Trung Quốc sẽ tử hình hai điệp viên Nhật Bản?

04/10/2015 07:22
Hồng Thủy
(GDVN) - Nhà chức trách Trung Quốc thường sử dụng bài bắt giữ gián điệp để đe dọa, gây rắc rối cho các quốc gia khi mối quan hệ của họ với Trung Quốc không tốt.
Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ảnh: SCMP.
Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

South China Morning Post ngày 4/10 đưa tin, 2 công dân Nhật Bản bị bắt tại Trung Quốc vì nghi ngờ làm gián điệp có thể đã thu thập các thông tin về hoạt động quân sự của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên cho cơ quan tình báo quốc gia Nhật, Kyodo News cho biết. Theo lời khai mà chính quyền Trung Quốc công bố, 2 người đàn ông này nói rằng họ thu thập thông tin theo yêu cầu của cơ quan tình báo an ninh công cộng Nhật Bản.

Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm Thứ Tư vừa qua nói rằng các nhà chức trách Trung Quốc bắt giữ 2 người Nhật Bản vì tình nghi tiến hành các hoạt động gián điệp. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga bác bỏ các thông tin này.

Hai cá nhân bị bắt giữ trong tháng 5 đều là dân thường. Một trong số 55 tuổi, cư trú tại tỉnh Kanagawa và là một người lính Bắc Triều Tiên đào ngũ, từng bị giam ở Đan Đông, Liêu Ninh. Người còn lại 51 tuổi, sống tại tỉnh Aichi và thường xuyên qua lại Trung Quốc, bị bắt gần căn cứ quân sự ở Chiết Giang.

Trước đó báo cáo của Kyodo News nói rằng Trung Quốc kiếm cớ để gắn tội danh gián điệp cho 2 công dân Nhật Bản. Hiện đã có tin cho rằng cả hai có thể bị tử hình theo luật chống gián điệp của Trung Quốc. Tuy nhiên tướng Từ Quang Dụ, một học giả quân sự Trung Quốc tin rằng, 2 người này chỉ tìm kiếm và chụp ảnh các cơ sở quân sự thông thường sẽ không bị kết án tử hình.

Điệp viên nước ngoài nếu bị bắt thường bị Trung Quốc phạt tù và bị trục xuất về nước sau các cuộc đàm phán ngoại giao. Nghê Lạc Hùng, một chuyên gia quân sự ở Thượng Hải cho biết, nhà chức trách Trung Quốc thường sử dụng bài bắt giữ gián điệp để đe dọa, gây rắc rối cho các quốc gia khi mối quan hệ của họ với Trung Quốc không tốt.

"Gián điệp thông thường được hồi hương thông qua các kênh ngoại giao", ông Hùng nói. Trong năm 2005 Trung Quốc đã trục xuất 2 người đàn ông Nhật Bản tìm cách thăm dò trái phép, thu thập dữ liệu về quân sự Trung Quốc. Năm 2010 có 4 trường hợp khác bị bắt cũng là công dân Nhật Bản bị bắt vì tiếp cận một căn cứ quân sự gần Thạch Gia Trang, Hà Bắc. 4 người này bị quản thúc 1 năm, sau đó được thả.

Hồng Thủy