhau trong cuộc nội chiến Syria. Một phái đoàn 6 người của Diễn đoàn đối thoại quốc gia Syria, một tổ chức đối lập đã đến Bắc Kinh vào tháng 9/2013 để thảo luận tình hình với các quan chức ngoại giao Trung Quốc. Xung quanh quan hệ Trung - Nga, Chu Chí Quần nhận định, trong thực tế Trung Quốc thường xuyên phối hợp với Nga trong các vấn đề quốc tế lớn, nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc đi theo sự lãnh đạo của Nga bởi 2 nước có quyền hạn và lợi ích quốc gia khác nhau. Mặc dù quan hệ hợp tác Trung - Nga có vẻ như chặt chẽ nhưng 2 cường quốc này vẫn nghi ngờ nhau, ông Quần nhận xét. Biểu hiện điển hình của sự nghi ngờ này là quá trình đàm phán thỏa thuận dẫn khí đốt Nga sang Trung Quốc bị đình trệ kéo dài cũng như việc 2 cường quốc không có tầm nhìn chung đối với hoạt động của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) và họ cũng tranh giành vai trò lãnh đạo trong nhóm. Nga đang lo ngại về vai trò và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Siberia và Trung Á. Mặc dù Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng về cơ bản vẫn là một nước lớn đang phát triển. Có một khoảng cách rất lớn giữa những kỳ vọng về vai trò lãnh đạo toàn cầu của Trung Quốc với sự sẵn sàng cũng như khả năng của họ. Cho đến khi khoảng cách này được thu hẹp, Trung Quốc chưa thể sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm trong các vấn đề quốc tế. Trong thời gian tới, Trung Quốc vẫn chỉ có thể giữ vị trí số 2 sau Hoa Kỳ.

Hồng Thủy