Trung Quốc đang bận bành trướng Biển Đông, không sức đâu kéo quân sang Syria

06/10/2015 09:32
Hồng Thủy
(GDVN) - Những lợi thế có sẵn của Trung Quốc về lực lượng và công nghệ lại đang cung cấp cho Bắc Kinh điều kiện hiện diện chưa từng có, ảnh hưởng đáng kể ở Biển Đông.

Giáo sư Andrew Erickson từ Học viện Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ ngày 5/10 bình luận trên The Natinonal Interest, mục tiêu chính của Trung Quốc là (bành trướng, độc chiếm) Biển Đông chứ không phải Syria. Không nên tin rằng Trung Quốc ngày càng có khả năng sẵn sàng tiến hành các hoạt động quân sự phong cách Mỹ ở Syria.

Giáo sư Andrew Erickson, Học viện Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ.
Giáo sư Andrew Erickson, Học viện Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ.

Vài ngày qua trên internet đã xuất hiện các thông tin cường điệu về khả năng tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc có thể được sử dụng vào việc tấn công tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (ISIS) ở Syria. Một trang web của Israle đã gây tranh cãi khi đăng tải thông tin "độc quyền" hôm 2/10 cho rằng máy bay chiến đấu Trung Quốc có thể tham gia không kích ISIS.

Debka, tên trang web Israel dẫn nguồn tin "tình báo quân sự" nói rằng hôm 2/10 Trung Quốc đã chuyển lời tới Moscow về việc Bắc Kinh có thể điều chiến đấu cơ J-15 sang trợ chiến chiến dịch không kích ISIS mà Tổng thống Nga Putin đang tiến hành ở Syria. Debka không đưa ra bất cứ bằng chứng nào cho tuyên bố này của mình.

"Các chiến đấu cơ J-15 sẽ cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh vốn đã cập bờ bờ biển Syria ngày 26/9. Đây sẽ là một sự kiện mang tính bước ngoặt của Bắc Kinh, hoạt động quân sự đầu tiên tại Trung Đông và lần đầu tiên đưa tàu sân bay Liêu Ninh vào tác chiến thực sự", bản tin trên Debka cho biết. Để gia tăng cộng hưởng chính trị, tờ Pravda của Nga và một số báo khác đã lan truyền thông tin sai lạc này.

Không cần phải bận tâm rằng những thông tin này có chính xác hay không, cái cần quan tâm chính là thói huênh hoang bắt nạt, hành vi bành trướng hung hãn của hải quân Trung Quốc đang ngày càng leo thang ở các vùng biển gần, gồm Hoàng Hải, Hoa Đông và Biển Đông. Trung Quốc còn khá thận trọng trong việc triển khai sức mạnh quân sự tham chiến ở nước ngoài.

Hiện tại, Trương Quân Xã, một học giả và là cố vấn chiến lược của hải quân Trung Quốc đã công khai tuyên bố, thông tin tàu sân bay Liêu Ninh tiến vào Địa Trung Hải hoàn toàn là tin đồn bịa đặt. Bản thân tàu sân bay Liêu Ninh cũng còn phải mất vài năm nữa mới có thể đưa vào sử dụng trong tác chiến, trong khi Trung Quốc là một trong số ít quốc gia có đủ tiền để đóng tàu sân bay của riêng mình nhưng lại thiếu công nghệ và kinh nghiệm.

Công nghiệp đóng tàu chiến cho hải quân Trung Quốc cho thấy Biển Đông sẽ là nơi Bắc Kinh tập trung vào chứ không phải Syria. Sau khi Bắc Kinh bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa với 3 đường băng dài trên 3000 mét, tới đây nhiều khả năng Trung Quốc sẽ kéo tàu chiến, máy bay ra khu vực này để huấn luyện.

Chiến đấu cơ J-11 Trung Quốc, hình minh họa.
Chiến đấu cơ J-11 Trung Quốc, hình minh họa.

Một trong những mục đích sử dụng rõ ràng của 3 đường băng này là cất hạ cánh khẩn cấp cho các máy bay quân sự, trong khi những lợi thế có sẵn của Trung Quốc về lực lượng và công nghệ lại đang cung cấp cho Bắc Kinh điều kiện hiện diện chưa từng có, ảnh hưởng đáng kể ở Biển Đông. Các vùng biển gần sẽ vẫn là ưu tiên của Trung Quốc.

Ngoài lực lượng hải quân, Trung Quốc còn có 205 tàu Cảnh sát biển (tàu quân sự trá hình), nhiều hơn tổng số tàu Cảnh sát biển các nước trong khu vực cộng lại (tổng số 147 tàu). Trung Quốc sở hữu 129 tàu Cảnh sát biển với tải trọng 500 đến 1000 tấn trong khi các nước láng giềng cộng lại cũng chỉ có 84 chiếc loại này.

Đa Chiều, một tờ báo chính trị Trung Quốc tại New York, Hoa Kỳ ngày 3/10 cũng có bài bình luận với quan điểm tương tự. Báo này cho rằng Nga xuất quân "giương oai" ở Trung Đông, nhưng quân đội Trung Quốc vẫn tiếp tục "tọa sơn quan hổ đấu", chờ thời cơ thay đổi chứ không có chuyện Trung Quốc ra quân tiêu diệt ISIS như bản tin trên Debka.

Hoạt động của hải quân Trung Quốc ở Địa Trung Hải gần đây là của cụm chiến hạm bao gồm tàu khu trục Tế Nam, tàu hộ vệ mang tên lửa Ích Dương và tàu hậu cần Thiên Đảo Hồ chứ không phải tàu sân bay Liêu Ninh. Sau khi kết thúc 4 tháng làm nhiệm vụ hộ tống, 3 chiến hạm trên bắt đầu đi thăm viếng các nước trên thế giới kể từ ngày 23/8.

Hơn 5 tháng qua, 3 chiến hạm Trung Quốc đã cơ động quãng đường hơn 30 ngàn km từ vịnh Aden qua kênh đào Suez vào Địa Trung Hải, rồi lại từ Địa Trung Hải đi thăm các nước Sudan, Ai Cập, Đan Mạch từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9. Cụm tàu này sẽ tiếp tục thăm viếng các nước Ba Lan, Hoa Kỳ, Cu Ba, Mexico.

Mặc dù Bắc Kinh tuyên bố hoạt động của cụm tàu này không liên quan đến cục diện Syria, nhưng không thể phủ nhận rằng nếu Trung Quốc có hành động quân sự ở Syria sẽ làm thay đổi cơ bản cán cân lực lượng ở Trung Đông, Đa Chiều nhận định.

Tờ báo này bình luận, chính sách quốc phòng Trung Quốc hiện nay cho thấy, việc xuất quân sang Syria chỉ là một khả năng và có thể diễn ra dưới hình thức lực lượng gìn giữ hòa bình do Liên Hợp Quốc tổ chức, ngoài ra không có khả năng Trung Quốc điều J-15 không kích ISIS ở quốc gia Trung Đông này.

Hồng Thủy