Trung Quốc thực lòng thay đổi, hay chỉ muốn ly gián Mỹ - Nhật?

25/10/2018 16:03
Hồng Thủy
(GDVN) - Chính ông Donald Trump đã thúc đẩy Shinzo Abe và Tập Cận Bình xích lại gần nhau. Khu vực sẽ được hưởng lợi nếu quan hệ Trung-Nhật trở nên thân thiện, hợp tác.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm chính thức Cộng hòa nhân dân Trung Hoa từ chiều nay 25/10. Tháp tùng ông Shinzo Abe công du Trung Quốc có Ngoại trưởng, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản và một phái đoàn lãnh đạo doanh nghiệp hùng hậu.

Theo Nikkei, dự kiến trong chuyến thăm này hai ông Shinzo Abe, Lý Khắc Cường sẽ đồng chủ trì lễ kỷ niệm 40 năm Nhật - Trung ký hiệp ước hòa bình và hữu nghị vào ngày mai, mà hai bên còn có thể ký kết khoảng 50 giao dịch.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến Bắc Kinh chiều nay 25/10, ảnh: Đa Chiều.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến Bắc Kinh chiều nay 25/10, ảnh: Đa Chiều.

Cũng trong chuyến thăm này, dự kiến Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tuyên bố chấm dứt cung cấp ODA cho Trung Quốc vì nước này đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đồng thời mở rộng thỏa thuận hoán đổi tiền tệ.

Donald Trump đẩy Tập Cận Bình và Shinzo Abe xích lại gần nhau

Đó là nhận định của nhà báo Ben Westcott, CNN ngày 25/10. [1]

Quan hệ Trung - Nhật đã rơi vào khủng hoảng từ năm 2012 khi Tokyo quyết định quốc hữu hóa quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông mà Bắc Kinh cũng yêu sách, với tên gọi Điếu Ngư. 

Đã có hàng loạt cuộc biểu tình chống Nhật Bản nổ ra trên khắp Trung Quốc đại lục và làm tổn hại không nhỏ đến hợp tác kinh tế - thương mại Trung - Nhật.

Kể từ khi nhậm chức vào cuối năm 2012, Thủ tướng Shinzo Abe đã liên tục tìm kiếm các cuộc họp với giới lãnh đạo Trung Quốc, ngay cả trong thời điểm căng thẳng nhất vì tranh chấp lãnh thổ. [2]

Lần đầu tiên ông Shinzo Abe gặp Tập Cận Bình với tư cách lãnh đạo 2 cường quốc Đông Á năm 2014, họ bắt tay nhau hờ hững, ánh mắt u ám và biểu hiện đầy lạnh nhạt, khiên cưỡng.

Ông Tập Cận Bình tiếp Thủ tướng Shinzo Abe tới Bắc Kinh dự Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2014 với tư cách nguyên thủ nước chủ nhà. Ảnh: CNN.
Ông Tập Cận Bình tiếp Thủ tướng Shinzo Abe tới Bắc Kinh dự Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2014 với tư cách nguyên thủ nước chủ nhà. Ảnh: CNN.

4 năm sau, ông Shinzo Abe phát biểu với Quốc hội trước khi đi Bắc Kinh:

"Nhật Bản và Trung Quốc có trách nhiệm lớn đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực. Tôi sẽ nâng mối quan hệ này lên một tầm cao mới." 

Có được kết quả này, tất cả là nhờ Donald Trump, theo Ben Westcott.

Chính sách ngoại giao độc đáo của Nhà Trắng dưới thời Donald Trump với Nhật Bản - liên minh thương mại và đồng minh quân sự - đã khiến Tokyo cảm thấy cái ô an ninh của Hoa Kỳ không còn chắc chắn.

Donald Trump đã nhiều lần kêu gọi các đồng minh quân sự ở Đông Á phải chi trả nhiều hơn cho lực lượng quân sự Mỹ, những người cung cấp dịch vụ đảm bảo an ninh cho họ.

Trên Biển Đông, Bắc Kinh ngày càng cảm thấy áp lực từ chính quyền Donald Trump.

Giáo sư Koichi Nakano từ Đại học Sophia, Tokyo nói với CNN, cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc đang trở thành mục tiêu trong cuộc chiến thương mại của Mỹ.

Vì vậy, Tập Cận Bình muốn nói với Shinzo Abe rằng, lúc này họ đang "cùng hội cùng thuyền".

Trong lịch sử, mối quan hệ giữa Bắc Kinh, Tokyo với Washington khác nhau rất xa, một là đối thủ, một là đồng minh.

Nhưng hiện tại, cả hai đang đối mặt với những thách thức từ Mỹ.

Trung Quốc thực lòng thay đổi, hay chỉ muốn ly gián Mỹ - Nhật? ảnh 3

Thủ tướng Shinzo Abe có thể làm thay đổi sâu sắc cục diện khu vực

Tranh chấp thương mại Trung - Mỹ đã trở nên nổi tiếng và có thể ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu.

Mỹ đã đánh thuế các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá hàng trăm tỉ USD, cáo buộc Bắc Kinh đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ. Mới nhất, Washington cáo buộc Bắc Kinh đã can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ.

Nhưng với Nhật Bản, xung đột với Mỹ phức tạp và bất ngờ hơn, bởi Washington là đồng minh quân sự lẫn ngoại giao thân cận của Tokyo suốt hơn 70 năm qua.

Shinzo Abe là nhà lãnh đạo quốc tế đầu tiên chủ động bay sang Mỹ gặp Donald Trump khi ông đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Mặc dù có nhiều cuộc tiếp xúc song phương, nhưng gần như các nỗ lực này không mang lại được điều gì rõ rệt cho Nhật Bản.

Ông Donald Trump vẫn giữ quan điểm Nhật Bản phải điều chỉnh thâm hụt thương mại với Hoa Kỳ. Cũng là đồng minh của Mỹ, nhưng Úc thì được Donald Trump miễn thuế quan các mặt hàng nhôm và thép, còn Nhật thì không.

Nếu như ông Donald Trump rút Hoa Kỳ khỏi TPP, thì Thủ tướng Shinzo Abe là người tích cực nhất trong việc cứu TPP, sau đó là thúc đẩy việc ký kết hiệp định CPTPP thay thế cho TPP.

Về ngoại giao, ông Shinzo Abe gần như bị bỏ rơi trong tiến trình dẫn đến hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều và những chuyển động mới nhất trên bán đảo Triều Tiên.

Donald Trump tạo cơ hội để Shinzo Abe nâng cao vị thế, vai trò của Nhật Bản

Bất chấp những khác biệt về thương mại, chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật thay đổi về bản chất, nhưng khía cạnh Nhật Bản đóng vai trò ngày một lớn hơn trong khu vực thì ngày càng rõ nét.

Thủ tướng Shinzo Abe đã rất nỗ lực khôi phục quan hệ Trung - Nhật mà không ảnh hưởng gì đến yêu sách với quần đảo Senkaku / Điếu Ngư.

Cũng vì sức ép từ cuộc chiến thương mại mà ngài Donald Trump phát động, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới quay sang tìm kiếm sự hợp tác ở Nhật Bản.

Cá nhân người viết cho rằng, quan hệ hợp tác Trung - Nhật dù nhìn dưới khía cạnh nào cũng không phải để kiềm chế quan hệ Nhật - Mỹ. Chỉ đơn giản hai bên đang cần nhau và Donald Trump như một chất xúc tác để thúc đẩy Bắc Kinh, Tokyo vượt qua các rào cản chiến lược.

Trung Quốc thực lòng thay đổi, hay chỉ muốn ly gián Mỹ - Nhật? ảnh 4

Donald Trump muốn Trung Quốc "nếm đủ đau đớn", Bắc Kinh khẩn khoản học hỏi Tokyo

Nhật Bản tham gia hợp tác với Trung Quốc trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường có thể là một dấu hiệu tốt cho các quốc gia mục tiêu lẫn các doanh nghiệp của 2 nước này.

Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore đang gấp rút thúc đẩy chiến lược cung cấp dịch vụ pháp lý, trọng tài cho các dự án thuộc khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường, tăng cường tính minh bạch, hiệu quả và giảm nguy cơ, rủi ro mắc vào bẫy nợ. [3]

Như vậy có thể thấy, trong lúc các nước đang phát triển rất lo ngại với nguy cơ dính bẫy nợ ngoại giao khi tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường, thì Singapore và Nhật Bản lại đang nhìn thấy những cơ hội.

Còn việc Nhật Bản và Trung Quốc có cưỡng lại được các chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump hay không, cần phải quan sát thêm. Trên thực tế Canada, Mexico, Hàn Quốc đã phải điều chỉnh để thích nghi với Donald Trump.

Về mặt an ninh, chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở vẫn được Thủ tướng Shinzo Abe thúc đẩy, sự hiện diện của Nhật Bản trên Biển Đông cũng như ảnh hưởng của Tokyo tại các nước Đông Nam Á tiếp tục được tăng cường.

Vì thế, việc Nhật Bản và Trung Quốc cải thiện quan hệ, thúc đẩy hợp tác có thể là một dấu hiệu tốt cho hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung, Đông Á nói riêng.

Nói cách khác, chính Tổng thống Donald Trump đang giúp Thủ tướng Shinzo Abe nâng cao vị thế và vai trò của Nhật Bản. Đồng thời, một khi Nhật Bản đảm đương vai trò ngày càng lớn hơn ở châu Á - Thái Bình Dương, gánh nặng của Mỹ sẽ được san sẻ bớt.

Trung Quốc lặng lẽ điều chỉnh chiến lược hay chỉ là sách lược nhất thời?

Đối với Trung Quốc, việc quay sang thúc đẩy cải thiện quan hệ và hợp tác với Nhật Bản rõ ràng là một sự thay đổi.

Khả năng Tập Cận Bình và Shinzo Abe trở nên "cùng hội cùng thuyền" rất mờ nhạt, nhưng lợi ích chung của 2 nước khi hợp tác được với nhau thì rất rõ ràng.

Trung Quốc thực lòng thay đổi, hay chỉ muốn ly gián Mỹ - Nhật? ảnh 5

Cuộc chiến thương mại Trung - Hàn và bài học từ vụ giàn khoan 981

Vấn đề còn lại, là Bắc Kinh có thực lòng hợp tác và bỏ kiểu chính trị hóa các quan hệ kinh tế - thương mại như đã từng làm với Hàn Quốc, Philippines...hay không mà thôi.

Nếu không, quan hệ Trung - Nhật sẽ không đi đến đâu.

Còn một khi Trung Quốc nhận ra vấn đề và thực sự thay đổi, điều này không chỉ mang lại lợi ích cho chính quốc gia này, mà còn các nước láng giềng và khu vực.

Trung Quốc vẫn tự hào mình là "lễ nghĩa chi bang", nhưng ứng xử rất thiếu chuyên nghiệp với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khi ông tới Bắc Kinh ngày 8/10. 

Ông Tập Cận Bình không tiếp, ông Vương Nghị chỉ tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ chưa đầy 1 tiếng đồng hồ và dành phần lớn thời gian để chỉ trích các chính sách của chính quyền Donald Trump. 

Đặc biệt là ông Vương Nghị còn không thèm mời Ngoại trưởng Mỹ một bữa theo thông lệ ngoại giao cho thấy sự coi thường ra mặt, dẫn đến những phản ứng từ trong chính giới lãnh đạo Trung Quốc. [4]

Cách ứng xử này cho thấy Trung Quốc thực sự đang thiếu một chiến lược trong việc đối phó với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cho nên nếu Trung Quốc thực sự muốn hợp tác với Nhật Bản, thì những thay đổi trong bàn cờ địa chính trị khu vực sẽ ngày càng trở nên rõ nét. Bằng không, nếu chỉ mượn Nhật Bản để đối phó với Tổng thống Donald Trump, mọi thứ cũng sẽ sớm bộc lộ.

Còn nếu ai đó hy vọng thúc đẩy hợp tác với Nhật Bản để "ly gián" quan hệ Nhật - Mỹ, có lẽ đó chỉ là ảo tưởng.

Nguồn:

[1]https://edition.cnn.com/2018/10/24/asia/japan-china-us-trump-intl/index.html

[2]https://www.bloomberg.com/news/articles/2018-10-25/japan-s-abe-heads-to-china-vowing-to-lift-ties-to-new-level

[3]https://asia.nikkei.com/Spotlight/Belt-and-Road/Singapore-aims-to-be-hub-for-Belt-and-Road-deal-signings

[4]https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/2169986/mike-pompeo-was-snubbed-beijing-now-it-wants-show-friendlier

Hồng Thủy