"Trung Quốc đã thực sự gây áp lực rất lớn đối với Việt Nam"

03/06/2014 06:58
Hồng Thủy
(GDVN) - Theo Rory Medcalf, sở dĩ Trung Quốc chọn Việt Nam để "ra tay" là vì, cũng giống như Ukraine, Việt Nam không phải đồng minh của Mỹ.
Học giả Rory Medcafl.
Học giả Rory Medcafl.

Ngày 3/6 Rory Medcalf, Giám đốc chương trình An ninh quốc tế Viện Lowy, Phó giám đốc Viện Ấn Độ bình luận trên tờ The National Interest, việc Trung Quốc hạ đặt (bất hợp pháp) giàn khoan Hải Dương 981 (trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam) có thể là thủ đoạn thiết lập tiền lệ thay đổi hiện trạng trên Biển Đông ngay cả khi các nhà ngoại giao của họ vẫn đang "tham vấn" về COC với ASEAN.

Theo Rory Medcalf, sở dĩ Trung Quốc chọn Việt Nam để "ra tay" là vì, cũng giống như Ukraine, Việt Nam không phải đồng minh của Mỹ, nước đi của Bắc Kinh sẽ có lợi thế gấp đôi để làm nổi bật giới hạn những nỗ lực của Mỹ để xây dựng quan hệ đối tác mới ở châu Á.

Cho đến nay, Trung Quốc đã thực sự gây áp lực rất lớn đối với Việt Nam. Người Việt không muốn chiến tranh, nhưng Trung Quốc sẽ không để cho họ nói chuyện, từ chối thiện chí yêu cầu lặp đi lặp lại từ phía Việt Nam cho một giải pháp ngoại giao, Rory bình luận.

Sau sự cố một số phần tử quá khích lợi dụng tuần hành phản đối Trung Quốc (hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981) để đập phá doanh nghiệp nước ngoài, Bắc Kinh đã tìm mọi cách để khoét sâu vào chuyện này nhằm gây áp lực với Việt Nam.

Tuy nhiên tất cả điều này có thể phản tác dụng đối với Bắc Kinh. Các bên liên quan khác trên Biển Đông không còn ai ảo tưởng một nước Trung Quốc mạnh mẽ hơn sẽ hành xử như thế nào. Nó càng khuyến khích họ tăng cường liên kết an ninh với Hoa Kỳ và Nhật Bản, đầu tư nhiều hơn cho hệ thống phòng thủ của riêng mình.
Mỗi nước có một cách riêng của họ. Malaysia, Indonesia, Singapore và Philippines đang đẩy mạnh hợp tác với hải quân Hoa Kỳ.

Một Việt Nam không chịu khuất phục sẽ tăng gấp đôi nỗ lực của mình trong việc tìm kiếm giải pháp (dù bất đối xứng) để chống lại (tham vọng bành trướng lãnh thổ của) Trung Quốc, trong đó bao gồm cả những chiếc tàu ngầm của Nga và khả năng sử dụng kênh pháp lý quốc tế như Philippines đã làm, tiếp tục cô lập Bắc Kinh bằng luật pháp và dư luận thế giới.

Bất chấp những hành vi leo thang gây hấn trên Biển Đông, chà đạp luật pháp và dư luận quốc tế của Trung Quốc gần đây, ông Tập Cận Bình vẫn nói Biển Đông cơ bản ổn định. Ông còn dọa dẫm, Trung Quốc sẽ "có phản ứng cần thiết đối với những hành động khiêu khích của các bên liên quan"?!
Bất chấp những hành vi leo thang gây hấn trên Biển Đông, chà đạp luật pháp và dư luận quốc tế của Trung Quốc gần đây, ông Tập Cận Bình vẫn nói Biển Đông cơ bản ổn định. Ông còn dọa dẫm, Trung Quốc sẽ "có phản ứng cần thiết đối với những hành động khiêu khích của các bên liên quan"?!

Cũng không ai có thể biết trước, thậm chí Việt Nam có thể là nước ASEAN đầu tiên dám chỉ thẳng sự bịp bợm, tháu cáy của Trung Quốc trong việc liên tục trì hoãn đàm phán ký kết COC.

Về quan hệ Trung - Nga, trái với mối quan hệ cá nhân thân thiết và vẻ tráng lệ bề ngoài của hội nghị thượng đỉnh Putin - Tập Cận Bình gần đây, nó lại tỉ lệ nghịch với sự tin tưởng chiến lược thực sự giữa Nga và Trung Quốc. Moscow không muốn trở thành thành viên cấp dưới của Bắc Kinh. Họ có quyền và sự lựa chọn bán khí đốt cho Nhật Bản, bán vũ khí tiên tiến cho Việt Nam và Ấn Độ.

Ý tưởng thiết lập một cấu trúc an ninh mới được Tập Cận Bình đưa ra tại Hội nghị Tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) hồi tháng 5 vừa qua ở Thượng Hải cũng khó thành, bởi đây là một nhóm đã mệt mỏi, hầu như không được nhận thấy trong nhiều năm qua. Tại sao Trung Quốc đột ngột lại nâng cao tầm quan trọng của nó?

Bắc Kinh có thể giả vờ nhún vai từ chối một hành động pháp lý, nhưng họ sẽ gặp khó khăn trong việc thờ ơ với phiên tòa một khi Việt Nam cũng đưa vấn đề Biển Đông ra cơ quan tài phán quốc tế và được Mỹ, EU và các nước khác công khai ủng hộ để giữ gìn hệ thống luật pháp quốc tế.

Đồng thời Mỹ và các đồng minh trong đó có Nhật Bản với quyền lợi của mình sẽ báo hiệu rằng, họ sẽ mở rộng phát triển năng lực an ninh, huấn luyện (quân sự) và chia sẻ thông tin tình báo với các quốc gia Đông Nam Á để phản ứng trước các mối lo ngại về hành động của Trung Quốc.

Ngay cả với các nguồn lực hạn chế, hải quân Mỹ vẫn có thể duy trì một sự hiện diện có thể thấy rõ trên Biển Đông, và nếu có lời mời sẽ là sự hiện diện ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của đồng minh, đối tác ven Biển Đông.

Sự thật là thái độ hung hăng lấn tới của Trung Quốc trên biển đã không ngừng gia tăng trong những năm gần đây, trong khi tâm lý chống Nhật Bản của người Trung Quốc mặc dù vẫn còn lớn nhưng đã giảm trong năm nay. Đây sẽ là một bộ phim truyền hình dài tập và kịch bản không phải dành cho riêng người Trung Quốc viết.

Theo dõi toàn cảnh tranh chấp Biển Đông, các hành vi gây hấn của Trung Quốc và phân tích, bình luận TẠI ĐÂY.

Hồng Thủy