Trung Quốc không thể dập khuôn Nga, phải chơi Thái Cực quyền ở Đông Á

23/03/2014 06:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Coi thường mọi uy hiếp từ phương Tây cũng như việc kiểm soát cục diện Crimea nhanh như chớp của Nga đã tạo được ấn tượng đậm nét với dư luận Trung Quốc.
Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu, người được cho là chủ bút của các bài xã luận.
Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu, người được cho là chủ bút của các bài xã luận.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 22/3 đăng bài xã luận phân tích, thái độ coi thường mọi uy hiếp từ phương Tây cũng như việc kiểm soát cục diện Crimea nhanh như chớp của Nga đã tạo được ấn tượng đậm nét với dư luận Trung Quốc. 

Nhiều người cho rằng Bắc Kinh cũng nên học tập "phong cách cứng rắn" của điện Kremlin, thậm chí có quan điểm cho rằng Trung Quốc nghĩ quá nhiều khi xử lý các vấn đề va chạm với láng giềng, tư thế của Bắc Kinh không được đàng hoàng cho lắm.

Lần này Putin ngẩng cao đầu thách thức phương Tây, cuộc khủng hoảng Crimea có thể xem như 1 mốc quan trọng trong quan hệ quốc tế kể từ khi Liên Xô giải thể đến nay. Phương Tây đã có thái độ nhẫn nhục hiếm thấy đối với đối thủ chiến lược của mình, trong khi điện Kremlin thích gì làm nấy khiến cho người Nga cảm thấy sung sướng, tự hào.

Tờ Hoàn Cầu cho rằng, Trung Quốc cần phải rút ra bài học cho mình qua sự kiện Ukraine, nhưng Bắc Kinh tuyệt đối không nên dập khuôn theo Nga. Mặc dù thủ thuật ngoại giao của Nga có chỗ có thể học, nhưng Bắc Kinh không được sao chép y nguyên.

Trên bản đồ chiến lược quốc tế, Nga là một quốc gia khá đặc biệt, Thời báo Hoàn Cầu đánh giá. Về mặt tài nguyên, ý thức hệ hay địa chính trị Moscow đều rất độc lập, sức mạnh tổng hợp của Nga không lớn, nhưng đồng thời Moscow cũng không có điểm yếu nào nổi bật, tham vọng của Nga có gì đó mơ hồ và thách thức của Nga với phương Tây thực chất là gì, cả Mỹ và EU cũng không thể xác quyết.

Thủ thuật ngoại giao của Nga có nhiều chỗ để học, nhưng Thời báo Hoàn Cầu khuyến cáo Bắc Kinh chớ dập khuôn.
Thủ thuật ngoại giao của Nga có nhiều chỗ để học, nhưng Thời báo Hoàn Cầu khuyến cáo Bắc Kinh chớ dập khuôn.

Liên Xô từng là đối thủ kình địch của phương Tây, thời Chiến tranh Lạnh bất cứ động thái "khiêu khích" nào từ Moscow đều có thể vấp phải những chế tài trừng phạt mạnh mẽ từ phương Tây. Tuy nhiên ngày nay phương Tây đã có nhiều chia rẽ xung quanh cái gọi là mối uy hiếp từ Moscow, có lúc họ thổi phồng nó lên, có khi đè bẹp nó xuống.

Cảm giác thất bại và mất mặt trong cuộc khủng hoảng Crimea đối với Mỹ và phương Tây hiện lớn hơn nhiều so với mối uy hiếp từ Nga mà các quốc gia này cảm nhận.

Trong cuộc khủng hoảng Crimea, phương Tây kêu gào rất hăng, thực ra Mỹ và Eu đều xem Nga như một kẻ gây rắc rối cho tiến trình phương Tây làm chủ trật tự châu Âu, họ hoàn toàn không tin Nga dưới sự lãnh đạo của Putin có thể quay trở lại với chủ nghĩa bá quyền đơn cực.

Hoàn Cầu cho rằng cả Mỹ và phương Tây đều rất coi trọng Trung Quốc, sức mạnh tổng hợp của Bắc Kinh có tiềm năng vượt qua cả Washington. Theo tờ báo, người phương Tây cho rằng trong tương lai Trung Quốc hoàn toàn có thể đảo ngược trật tự kinh tế và chính trị quốc tế hiện nay, một điều mà người Nga không thể làm được.

Đối với Moscow, Trung Quốc đã trở thành lực lượng chiến lược quốc tế để phân tán áp lực của phương Tây, hóa giả các thách thức của phương Tây đối với Nga. Chính điều này đã mở rộng không gian cho Putin tung các đòn ngoại giao linh hoạt với phương Tây.

Thời báo Hoàn Cầu lưu ý, Trung Quốc là 1 tay chơi mới trên sân khấu chính trị quốc tế, không phải già đời như Nga đã có lịch sử mấy trăm năm cọ sát ngoại giao với phương Tây. Nhưng người Trung Quốc có định hướng cho tương lai rất rõ ràng với tầm nhìn vài chục năm, thậm chí cả trăm năm.

Sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc đang phát triển, nhưng Bắc Kinh cũng có nhiều điểm yếu rõ nét. Những điểm yếu của Trung Quốc mà phương Tây có thể hạ thủ lớn hơn Nga rất nhiều, vì vậy đối đầu với phương Tây không phải lựa chọn thông minh với người Trung Quốc.

Trong tương lai Trung Quốc có thể vượt mặt Mỹ, đảo ngược trật tự quốc tế, nhưng lúc này đối đầu với phương Tây không phải lựa chọn khôn ngoan với Bắc Kinh.
Trong tương lai Trung Quốc có thể vượt mặt Mỹ, đảo ngược trật tự quốc tế, nhưng lúc này đối đầu với phương Tây không phải lựa chọn khôn ngoan với Bắc Kinh.

Quan hệ giữa Trung Quốc với phương Tây hiện nay theo Thời báo Hoàn Cầu, không phải bạn cũng chẳng phải thù, mặt hợp tác lớn hơn rất nhiều các mặt đối lập hay nguy cơ xung đột. Bắc Kinh và phương Tây vừa cảnh giác phòng ngừa lẫn nhau, nhưng lại vừa chung sống với nhau thoải mái.

Với cuộc khủng hoảng Crimea người Nga đã tận dụng triệt để thiên thời, địa lợi, nhân hòa, mọi điều kiện đều hỗ trợ Nga đưa ra quyết định nhanh như chớp. Nhưng các vấn đề xung quanh Trung Quốc lại là chuyện khác.

Thời báo Hoàn Cầu nhấn mạnh, với khu vực Đông Á người Trung Quốc phải đánh Thái Cực quyền, tuy hơi chậm và không sướng mắt, nhưng lại có thể giành được tối đa (cái gọi là) lợi ích quốc gia.

Tờ báo bình luận, mặc dù quan sát thấy Nga liên tục xuất chiêu ở Crimea, nhưng về mặt chiến lược Moscow lại đang thủ thế. Trong khi đó Trung Quốc đang là lực lượng chiến lược trỗi dậy lớn nhất thế giới hiện nay và phương Tây đang dần hình thành tâm lý phòng ngừa đối với Trung Quốc.

Trên vũ đài chính trị quốc tế, tiêu chí đầu tiên đánh giá 1 quốc gia đó chính là thực lực, vì vậy Thời báo Hoàn Cầu kết luận, Trung Quốc nói gì không quan trọng, quan trọng là thực lực của Trung Quốc ở đâu thì không ai dám manh động đến đó khiêu khích.
Hồng Thủy