Trung Quốc theo đuổi mối quan hệ "có thể uốn cong" với các nước

01/11/2013 07:37
Hồng Thủy
(GDVN) - Việc thực hiện các thỏa thuận với Bắc Kinh trở thành một vấn đề vì các nước liên quan thường xuyên không có ý tưởng rõ ràng về những gì cần thực hiện trong các bước cải thiện quan hệ song phương với Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình đi thăm chính thức Malaysia trong tháng 10 vừa qua và "nâng cấp" quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.
Ông Tập Cận Bình đi thăm chính thức Malaysia trong tháng 10 vừa qua và "nâng cấp" quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.
Bưu điện Hoa Nam ngày 1/11 phân tích, trong khi mở rộng phạm vi hoạt động trên toàn cầu Trung Quốc đã thể hiện một sự miễn cưỡng trong việc chính thức liên minh với các quốc gia khác, thay vào đó là quản lý các mối quan hệ đối ngoại thông qua "thỏa thuận hợp tác", một công cụ ngoại giao mang thế mạnh và nhược điểm của riêng mình. Các "thỏa thuận hợp tác" này đã được Trung Quốc áp dụng với 54 trong số 172 quốc gia Bắc Kinh có quan hệ ngoại giao chính thức thường rất mơ hồ và khó hiểu đối với giới quan sát. Không giống như các liên minh và các hiệp ước an ninh, Trung Quốc không chỉ rõ nghĩa vụ của các quốc gia tham gia "thỏa thuận hợp tác" với họ mà tạo ra một mức độ linh hoạt trong xử lý quan hệ song phương. Tuy nhiên việc thực hiện các thỏa thuận với Bắc Kinh trở thành một vấn đề vì các nước liên quan thường xuyên không có ý tưởng rõ ràng về những gì cần thực hiện trong các bước cải thiện quan hệ song phương với Trung Quốc. Công cụ này đã dần trở nên nổi tiếng từ những năm 1990 khi Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao của nó khi kinh tế tăng  trưởng mạnh mẽ hơn. Gần đây trong chuyến công du Đông Nam Á của Tập Cận Bình, Trung Quốc đã "nâng cấp quan hệ" với Indonesia và Malaysia lên "đối tác chiến lược toàn diện". Các thỏa thuận hợp tác giữa Bắc Kinh với các nước có thể chia thành 5 loại chính: Quan hệ đối tác hợp tác, hợp tác toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện và quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện.
Quan hệ Trung - Mỹ là ví dụ điển hình cho sự không rõ ràng của Bắc Kinh trong hoạt động đối ngoại.
Quan hệ Trung - Mỹ là ví dụ điển hình cho sự không rõ ràng của Bắc Kinh trong hoạt động đối ngoại.
Nhưng sự khác nhau giữa các loại quan hệ mà Bắc Kinh đặt ra thực sự không rõ ràng. Mức thấp nhất thường có giữa Trung Quốc với 1 nước là "tăng cường hợp tác các vấn đề song phương", chẳng hạn như thương mại. Bắc Kinh gọi mối quan hệ với Singapore là mối quan hệ "hợp tác thân thiện". Nếu quan hệ song phương được "nâng cấp lên tầm chiến lược", 2 nước sẽ phối hợp chặt chẽ hơn về các vấn đề quốc tế và khu vực, bao gồm cả quân sự. Trong tuyến bố chung gần đây Trung Quốc và Indonesia cam kết hỗ trợ lẫn nhau để củng cố vị trí của họ trong các diễn đàn đa phương như G20 và duy trì liên lạc thường xuyên giữa lãnh đạo 2 nước. Mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện thường được coi là mức độ cao nhất trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Nhưng quan hệ Trung - Mỹ lại là trường hợp đặc biệt. Năm 1997 Bắc Kinh và Washington tuyên bố thiết lập quan hệ "đối tác chiến lược xây dựng". Sau đó, năm 2011 Bắc Kinh với Washington lại cam kết xây dựng một quan hệ đối tác hợp tác dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Tháng 6 vừa qua trong hội nghị thượng đỉnh không chính thức, Tập Cận Bình và Obama thống nhất nâng cấp quan hệ song phương thành quan hệ giữa 2 nước lớn theo mô hình mới, một khái niệm mơ hồ. Bắc Kinh cũng thường tìm cách tự kiềm chế để không hạ thấp quan hệ song phương với các nước khác ngay cả khi căng thẳng bùng lên. Điển hình là quan hệ Trung Quốc - Philippines vẫn được định nghĩa là quan hệ đối tác hợp tác chiến lược mà 2 bên thỏa thuận năm 2005, mặc dù 2 bên đang rất căng thẳng. Nga, một đối tác hợp tác chiến lược toàn diện của Trung Quốc thường thống nhất với Bắc Kinh trong một loạt các vấn đề quốc tế, chẳng hạn như vấn đề Syria. Tuy nhiên điều này không phải thường thấy trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước khác.

Hồng Thủy