Trung Quốc có thể viện cớ Mỹ tuần tra 12 hải lý để đơn phương áp ADIZ Biển Đông

14/10/2015 13:53
Hồng Thủy
(GDVN) - Nếu Mỹ tuần tra 12 hải lý quanh đảo nhân tạo, rất có khả năng Trung Quốc sẽ lập tức tuyên bố đơn phương áp đặt ADIZ (bất hợp pháp) để trả đũa vì họ cho rằng...

Đa Chiều ngày 14/10 bình luận, kể từ sau khi Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ mà không đạt được thỏa thuận vào về việc giảm căng thẳng ở Biển Đông, Washington liên tục "xì" tin qua báo chí, từ chỗ có khả năng đến chỗ có kế hoạch tuần tra tự do hàng không hàng hải ở Biển Đông, phạm vi 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp, xây dựng bất hợp pháp ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).

Máy bay, tàu chiến Mỹ tuần tra gần khu vực đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp phi pháp ở Trường Sa. Ảnh: Bloomberg.
Máy bay, tàu chiến Mỹ tuần tra gần khu vực đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp phi pháp ở Trường Sa. Ảnh: Bloomberg.

Tờ báo chính trị Trung Quốc tại Hoa Kỳ này cho rằng, nhiều khả năng đây là đòn tâm lý chiến của Nhà Trắng nhằm gây sức ép với Tập Cận Bình, đồng thời cũng là sách lược thăm dò đối với Trung Nam Hải. Nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế CSIS Bonnie Glaser nói với Đa Chiều, kể từ tháng 5 năm nay khi Mỹ nói sẽ tuần tra 12 hải lý ở Trường Sa, các nước ven Biển Đông đang rất trông đợi hành động này.

Do đó nếu Mỹ cứ chần chừ không tiến hành, các đồng minh và đối tác sẽ thấy Hoa Kỳ không đáng tin cậy. "Tôi cũng lo rằng Trung Quốc cho là Mỹ không dám làm điều gì uy hiếp lợi ích của Trung Quốc vì coi trọng quan hệ với họ. Tôi hy vọng Trung Quốc không nhận định là Mỹ đang suy yếu, bởi nhận định đó sẽ chỉ mang lại kết cục không tốt đẹp gì cho quan hệ giữa hai nước", bà Bonnie Glaser được Đa Chiều dẫn lời cho biết.

Không có gì nghi ngờ về khả năng Mỹ tuần tra 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp (bất hợp pháp) ở Trường Sa, Đa Chiều nhận định. Một khi Lầu Năm Góc đã xác nhận kế hoạch hành động thay vì một trong các lựa chọn khi nhắc đến tuần tra 12 hải lý đảm bảo tự do hàng không hàng hải ở Biển Đông, khả năng điều này trở thành hiện thực cực kỳ cao, nếu không Lầu Năm Góc đã không hô hoán lên như thế. 

Động thái ra đòn tâm lý chiến, dư luận chiến của Mỹ ngoài mục đích thăm dò phản ứng của Bắc Kinh, còn cho Trung Nam Hải thời gian để thảo luận phương án sách lược đối phó, bởi dù sao cả Mỹ và Trung Quốc đều không ai muốn phải nổ súng trước ở Biển Đông. Tuy nhiên phương án Mỹ sẽ tuần tra 12 hải lý ở Trường Sa hiện đang chiếm thế thượng phong.

Tiến sĩ Bonnie Glaser bình luận: "Nếu Mỹ tiến vào 12 hải lý, Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao? Rút kiếm lại hay ra tay hành động mà cả Mỹ và các nước khác không muốn thấy? Trước đó Trung Quốc nói rằng họ có quyền tuyên bố áp đặt vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, nhưng chưa làm vì môi trường an ninh chưa đòi hỏi.

Nếu Mỹ tuần tra 12 hải lý quanh đảo nhân tạo, rất có khả năng Trung Quốc sẽ lập tức tuyên bố đơn phương áp đặt ADIZ (bất hợp pháp) để trả đũa vì họ cho rằng do yêu cầu của môi trường an ninh."

Bình luận về khả năng phản ứng của Trung Quốc, tướng Doãn Trác nói trên mục bình luận "Tiêu điểm hôm nay" của chương trình thời sự đài truyền hình trung ương Trung Quốc rằng, Mỹ không thừa nhận lãnh hải 12 hải lý ở các đảo nhân tạo, cũng không thừa nhận "chủ quyền" mà Trung Quốc tuyên bố ở Trường Sa.

Ông Trác cho rằng động thái này của Hoa Kỳ là "thuần túy thực thi pháp luật đảm bảo tự do, an ninh hàng không hàng hải" chứ không phải động thái tác chiến quân sự. Theo Doãn Trác, Hoa Kỳ làm như vậy là để "phá hoại" quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa Trung Quốc với Úc, Việt Nam, Philippines?!

Về phản ứng của Trung Quốc theo Doãn Trác: "Đầu tiên chúng ta cần phải dùng hành động thực thi pháp luật để xua đuổi tàu thuyền tiến vào 12 hải lý quanh đảo nhân tạo, kết hợp với phản đối ngoại giao. Nếu máy bay (Mỹ) bay vào khu vực này, chúng ta có thể sử dụng hành động quân sự để đối phó. Nếu đối phương chỉ là qua lại vô hại chứ không có động cơ quân sự thì Trung Quốc đuổi, nếu có hành vi uy hiếp thì lập tức bắn cảnh cáo hoặc bắn hạ".

Viên Thiếu tướng hải quân Trung Quốc này còn lưu ý, nhiều kha năng  tàu chiến hoặc hay máy bay Mỹ đi qua mà không bật radar tên lửa, pháo không lên nòng, trực thăng không cất cánh chỉ đi vòng quanh đảo nhân tạo để thách thức yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp và bành trướng) của Trung Quốc.

Hồng Thủy