Trung Quốc đang tàn phá nhanh, quy mô lớn hệ sinh thái ở Biển Đông

17/09/2015 13:30
Nguyễn Hường
(GDVN) - Hoạt động bồi lấp, quân sự hóa bất hợp pháp của Trung Quốc ở Trường Sa đang tàn phá nhanh chóng các rạn san hô nguyên sơ - chìa khóa để duy trì nguồn cá.

Tờ Guardian của Anh hôm 16/9 dẫn lời các chuyên gia nước này lên tiếng bày tỏ lo ngại về sự tàn phá đối với hệ sinh thái và môi trường gây ra bởi các hoạt động bồi lấp và quân sự hóa (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trung Quốc đang tàn phá các rặng san hô trên đá Vành Khăn, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam. Ảnh: Guardian.
Trung Quốc đang tàn phá các rặng san hô trên đá Vành Khăn, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam. Ảnh: Guardian. 

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế mới đây đã cho công bố một loạt ảnh vệ tinh có độ phân giải cao chụp ngày 8/9 về các công trình nhân tạo Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) nhằm đáp ứng mục tiêu chiến lược lâu dài, trở thành một cường quốc hải quân, cường quốc biển.

Những hình ảnh vệ tinh vừa được công bố lần đầu tiên cho thấy cái nhìn chi tiết nhất về hoạt động mở rộng phạm vi quân sự (phi pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông, làm dấy lên các lo ngại về vấn đề an ninh lẫn môi trường.

Giáo sư John McManus, một nhà sinh học biển hàng đầu, người đã phân tích các hình ảnh vệ tinh mới nhất cho rằng, Trung Quốc đang tàn phá nhanh chóng một số rạn san hô đa dạng nhất trên thế giới. 

Việc Trung Quốc xây dựng đường băng, tiền đồn quân sự và thậm chí cả các thị trấn nhỏ ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) là hành vi gây nguy hiểm cho hệ sinh thái của các rạn san hô đa dạng nhất thế giới có trong khu vực này, nơi vốn là chìa khóa để duy trì nguồn cá trên thế giới và đa dạng sinh học.

Các hoạt động hủy diệt này diễn ra với quy mô "khổng lồ và nhanh chóng", hàng ngàn héc ta rạn san hô nguyên sơ đã bị mất đi vĩnh viễn trong những năm gần đây với tần suất nhanh nhất trong lịch sử nhân loại.

"Thế hệ chúng tôi có trách nhiệm giữ gìn các đảo san hô và rạn san hô đa dạng, vô cùng đẹp cho các thế hệ tương lai", McManus nói. "Nhưng chúng tôi đã thất bại thảm hại."

Trung Quốc đang phá nát các rặng san hô ở đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam. Ảnh Guardian.
Trung Quốc đang phá nát các rặng san hô ở đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam. Ảnh Guardian. 

Theo ông, mức độ khai hoang của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay là đáng báo động về sự hủy diệt, rất đáng lo ngại. 

Giáo sư Terry Hughes, một chuyên gia về rạn san hô, cũng cho rằng các hình ảnh từ đá Xu Bi rất đáng lo ngại. Việc xây dựng đảo nhân tạo trên rìa các rạn cạn được phủ kín bằng trầm tích và biến vùng nước sạch thành bùn sẽ gây ra những thiệt hại về môi trường rất lớn, với quy mô chưa từng có.

Các rạn san hô ở Biển Đông vốn đang ngày càng bị đe dọa bởi hoạt động đánh bắt quá mức, biến đổi khí hậu và giờ lại phải đấu tranh với những tác động từ tiền đồn quân sự mới của Trung Quốc. 

Biển Đông là nơi chứa 10% nguồn cá toàn cầu, theo ước tính của một chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc. Các rạn san hô đóng vai trò rất quan trọng vì nó là nơi trú ẩn, duy trì nguồn cá và giúp đa dạng hóa nguồn cá. 

Theo chuyên gia Reef Johnson của tờ Guardian, hơn 20 rạn san hô ở quần đảo Trường Sa đang có dấu hiệu bị thiệt hại nghiêm trọng về mặt sinh thái. Điều này sẽ gây ra các tác động tiêu cực đến ngành thủy sản ở Biển Đông, một trong những vựa cá của thế giới.

Nó cũng có thể dẫn tới các tác động đến việc làm, văn hóa, dinh dưỡng, kinh tế và hòa bình đối với các quốc gia ở ven Biển Đông/.

Nguyễn Hường